• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần mở rộng cửa hơn nữa cho tác phẩm lý luận phê bình trẻ

04/08/2015 21:08

Trước khi nghĩ đến những giải pháp to lớn, lâu dài nhằm phát hiện, bồi dưỡng các nhà lý luận, phê bình trẻ, rất nên có những cách đón nhận khả thi để tác phẩm cũng như tiếng nói của họ được xuất hiện nhiều hơn trong đời sống văn học nghệ thuật.







Trước khi nghĩ đến những giải pháp to lớn, lâu dài nhằm phát hiện, bồi dưỡng các nhà lý luận, phê bình trẻ, rất nên có những cách đón nhận khả thi để tác phẩm cũng như tiếng nói của họ được xuất hiện nhiều hơn trong đời sống văn học nghệ thuật.



Nhà nghiên cứu Phan Tuấn Anh, nhà thơ Lê Minh Đạt, nhà nghiên cứu Trần Thiện Khanh với GS Nguyễn Văn Hạnh

 

Nhiều và ít!

Hiện nay, các sự kiện văn học nghệ thuật (VHNT) diễn ra sôi động, thường xuyên, từ mỹ thuật, điện ảnh, văn học cho đến nghệ thuật biểu diễn… Đời sống VHNT nói chung cũng nổi lên nhiều vấn đề về phương pháp sáng tác văn học; nghệ thuật dàn dựng hay mối quan hệ giữa tác giả và đạo diễn sân khấu; chất lượng phim truyền hình; hay những trào lưu, xu hướng mới trong văn học, điện ảnh; rồi những tồn tại trong ca từ mới; hoặc sự xuất hiện của lực lượng khá đông đảo, thậm chí có khi ồn ào của các cây bút, đạo diễn, nhạc sĩ, ca sĩ và một số biên đạo trẻ… Có thể nói, các nhà lý luận, phê bình (LLPB) trẻ trong đội ngũ làm công tác LLPB nói chung, đang đứng trước một thực tế phong phú của các hoạt động VHNT.

“Đầu ra” để công bố, đăng tải các bài viết LLPB xem chừng cũng khá phong phú. Các viện nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, các hội nghề nghiệp về VHNT đều có các tạp chí chuyên ngành. Các cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) có các tạp chí chuyên môn. Mỗi tỉnh thành đều có tạp chí của Hội VHNT địa phương. Trên nhiều trang báo, dù không thể dành đất riêng cho các chuyên mục, đề tài LLPB nhưng khi nổi lên những vấn đề “nóng”, mới về VHNT, các báo cũng sẵn sàng đón chào, dành đất cho những bài phê bình gửi đến kịp thời…

Nhưng sự hiện diện bằng tác phẩm, bằng sự thể hiện quan điểm, tiếng nói của các nhà LLPB trước thực tế trên, trước nhiều “cửa ra” ấy, lại thật khiêm tốn!

Thiệt thòi về định giá

Một nguyên nhân cũng có thể bắt nguồn từ chính những người “gác cửa” các tạp chí chuyên môn, tạp chí VHNT khi họ chưa thật chú trọng dành đất hay mời gọi, khuyến khích các tác giả LLPB trẻ. Bản thảo của các nhà LLPB đi trước vẫn chiếm phần lớn và có “ưu thế” hơn so với người trẻ, bởi không ít tác giả cao niên là bậc cha chú, thầy... của chính những người "gác cửa"!

Tất nhiên cũng phải kể đến một thực tế đầy… ngao ngán về mức nhuận bút ít ỏi dành cho những bài viết LLPB được thực hiện công phu, tốn nhiều thời gian, tâm sức đọc, tra cứu, suy tưởng. Nên các nhà LLPB trẻ khi đã mất thời gian công sức để hoàn thành một bài viết, gửi đi, khi được đăng tải, nhận về một khoản nhuận bút vài trăm nghìn trở xuống thì kể ra cũng… nản!

Tình hình xuất bản ấn phẩm LLPB cũng không mấy ủng hộ các tác giả trẻ khi các ấn phẩm này khó bán. Các tác giả trẻ phải dành dụm tiền hoặc vất vả đi vận động hay chờ đợi cơ may tài trợ, mới có thể cho ra đời đứa “con cưng”, nơi trao gửi những tâm huyết phát kiến, đánh giá, lý giải… những vấn đề, hiện tượng VHNT nào đó.

Như một số trường hợp về các nhà nghiên cứu trẻ mà người viết bài này được biết: TS Trần Trọng Dương - Viện Hán Nôm phải chờ đợi nhiều năm mới tìm được nguồn tài trợ in cuốn “Nguyễn Trãi quốc âm từ điển” (NXB Từ điển bách khoa), là kết quả nghiên cứu nhiều năm trước đó của anh. TS Tô Lan cũng ở Viện Hán Nôm, cũng phải có nguồn hỗ trợ mới có được cuốn sách dày công “Khảo luận về tuồng Quần phương tập khánh” (NXB Thế giới) để… tặng đồng nghiệp. Hai nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam - VTV và Đoàn Ánh Dương - Viện văn học cũng phải rất “dũng cảm” để quyết tâm cho ra đời cuốn sách đầu tay của mình: “Mùi chữ” và “Không gian văn học đương đại” tại NXB Phụ nữ… Đương nhiên, hãy cứ ra sách là vậy, còn việc để những công trình đó đến với giới nghề thôi, cũng đã là khó khăn chứ chưa nói đến công chúng rộng rãi.

Từ đây, cũng có thể cảm thấy rất đáng tiếc nuối khi rất nhiều luận văn, luận án của các học viên cao học, nghiên cứu sinh, hay các công trình LLPB VHNT của các tác giả trẻ ở các viện nghiên cứu, sau khi bảo vệ thường được… lưu kho, rất ít cơ hội được nâng cấp, điều chỉnh nhằm sách hóa để đến với bạn đọc trong và ngoài giới.

Cần giúp họ lên tiếng

Từ thực tế này, cần có những giải pháp để hỗ trợ, chắp cánh hơn cho các nhà LLPB trẻ.

Ngoài việc xét trao giải thưởng cho các ấn phẩm hàng năm của các hội nghề nghiệp, các hội đồng, trong đó có giải cho LLPB, nên quan tâm ngay từ bản thảo chứ không chờ đến khi được in thành sách. Đặc biệt nên có sự ưu tiên nhất định đối với các bản thảo tác phẩm LLPB đầu tay để động viên, hỗ trợ các tác giả trẻ. Nếu những bản thảo nào gửi đến các hội nghề nghiệp, đến Hội đồng LLPB VHNT trung ương đạt chất lượng tốt, qua đánh giá thấy có thể đóng góp thêm được vào đời sống VHNT, thì nên có nguồn tài trợ để in thành sách và nếu giúp tổ chức quảng bá, ra mắt sách trước báo chí nữa thì càng tốt! Vì các hội vốn đã có văn phòng, hội trường, không phải mất chi phí thuê mướn tốn kém.

Với các hội thảo, tọa đàm về các vấn đề, hiện tượng VHNT do các hội hay các cơ quan của Bộ VHTT&DL, rất nên liên hệ, “đặt hàng” nhiều hơn với các tác giả LLPB trẻ và tạo điều kiện hơn để họ được phát biểu, thể hiện quan điểm, nhận định của mình. Số các tác giả này hiện ở các viện nghiên cứu, các trường đại học và một số tạp chí chuyên môn thực sự không phải là ít. Nhìn chung qua các hội thảo, tọa đàm, các ban tổ chức hay đoàn chủ tịch vẫn có tâm lý “kính lão” nên thường mời lần lượt các GS, PGS, nhà nghiên cứu lớn tuổi đọc tham luận hay phát biểu trước. Những sự “lần lượt” này thường chiếm nhiều thời gian nên các tác giả trẻ tham dự khó có thể “chen chân” để lên diễn đàn.

Thêm nữa, trong bối cảnh diễn ra nhiều hoạt động VHNT, đồng thời các hoạt động báo chí, truyền thông, các cuộc trao đổi, bàn luận trong không gian mạng phát triển với tốc độ nhanh chóng như hiện nay, thì các ấn phẩm, cơ quan báo chí của các hội chuyên ngành, các cơ quan quản lý VHNT nên xây dựng và “chăm sóc” thật tốt các website của mình để nâng cao khả năng tiếp nhận, truyền tải các tác phẩm, bài viết LLPB cũng như tạo dựng các diễn đàn mở để nhiều nhà LLPB trẻ dễ dàng tham gia bình luận, trao đổi.

Sự xuất hiện, lên tiếng và đóng góp vào đời sống VHNT của các nhà LLPB trẻ rất cần những cánh tay mở cửa chào đón họ.

Nguyễn Quang Hưng

(Ngun: nhandan.org.vn)


NỔI BẬT TRANG CHỦ