(Tổ Quốc) - Sáng nay (10/10), ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số dự thảo báo cáo.
Tiết kiệm triệt để, giảm chi tiêu không cần thiết
Theo đó, trong thời gian buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV; Cho ý kiến về 3 báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2022.
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, cử tri đánh giá cao các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ năm, khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, thực hiện các đột phá chiến lược, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo nhất quán, thực hiện quyết liệt, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Đặc biệt là ngay trước Kỳ họp Quốc hội lần này, Trung ương đã họp Hội nghị lần thứ sáu để thảo luận, ra Nghị quyết về những nội dung lớn, rất cơ bản và quan trọng, liên quan đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đến các vấn đề quốc kế, dân sinh lâu dài, có tính chiến lược vĩ mô.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ, cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự nghiêm túc và trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc trả lời và giải quyết kiến nghị của cử tri từ sau Kỳ họp thứ 3 đến nay. Hầu hết kiến nghị của cử tri và Nhân dân đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ngành tiếp thu, xem xét để trả lời hoặc chỉ đạo giải quyết có hiệu quả thiết thực.
Cử tri và Nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm xây dựng thể chế kiến tạo phát triển, tăng cường phân cấp, phân quyền, nắm tình hình, ứng phó diễn biến mới để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiết kiệm triệt để, giảm chi tiêu không cần thiết.
82,2% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời
Trình bày các Báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; bày tỏ sự quan tâm, kỳ vọng cao về các nội dung được Trung ương xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6; về những nội dung trong chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022.
Đồng thời, bày tỏ sự lo lắng về tình trạng lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại một số địa phương; tình hình dịch bệnh do virus Adeno diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng cao; tình trạng xuống cấp đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh niên, thiếu niên và việc thanh niên thiếu việc làm sau Covid-19; tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương…
Về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các Đoàn đại biểu Quốc hội trước và sau Kỳ họp thứ 3, 82,2% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời.
Về tình hình khiếu nại, tố cáo; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng 9/2022, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng trước. Trong kỳ báo cáo năm 2022, so với cùng kỳ năm trước, tăng 14% lượt người và tăng 15,07% vụ việc.
Trên cơ sở nội dung báo cáo, Ban Dân nguyện kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cần nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri, đảm bảo tiến độ gửi báo cáo tổng hợp theo quy định; tăng cường thực hiện tiếp công dân, xử lý đơn và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, lựa chọn và có kế hoạch giám sát chuyên đề theo lĩnh vực phụ trách trong chương trình hoạt động năm 2023, trong đó có lồng ghép giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; quan tâm, theo dõi việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực phụ trách đã được đề cập trong báo cáo công tác dân nguyện.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền sớm triển khai, thực hiện các nội dung kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”; thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung, nhất là những vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể, những vấn đề bức xúc trong xã hội được cử tri và Nhân dân quan tâm đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị tại Báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng; xem xét, giải quyết các vụ việc cụ thể đã được đề cập trong báo cáo; thực hiện tốt kế hoạch phối hợp tiếp công dân phục vụ Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV…
Cần làm rõ vấn đề nổi cộm như các vụ cháy quán karaoke
Góp ý vào báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, về kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo giải quyết các kiến nghị gửi tới Kỳ họp thứ Nhất, Kỳ họp thứ 2 nhưng chưa được xem xét, cần làm rõ danh mục kiến nghị, công việc cụ thể, xác định đúng cơ quan, đơn vị mang trách nhiệm theo dõi, giám sát, giải quyết.
Đối với các nội dung về tăng lương cơ sở, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cập nhật kết luận của Trung ương trong Hội nghị, đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Ngoài ra, về nội dung kiến nghị hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có kiến nghị cụ thể đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), một dự án Luật quan trọng, là trọng tâm nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ.
Cho ý kiến về báo cáo ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, báo cáo có đánh giá tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, địa phương xin nghỉ việc do áp lực công việc do tiền lương thực tế và thu nhập chưa đảm bảo đời sống. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh, các nguyên nhân được đưa ra này chưa hoàn toàn đầy đủ và không hợp lý do đây là phần về kiến nghị cử tri.
Góp ý về đánh giá tình hình trật tự an toàn xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh ghi nhận nội dung đánh giá sát thực tế, song bên cạnh đánh giá tổng thể cần làm rõ những vấn đề nổi lên được cử tri và Nhân dân quan tâm như tội phạm lừa đảo và đánh bạc trên không gian mạng; các vụ cháy nghiêm trọng tại các quán karaoke; tình hình trật tự an toàn giao thông, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh chia sẻ, qua tiếp xúc cử tri cho thấy đầu vào sản xuất của người nông dân rất bấp bênh, giá cả tăng cao, đầu ra sản xuất còn phụ thuộc vào thương lái, giá cả thị trường khiến cho đời sống của người nông dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Ngoài ra còn vấn đề thiếu thuốc, thiếu thuốc trong bảo hiểm y tế của người dân.
Đồng tình với nhiều nội dung của báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, bố cục báo cáo rất đầy đủ, tuy nhiên một số nội dung tương đối dàn trải, cần chỉnh sửa để đảm bảo cô đọng và khái quát hơn nữa. Một số nội dung liên quan đến dịch bệnh Covid-19, cần rà soát lại để đưa về một mục chung thống nhất, tránh tản mát, dàn trải, xen kẽ với các nội dung khác.
Với chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức tại xã đảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần rà soát, bổ sung thêm các văn bản pháp luật vào báo cáo để đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp lý với các xã đảo trên cả nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, pháp luật chưa có quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ cho người dân, cán bộ ở các xã đảo, đồng thời đề nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết, cụ thể về chính đầu tư, chế độ bảo hiểm y tế… các chính sách cụ thể khác đối với người dân, cán bộ, công chức, viên chức tại xã đảo, để giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân ở các vùng này./.