(Toquoc)-Điện ảnh Việt cần nhiều điều thiết thực hơn những liên hoan, cũng như cuộc sống cần nhiều hành động thiết thực hơn là hình thức.
(Toquoc)- Sau giải Cánh diều của Hội Điện ảnh, thêm một lần nữa chúng ta nhận thấy sự xuống dốc của nền Điện ảnh Việt Nam. Điện ảnh Việt cần nhiều điều thiết thực hơn những liên hoan, những lễ trao giải hình thức, cũng như cuộc sống cần nhiều hành động thiết thực hơn là sự hình thức.
Điện ảnh cần nhiều hơn những liên hoan
Công luận đã lên tiếng nhiều về sự xuống dốc của phim Việt, những từ để mô tả thực trạng của các giải thưởng, từ Liên hoan phim đến giải Cánh diều đều cho rằng, quá nhiều phim “thảm họa”. Còn nhớ, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 được tổ chức tại Quảng Ninh (tháng 10/2013), trong 23 bộ phim truyện điện ảnh tham dự thi thì chỉ có số lẻ trong các phim là có thể giữ chân người xem ngồi lại rạp. Tại giải Cánh diều, thực tế cũng không khác hơn. “Nhiều bộ phim nhạt nhẽo, phim hài thì không cười được mà phim nghiêm túc thì lại được làm rất hài”- đó là nhận xét của nhiều phóng viên khi theo dõi các bộ phim tham dự giải Cánh diều 2014.
Những bức xúc của của Điện ảnh Việt Nam trong cả thập kỷ nay vẫn chưa được giải quyết, thậm chí, gần như càng ngày càng trầm trọng hơn. Vì sao Điện ảnh Việt Nam hiện nay không có phim hay, sao không tìm lại được thời huy hoàng của nền điện ảnh thời chiến tranh? Những điều này, đã có hàng chục, thậm chí vài chục cuộc hội thảo bàn đến. Nhiều nhà nghiên cứu, những người làm công tác quản lý, những người làm việc trực tiếp trong ngành điện ảnh đã lên tiếng.
Từ việc cần đào tạo nguồn nhân lực trẻ, đến việc đầu tư trường quay, đầu tư kinh phí làm phim, kinh phí đặt hàng kịch bản…Thế nhưng, dường như, những yếu kém mà chúng ta tự vạch ra song không ai khắc phục. Một trong những lý do mà Điện ảnh Việt không hấp dẫn khán giả chính là vì những bộ phim xa rời thực tế. Trong khi xã hội với đại đa số người dân còn khó khăn, còn bao lo toan thường nhật thì phim Việt lại sa đà vào trai xinh gái đẹp, vào những trận chém giết thanh toán giữa các băng đảng giang hồ, vào những nội dung “hài nhảm”… Ai cũng biết, chất lượng các bộ phim làm nên thành công của giải thưởng. Và thực tế, mỗi một mùa Liên hoan phim, mỗi một mùa giải Cánh diều lại thấy sự góp mặt của không ít những bộ phim kém chất lượng khiến mùa giải không trở thành mùa vui mà thêm một lần “ngậm ngùi” cho phim Việt.
Chất lượng phim yếu, lễ trao giải cũng không được hoành tráng như mong đợi bởi kinh phí khó khăn, tổ chức tốn kém. Bởi vậy, khán giả không thể không đặt ra câu hỏi, tại sao chúng ta cứ phải tổ chức những Liên hoan phim, những giải thưởng tốn kém trong bối cảnh khó khăn, để những lễ trao giải thay vì trở thành ngày hội của người làm điện ảnh lại trở thành những buổi lễ nhôm nhoam, nhếch nhác, làm điện ảnh Việt thêm một lần “mất điểm” trong lòng công chúng?
Điều này, chính bà Nguyễn Thị Hồng Ngát- Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cũng khẳng định: “Điều cốt lõi ở đây không phải là chuyện dẹp giải Cánh diều hay gộp với Liên hoan phim. Mà là cần có chiến lược thúc đẩy việc sản xuất phim. Nhà nước không thể đứng ngoài mà cần làm bà đỡ trong nhiều mặt. Không chỉ đầu tư cho sản xuất phim về đề tài chiến tranh, lãnh tụ mà cần mở rộng ra những đề tài đương đại. Mảng đề tài còn thiếu vắng trên “bản đồ” điện ảnh nước nhà nhiều năm qua”.
Cuộc sống cần nhiều hơn những lời nói
Khán giả không mặn mà với phim Việt bởi thiếu vắng những đề tài đương đại. Đó là vấn đề chắc chắn. Vì sao dư luận quan tâm đến việc Bí thư Thành ủy Hà Nội đi xe buýt? Vì sao dư luận quan tâm vấn đề các quan chức- những “công bộc” sau khi về hưu lại không trả nhà công vụ lại cho Nhà nước? Để điện ảnh Việt hấp dẫn khán giả, thiết nghĩ, những người làm nghề cũng nên tìm lời giải cho câu hỏi này.
Câu chuyện giao thông ùn tắc bao năm nay là nỗi bức xúc lớn của người dân. Trong bối cảnh giá xăng tăng từng ngày, đường xá tắc nghẽn, nhu cầu đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng là rất lớn nhưng vì sao người dân chưa mặn mà với xe buýt? Khi người đứng đầu TP Hà Nội “vi hành” bằng xe buýt, người dân hy vọng, trông đợi gì từ hành động này? Liệu từ thực tế chuyến đi xe buýt, Bí thư Thành ủy Hà Nội có chỉ đạo giải quyết được những tồn tại của việc đi xe buýt: chậm giờ, bỏ chuyến, trộm cắp, móc túi, chen lấn, thiếu văn minh của “nhà xe”…
Bởi người dân đang chờ đợi bên cạnh các chính sách tháo gỡ của Nhà nước là những hành động, những việc làm thiết thức của các quan chức, và liệu những hành động đó của những người lãnh đạo có đồng nhất với những phát ngôn và hứa hẹn hay không? Trong hoàn cảnh hiện nay, các quan chức- những “công bộc của dân” hành xử như thế nào?
Nhiều quan chức đã nghỉ hưu, hết thời gian được ở nhà công vụ rồi vẫn điềm nhiên chiếm nhà để ở, không chịu trả lại Nhà nước (trong ảnh: khu nhà công vụ Hoàng Cầu- Hà Nội).
Nhà công vụ là nhà dành cho quan chức cao cấp từ các địa phương về Hà Nội nhận công tác ở trong thời gian làm việc. Khi nghỉ hưu thì phải trả lại Nhà nước để bố trí cho cán bộ khác. Thế nhưng nhiều quan chức đã nghỉ hưu, hết thời gian được ở nhà công vụ rồi vẫn điềm nhiên chiếm nhà để ở, không chịu trả lại Nhà nước. Nếu không ở thì họ lại cho con cháu sử dụng hoặc cho thuê, rồi hàng tháng đút túi một số tiền không nhỏ.
Nhiều người trong số họ, từng cao giọng rao giảng về đạo đức, về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhưng bản thân và gia đình thì hành động trái ngược với lời nói.
Nếu không giải quyết dứt điểm những vấn đề vô lý, bất công, sai trái ngay trước mắt thì sẽ nảy sinh những vấn đề khác phức tạp hơn nhiều. Bài học nhãn tiền là vấn đề thu hồi vỉa hè ở Hà Nội hiện nay cực kỳ khó khăn. Bởi trước đây không dứt điểm cấm người dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh. Vỉa hè giờ đây là chỗ ngang nhiên bị chiếm đoạt để kinh doanh, là chỗ ngang nhiên để xe máy, đậu ô tô còn người dân thì buộc phải đi bộ dưới lòng đường cùng với dòng xe máy, ô tô xuôi ngược. Một người chiếm được vỉa hè thì nhiều người khác cũng chiếm được. Sự nói và làm không dứt điểm sẽ còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Trở lại câu chuyện về nững yếu kém của nền Điện ảnh Việt Nam với nhiều giải pháp song chưa được tháo gỡ cũng giống như nhiều vấn đề trong cuộc sống đầy khó khăn và bức xúc mà người dân đang chờ đợi các hành động thiết thực, quyết liệt hơn là những phát ngôn sáo rỗng.
Sự thực là thế. Nếu không dám nhìn thẳng vào thực trạng thì khó có biện pháp tốt để thay đổi thực trạng đó. Giống như người có bệnh, phải tìm ra đúng bệnh thì mới có thuốc hay để chữa. Nhưng biết bệnh rồi mà không chữa dứt điểm, bệnh sẽ càng nặng hơn.
Dạ Minh