(Tổ Quốc) - Tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, chiều 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Không khống chế tỷ lệ vốn góp với nhà đầu tư nước ngoài
Trình bày Tờ trình dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, quá trình xây dựng dự thảo Luật, Bộ đã tiến hành rà soát, tổng kết, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội; tổ chức nhiều hội thảo để rà soát, đánh giá toàn diện những vấn đề vướng mắc, bất cập trong thực thi, những mâu thuẫn chồng chéo của Luật Viễn thông 2009 với các luật khác nhằm sửa đổi toàn diện và đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật.
Dự thảo luật đưa ra các quy định quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây theo nguyên tắc: phân loại dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây là dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng trên cơ sở tham khảo định nghĩa dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng của WTO, tham khảo cách phân loại dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng của một số nước và quản lý các dịch vụ này theo pháp luật chung về viễn thông; quản lý bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Dự thảo Luật không khống chế tỷ lệ vốn góp với nhà đầu tư nước ngoài để phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam hiện nay và định hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây theo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia.
Để đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cho người sử dụng, Nhà nước quản lý chặt chẽ thông qua các tiêu chuẩn kỹ thuật về hạ tầng, chất lượng dịch vụ, an toàn thông tin, an ninh mạng... và các quy định về bảo vệ dữ liệu theo Luật Viễn thông, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và pháp luật có liên quan…
Dự thảo Luật bổ sung quy định quản lý việc cung cấp dịch vụ viễn thông (trong đó có dịch vụ vệ tinh) xuyên biên giới vào Việt Nam theo nguyên tắc: Nội luật hóa cam kết quốc tế: việc cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới đến người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam; Đảm bảo an toàn, an ninh khi cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới thông qua các yêu cầu kỹ thuật.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định quản lý hoạt động bán buôn trong viễn thông theo nguyên tắc kết hợp giữa pháp luật quản lý cạnh tranh chung và pháp luật chuyên ngành viễn thông để thúc đẩy phát triển thị trường bán buôn.
Chỉ nên luật hóa những nội dung đã được đồng thuận
Thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về cơ bản, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với dịch vụ (1) trung tâm dữ liệu; (2) điện toán đám mây và (3) dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT- Over The Top) vì phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và xu hướng hội tụ trong lĩnh vực này ngày càng trở nên rõ ràng.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và các quy định có liên quan trong dự thảo Luật đối với những nội dung mở rộng này, tránh sự trùng lặp, chồng chéo. Đồng thời, cần nghiên cứu thiết kế quy định trong dự thảo Luật đối với 3 loại dịch vụ mới nêu trên theo hướng mở, mang tính nguyên tắc để phù hợp với xu thế thay đổi của các dịch vụ mới và thể hiện quan điểm của Nhà nước về việc khuyến khích đổi mới sáng tạo đối với các dịch vụ mới này.
Về quản lý dịch vụ OTT viễn thông (Điều 23), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu chỉnh lý các quy định nêu trên để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp; rà soát việc quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT cần gắn với quyền lợi của các doanh nghiệp này.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị cân nhắc, chỉ nên luật hóa những nội dung đã được đồng thuận, đối với những nội dung chưa có sự thống nhất, chỉ nên quy định một số nội dung mang tính nguyên tắc trong dự thảo Luật và sẽ được cụ thể hóa trong văn bản hướng dẫn để bảo đảm tính linh hoạt trong thực tế.
Về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam (Điều 34), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nên tiếp tục duy trì Quỹ theo như đề nghị tại Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần cân nhắc để luật hóa các nội dung đã được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện ổn định trong thời gian qua liên quan đến nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, cụ thể và tăng tính hiệu quả.
Các quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ cần rà soát, hoàn thiện để phù hợp với mục tiêu của Quỹ là hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông “công ích” và pháp luật về ngân sách nhà nước....
Cần làm rõ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích do ai quản lý
Cơ bản đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh 3 lĩnh vực của dự án Luật này: (1) trung tâm dữ liệu; (2) điện toán đám mây và (3) dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT- Over The Top), tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo quản lý đối với 3 dịch vụ mới này thì cần lưu ý quan tâm đến chi phí tuân thủ của doanh nghiệp có tăng lên hay không, có tác động ảnh hưởng như thế nào tới doanh nghiệp? Đồng thời cần nghiên cứu tính minh định của dự án Luật này với Luật Công nghệ thông tin để làm rõ phạm vi.
Góp ý vào dự thảo Luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị cần quy định cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng thụ hưởng, nhất là trong các vấn đề liên quan đến an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ bí mật đời tư cá nhân.
Một số quy định cần xem xét lại về tính khả thi, cụ thể là quy định về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet có số lượng người sử dụng dịch vụ lớn, có biện pháp bảo đảm sự hoạt động ổn định của dịch vụ.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn, cần đánh giá đầy đủ về các khoản đóng góp vào Quỹ dịch vụ viễn thông công ích và các nhiệm vụ chi của Quỹ.
Khoản đóng góp của doanh nghiệp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích là một khoản thu có tính chất bắt buộc, mang tính chất “thuế” bổ sung trên doanh thu đối với các doanh nghiệp viễn thông. Một số nhiệm vụ chi của Quỹ còn trùng lặp với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.
Do vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng nếu giữ Quỹ này thì cần làm rõ Quỹ này do ai quản lý, có cơ chế quản lý thu chi rõ ràng, minh bạch, quy định rõ đối tượng chi, khi nào chi, ai chi, chi để làm gì, để đảm bảo minh bạch, rõ ràng trong vận hành quỹ./.