• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cân nhắc việc sử dụng NSNN để cải tạo, nâng cấp các công trình của tư nhân khi thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế

Thời sự 22/10/2021 10:12

(Tổ Quốc) - Sáng nay (22/10), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế có nêu vấn đề phí tham quan di tích và việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản.

Thí điểm chính sách phí, lệ phí phải đảm bảo có lộ trình phù hợp

Dự thảo Nghị quyết do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình nêu rõ, việc thí điểm chính sách phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phải đảm bảo có lộ trình phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của địa phương; không gây ra tiêu cực, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; công khai, minh bạch, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính.

Phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được thu đầy đủ vào ngân sách nhà nước theo quy định. Ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.

Cân nhắc việc sử dụng NSNN để cải tạo, nâng cấp các công trình của tư nhân khi thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày nêu, hiện nay nhu cầu vốn cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích cố đô Huế khá lớn nhưng NSNN chưa đáp ứng được toàn bộ. Do vậy, để góp phần tăng cường nguồn lực cho địa phương, đẩy nhanh công tác trùng tu, bảo tồn di tích, giảm thiểu mức độ xuống cấp của các di tích quốc gia, Ủy ban nhất trí với đề xuất của Chính phủ.

Tuy nhiên, để bảo đảm tăng cường nguồn lực cho công tác trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đề nghị bổ sung quy định "Khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa trung ương với địa phương và xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách cho ngân sách địa phương, tương tự như cơ chế đối với khoản thu từ đất, thu từ sổ xố kiến thiết".

Ngoài ra, có một số ý kiến đề nghị tăng mức thu phí tham quan để góp phần tăng cường nguồn lực cho địa phương trong việc bảo tồn, trùng tu di tích trên địa bàn tỉnh này.

Cân nhắc việc sử dụng NSNN để cải tạo, nâng cấp các công trình của tư nhân

Về việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế, Dự thảo Nghị quyết cho phép thành lập Quỹ nhằm bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cân nhắc việc sử dụng NSNN để cải tạo, nâng cấp các công trình của tư nhân khi thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường

Theo đó, Quỹ này do địa phương quản lý và được tiếp nhận từ nguồn NSNN của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác; không sử dụng ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế để hỗ trợ Quỹ.

Nguồn thu của Quỹ dùng để đầu tư thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách của địa phương để hỗ trợ cho Quỹ bảo tồn di sản Huế thực hiện trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế.

Báo cáo thẩm tra về vấn đề này nêu, theo quy định hiện hành thì NSNN chỉ hỗ trợ cho quỹ ngoài ngân sách khi có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của NSNN và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác.

"Ủy ban TCNS cho rằng, theo các quy định này, các địa phương khác không được hỗ trợ cho tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế" - ông Nguyễn Phú Cường cho biết.

Tuy nhiên, để góp phần huy động nguồn lực đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư, trùng tu quần thể di sản văn hóa Huế, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với đề xuất thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế và đề nghị quy định rõ trong Nghị quyết nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ, đó là Quỹ bảo tồn di sản Huế chỉ dùng để đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được NSNN đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ để thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và giao Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng Quỹ này.

Theo Tờ trình thì ngoài việc sử dụng trùng tu các công trình, di sản do Nhà nước quản lý trực tiếp thì Quỹ còn được dùng để cải tạo các di sản thuộc sở hữu của các nhân, tổ chức cộng đồng như miếu, nhà rường… Do đó, Ủy ban TCNS đề nghị cân nhắc tính hợp lý khi sử dụng NSNN để cải tạo, nâng cấp các công trình của tư nhân./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ