(Toquoc)-Tại buổi giao ban trực tuyến về việc chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật, trình diễn thời trang, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, phải xử lý kiên quyết và tăng nặng các mức phạt...
(Toquoc)-Tại buổi giao ban trực tuyến về việc chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật, trình diễn thời trang, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, phải xử lý kiên quyết và tăng nặng các mức phạt đối với những hiện tượng ăn mặc phản cảm.
Trung bình mỗi ngày, có 2 chương trình biểu diễn nghệ thuật, thời trang lớn (phải xin phép) diễn ra trên cả nước. Những sai phạm như nghệ sỹ ăn mặc hở hang, phản cảm, hát nhép… đang diễn ra ngày càng nhiều, đi ngược lại giá trị văn hóa mà các chương trình đem lại. Trước thực tế này, ngày 16/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh đã có Chỉ thị về việc Chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Ngày 18/5, hội nghị giao ban trực tuyến về vấn đề này cũng đã được Bộ thực hiện trên ba điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Điều đó cho thấy, Bộ đang tích cực chống lại những biểu hiện sai lệch trong biểu diễn nghệ thuật, thời trang.
Báo mạng: “tiếp tay” cho sai phạm
Có một nghịch lý trong giới biểu diễn nghệ thuật ở nước ta là tỉ lệ vải trên người càng ít thì tỉ lệ nổi tiếng càng cao. Bởi vậy, vô hình chung, tình trạng ăn mặc hở hang đã trở thành trào lưu trong một bộ phận giới người mẫu, ca sỹ. Thế nên mới có cô người mẫu thẳng thắn tuyên bố “Từ khi tôi cởi, mọi người mới biết đến tôi”.

Hiện tượng ăn mặc phản cảm của một bộ phận người mẫu, ca sỹ đang trở thành trào lưu là chính bởi sự tiếp tay của các báo mạng (Ảnh: Internet)
Nhà báo Như Hoa- Báo Sài Gòn Giải phóng bức xúc: “Quá nhiều hình ảnh không đẹp được đăng trên báo mạng, nhưng không thấy cơ quan quản lý nào xử phạt. Đó là những con sâu bỏ rầu nồi canh trong làng báo, có tác dụng gây phản cảm. Cần chấn chỉnh những cơ quan báo chí đăng tải thông tin không lành mạnh. Bên cạnh đó, những người mẫu, ca sỹ đã từng xuất hiện với trang phục phản cảm vẫn xuất hiện ở các chương trình truyền hình trực tiếp. Sự thiếu kiên quyết trong việc xử lý sai phạm khiến những người vi phạm coi thường. Đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước thẳng tay với vi phạm và truyền hình không nên để những ca sĩ đã từng vi phạm lên sóng”.
Đồng quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, báo chí không nên dung túng cho những hình ảnh ăn mặc phản cảm của nghệ sỹ. Ca sĩ NSƯT Thanh Thúy (Đoàn nghệ thuật Quân khu 7) cho rằng: “Báo mạng đang quá chú ý đến chú ý đến việc ăn mặc phản cảm, phát ngôn gây sốc để “câu khách” mà không nghĩ đến việc, đằng sau lượng người truy cập là sự suy giảm về văn hóa”. Báo chí đang dung túng cho những ngôi sao phóng túng trong việc ăn mặc và khiến họ coi thường dư luận.
Chế tài chưa đủ mạnh
Chúng ta đã có khá nhiều nghị định như Nghị định về Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ công cộng (NĐ 103); Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa (NĐ 75). Tuy nhiên, trên thực tế, những quy định vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để hạn chế những sai phạm trong biểu diễn nghệ thuật, thời trang, đặc biệt là hiện tượng ăn mặc hở hang, phản cảm của giới người mẫu, ca sỹ.
Theo điều 16 nghị định 75, quy định hành vi vi phạm các quy định về biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang chỉ có mức phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng đối với hành vi “mặc trang phục, hóa trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”.
NSƯT, nhạc sĩ Thế Hiển bức xúc: “Hội đồng thẩm định của Sở công bố những ca sĩ vi phạm và phạt. Cần có chế tài xử phạt mạnh. Một số người mang tiếng nhơ cho showbiz thì cần loại bỏ. Phải có qui chế cụ thể, có Luật biểu diễn”.
Ông Trần Thanh Long- Đại diện Công ty người mẫu PL cho rằng: “Cần có buổi họp mặt định kỳ 3 tháng/lần với các đơn vị tổ chức biểu diễn. Đây là điều rất quan trọng. Các đơn vị thẩm định phải gặp gỡ diễn viên, nghệ sĩ trước 15 phút khi biểu diễn để chuyển tải ý định. Bởi có trường hợp, các người mẫu không muốn mặc trang phục phản cảm nhưng do người đạo diễn yêu cầu để phục vụ cho chương trình. Bên cạnh đó, muốn xử lý tốt, nên có đường dây nóng giữa đơn vị tổ chức và đơn vị quản lý khi biểu diễn nghệ thuật, thời trang”.
Lấy dẫn chứng là Đà Nẵng không có hiện tượng trình diễn, ăn mặc phản cảm, ông Nguyễn Hữu Chiến- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đà Nẵng cho rằng, để có được điều này là Sở đã tổ chức gặp gỡ bầu show, nghệ sĩ, thẩm định trước mỗi buổi diễn. Theo lãnh đạo Sở VHTTDL Đà Nẵng, việc xử lý vi phạm đòi hỏi phải mạnh tay và kiên quyết hơn. Hiện nay, việc xử phạt theo kiểu có cũng như không, nên không có tác dụng.
Các ý kiến đóng góp cho việc xử phạt tại hội nghị đều thống nhất cho rằng, phải kiên quyết và tăng nặng các mức phạt đối với những hiện tượng này. Từ việc cấm biểu diễn đối với ca sỹ cho đến việc không cấp phép với những công ty tổ chức sự kiện để xảy ra hiện tượng ăn mặc phản cảm.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng nhiều vấn đề trong biểu diễn nghệ thuật, thời trang như hát nhép, quảng cáo “câu khách” theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, ăn mặc hở hang phản cảm… đang tồn tại. “Chúng ta cần tìm rõ nguyên nhân để có giải pháp. Những hiện tượng này đã được xử lý chưa, ngành Văn hóa đã phối hợp với các bộ ngành liên quan như Bộ Công an chưa? Cơ quan quản lý cần gặp gỡ các nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ, để nhắc nhở, nêu vấn đề. Tôi tin nghệ sĩ có ý thức và định hướng đầy đủ và những sai sót không phải là phổ biến”- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng, Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ tiếp thu các ý kiến và sửa đổi nghị định quản lý các hoạt động tổ chức biểu diễn. Bộ trưởng nhấn mạnh, cần phải xử lý ngiêm túc, giám sát, thanh tra, kiểm soát từ cấp phép, thẩm định và gặp gỡ bầu show, nghệ sĩ… để đảm bảo có những chương trình biểu diễn nghệ thuật chất lượng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khán giả./.