• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần khoảng 60 nghìn tỷ để tăng lương cơ sở

Kinh tế 29/10/2022 19:39

(Tổ Quốc) - Chiều nay (29/10), Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Cần khoảng 60 nghìn tỷ để tăng lương cơ sở - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Cần khoảng 60 nghìn tỷ để tăng lương cơ sở

Trả lời câu hỏi của phóng viên về công tác chuẩn bị nguồn lực để tăng lương cơ sở từ 1/7/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, ngay từ khi triển khai Nghị quyết 27/2018 về cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành địa phương phải bố trí nguồn lực tài chính để sẵn sàng khi cấp có thẩm quyền quyết định chính sách cải cách tiền lương. Giải pháp nguồn lực tài chính là tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi.

Từ khi triển khai nhiệm vụ này, tính đến hết năm 2021, theo số liệu từ các địa phương Bộ Tài chính đã tổng hợp, nguồn từ ngân sách địa phương đạt khoảng trên 290.000 tỷ đồng và ngân sách Trung ương là 43.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, theo phương án điều chỉnh tăng lương cơ sở đã được Chính phủ trình Quốc hội, tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội... do Ngân sách Nhà nước chi trả và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở sẽ cần khoảng 60.000 tỷ đồng.

"Với nguồn lực hiện có, chúng ta hoàn toàn chủ động trong quyết sách tăng lương cơ sở khi cấp có thẩm quyền thông qua", ông Nguyễn Đức Chi nói.

Tiến độ giải ngân đầu tư công đến nay như thế nào?

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tiến độ giải ngân đầu tư công đến nay như thế nào? Những địa phương, bộ ngành nào đang có mức giải ngân thấp nhất và tới đây sẽ có giải pháp gì để đạt được mức độ giải ngân cao nhất như Thủ tướng đã yêu cầu?, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong suốt thời gian qua, trong các phiên họp báo hằng tháng, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công luôn nhận được sự quan tâm của các nhà báo, của cộng đồng xã hội và đặc biệt trong Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV này cũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

Cần khoảng 60 nghìn tỷ để tăng lương cơ sở - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, với câu hỏi của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội vừa rồi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã có báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề để đáp ứng yêu cầu của đại biểu và cử tri cả nước. Tôi xin nhấn mạnh thêm một số nội dung mà nhà báo vừa hỏi.

Thứ nhất, về mặt số liệu, trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31/10/2022, giải ngân của cả nước ước đạt theo số chẵn khoảng 298 nghìn tỷ đồng. Con số 298 nghìn tỷ này, so với năm 2021, nhiều hơn khoảng 40,3 nghìn tỷ, tăng cao hơn 16% so với năm ngoái. Điều này để thấy được số lượng vốn giải ngân ra nền kinh tế có nhiều hơn. Tuy nhiên, con số tỉ lệ phần trăm có thấp hơn so với năm ngoái, là 51,34%. 

"Tại sao có con số này? Phần mẫu số có cộng thêm 38 nghìn tỷ giao bổ sung dự toán năm 2022 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và Thủ tướng cũng đã giao trong đầu tháng 10" - Thứ trưởng chia sẻ.

Theo Thứ trưởng, nếu không tính con số 38 nghìn tỷ này thì cũng đạt khoảng 55% (54,94%). Con số 55% này cũng gần bằng so với năm 2021, cùng kỳ đạt 55,8%. Tuy nhiên, năm 2021, giải ngân cả năm dồn vào 3 tháng cuối năm, đặc biệt quy định về ngân sách giải ngân đến 31/01/2022. Do vậy, đến 31/01/2022, chúng ta giải ngân được hơn 90%.

Về các cơ quan giải ngân thấp, Thứ trưởng cũng cho biết, trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có nêu các cơ quan giải ngân cao để Thủ tướng, Phó Thủ tướng biểu dương, cũng có cơ quan giải ngân thấp. Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan. Về mặt tên tuổi, xin đề nghị nhà báo kiểm tra lại trên mạng, hệ thống của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có công khai giải ngân của tất cả bộ, ngành và địa phương. Nhà báo quan tâm đến bộ ngành nào có thể kiểm tra trên đó.

Về các giải pháp từ nay đến cuối năm, thời gian còn rất ít, 2 tháng năm 2022, cộng thêm 1 tháng giải ngân chuẩn bị quyết toán thì chúng ta còn tầm 3 tháng để thúc đẩy giải ngân. Do vậy, thời gian để chúng ta triển khai các giải pháp mới không còn nhiều. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng báo cáo với Chính phủ kiến nghị mấy nhóm giải pháp để tích cực hơn, thực hiện quyết liệt hơn trong những tháng cuối năm. Hy vọng chúng ta có thể đạt được con số giải ngân cao vào thời điểm 31/1/2023.

Đầu tiên là phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng cũng như của Chính phủ. Điển hình là các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ, cộng với các chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 19/CT-TTg, qua các lần họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, cũng như thông qua các tổ công tác của Chính phủ đi làm việc với các bộ ngành, địa phương.

Thứ hai, nhiệm vụ nền tảng quan trọng nhất, điều kiện cần phải thực hiện ơ đây, nhiệm vụ rất lớn đối với các bộ ngành, địa phương là phải đôn đốc các chủ đầu tư cũng như các ban quản lý dự án và đặc biệt các nhà thầu, là phải thực hiện để có khối lượng thì mới giải ngân được. Không thể giải ngân vốn từ Kho bạc mà không có khối lượng đi kèm. Do vậy, công tác thực hiện từ nay đến cuối năm rất quan trọng, làm sao có được khối lượng tương đối lớn để chúng ta có thể giải ngân được số tiền còn lại của năm 2022.

Vấn đề thứ ba cũng rất quan trọng là thực hiện ở các bộ ngành, địa phương. Đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cũng như lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các đối tượng như chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu để làm sao đạt được kết quả thực hiện tốt.

Thứ tư là liên quan đến vấn đề thủ tục, thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn 3 tháng. Do vậy cũng mong các bộ ngành, địa phương phải chuẩn bị trước các thủ tục hành chính để giải ngân vốn đầu tư công khi chúng ta có khối lượng, để làm sao tránh tình trạng dồn dập, như rơi vào thời điểm cuối tháng 12 hoặc cuối tháng 1/2023, chúng ta giải ngân đồng loạt ở nhiều bộ ngành, nhiều chủ đầu tư, nhiều ban quản lý dự án. Lúc đấy sự phục vụ của hệ thống Kho bạc cũng như hệ thống hành chính rất vất vả và có thể nghẽn mạng, rất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Cuối cùng, đó là công tác chuẩn bị, theo Thứ trưởng, chúng ta chuẩn bị bước vào năm 2023, kế hoạch ngân sách và đầu tư công đã trình ra Quốc hội với lượng vốn năm 2023 là rất lớn, cao hơn năm 2022 hơn 100 nghìn tỷ, áp lực giải ngân của năm 2023 rất lớn. Do vậy, cần công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa, để làm sao bước sang năm 2023 chúng ta có thể triển khai thực hiện được ngay. Đây là điều tốt nhất để giảm nhẹ gánh nặng cũng như sức ép của thời điểm cuối năm.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ