(Tổ Quốc) - Sáng 15/2, tại phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 1/2022 của Quốc hội.
Đề nghị xử nghiêm trục lợi khi tổ chức các chuyến bay giải cứu công dân
Báo cáo do Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày trước đó nêu rõ, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm và kiến nghị đề nghị xử lý nghiêm minh sai phạm của một số cán bộ, công chức Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao trong quá trình xét duyệt cấp phép thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân; về tình trạng khan hiếm xăng gần đây do một số cây xăng đóng cửa, không bán hàng...
“Qua theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo, trong phạm vi cả nước có nổi lên một số nhóm vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự” – ông Dương Thanh Bình lưu ý khiếu kiện liên quan đến đất đai, cưỡng chế thu hồi đất xảy ra và tập trung chủ yếu tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao; liên quan đến ô nhiễm môi trường; công nhân, người lao động tại một số khu công nghiệp tổ chức đình công, nghỉ việc phản đối, đòi quyền lợi.
Để nâng cao chất lượng công tác dân nguyện nhằm đáp ứng yêu cầu của cử tri hơn nữa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiến nghị Ban Dân nguyện phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an cùng cơ quan liên quan lập danh mục hồ sơ đề xuất những vụ việc phức tạp kéo dài để UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội theo dõi, đôn đốc giải quyết dứt điểm.
"Để lâu thì không thể giải quyết được, phải lập danh sách để tránh “đánh trống bỏ dùi”. Khi ra Quốc hội chất vấn cũng phải xem xét, báo cáo cụ thể thực hiện thế nào” – ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, cần rà soát các vụ việc để tránh trùng lắp, lập danh mục hồ sơ vụ việc thuộc UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội theo dõi đôn đốc xử lý và hàng tháng đánh giá cụ thể.
Cần làm rõ nhiều vấn đề từ vụ việc bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm
Nêu ý kiến tại phiên họp, ông Ngô Sách Thực – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, việc đưa vụ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi nhận được sự đồng tình rất cao của dư luận; đồng thời nhiều ý kiến mong muốn làm rõ trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân hay chất lượng sản phẩm, quy trình đấu thầu...
Bên cạnh đó là vấn đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế cần có thêm các biện pháp khác hiệu quả hơn. Ngoài ra, ông Ngô Sách Thực cũng đề nghị cần làm rõ nhiều vấn đề từ vụ việc bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm.
Vụ việc bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm cũng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc đến trong phiên họp này. Bên cạnh đó, ông Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh thêm một số hiện tượng “bất thường” nổi lên gần đây liên quan đến mua bán đất đai.
Cụ thể như giá ký hợp đồng khác giá bán thực tế; thỏa thuận mua bán nhưng khi ký hợp đồng không chặt chẽ nên giá đất lên cao thì người bán không muốn bán nữa; có loại mua bán đất nhưng không tạo dòng tiền, chuyển nhượng như biện pháp kỹ thuật tạo doanh thu ảo...
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng khi tiếp nhận xử lý cần khách quan, tỉnh táo, cẩn trọng. Đây không phải việc nhỏ nên cơ quan của Quốc hội cũng cần giám sát để đảm bảo xử lý cho đúng./.