(Tổ Quốc) - “Xu hướng được các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước thực hiện trong vài năm tới chính là số hóa các sản phẩm bảo hiểm truyền thống ở mức độ cho phép, giúp đơn giản hóa các quy trình nhằm đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng cũng như tiết kiệm nguồn lực cho doanh nghiệp”, ông Bùi Anh Trung – Trưởng phòng Phát triển Sản phẩm của PTI Digital chia sẻ tại Lễ Trao giải sản phẩm bảo hiểm sáng tạo do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) tổ chức.
- Thưa ông, sản phẩm mới " không đụng hàng" có phải yếu tố tạo nên thành công và giúp bảo hiểm Trễ/hủy chuyến bay của PTI đã đạt giải "sản phẩm bảo hiểm sáng tạo"? Khó khăn lớn nhất khi phát triển một sản phẩm bảo hiểm hoàn toàn mới là gì, thưa ông?
+ Bảo hiểm "Trễ hủy chuyến bay" đúng là sản phẩm đầu tiên bảo hiểm cho việc trễ/ hủy được PTI nghiên cứu và lần đầu tiên ra mắt tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố đảm bảo những quyền lợi thiết thực, đáp ứng được đúng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh các chuyến bay bị hoãn hủy thường xuyên, sản phẩm này còn ứng dụng "Big data" trong khâu định phí cũng như kết nối với phần mềm theo dõi các chuyến bay trên thế giới để xác định thời gian trễ/hủy chuyến bay ngay khi máy bay hạ cánh xuống sân bay. Điều này giúp cho quy trình bồi thường của PTI được thực hiện hoàn toàn bằng công nghệ và nhanh chóng chuyển tiền đến tài khoản cho khách hàng chỉ trong vòng 30 phút. Chính những ưu điểm vượt trội đó mà sản phẩm Trễ/hủy chuyến bay của PTI đã được các hãng hàng không lớn ở Việt Nam như VietnamAirlines và Vietjet Air lựa chọn để cung cấp cho khách hàng.
Ở thị trường nào cũng vậy, để cho ra đời một sản phẩm bảo hiểm mới sẽ luôn có những thách thức. Với sản phẩm "Trễ/hủy chuyến bay", trở ngại đầu tiên của chúng tôi đến từ công tác kết nối công nghệ. Để định phí và xây dựng quy trình bồi thường theo thời gian thực (real time), chúng tôi phải kết nối được dữ liệu theo dõi các chuyến bay trên toàn thế giới, phân tích và đánh giá những rủi ro có thể gặp phải…. từ đó, có thể tự động hóa thực hiện việc chi trả bồi thường cho khách hàng. Thường xuyên có nhiều tình huống bất ngờ xảy ra nhưng thật may mắn khi đội ngũ R&D và IT của PTI vẫn luôn nỗ lực hợp tác, cùng nhau giải quyết các khó khăn để triển khai dự án một cách hoàn hảo nhất.
-Thị trường bảo hiểm PNT Việt Nam hiện đã có rất nhiều sản phẩm, nhưng những sản phẩm mới và thực sự khác biệt cho các thị trường ngách lại không nhiều. Vì những sản phẩm này khó hấp dẫn khách hàng hay chi phí nghiên cứu phát triển sản phẩm quá tốn kém, thưa ông?
+ Thực tế, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác các sản phẩm bảo hiểm truyền thống mà không cần đầu tư quá nhiều về công nghệ, do đó, dù một số ít các công ty bảo hiểm đã có bộ phận R&D thì chức năng chính của bộ phận này cũng chỉ là chỉnh sửa lại yêu cầu quyền lợi dựa trên các sản phẩm bảo hiểm có sẵn.
Việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới tại Việt Nam theo đó cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Vì R&D là công việc tương đối mới mẻ tại Việt Nam nên rất khó để các doanh nghiệp bảo hiểm tìm ra những nhân sự vừa có kiến thức về bảo hiểm và công nghệ lại vừa có trình độ tiếng Anh đáp ứng được nhu cầu công việc.
Mặt khác, tuy người dân đã có cái nhìn tốt hơn về bảo hiểm thế nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn cần phải chấp nhận rủi ro khi đầu tư nguồn lực lớn mà không đem về doanh thu ngay lập tức. Chưa kể, các sản phẩm bảo hiểm mới trên thế giới tuy nhiều nhưng chưa hẳn đã phù hợp với thị trường cũng như đáp ứng được yêu cầu của luật kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam.
Việc đầu tư và ứng dụng công nghệ cũng gây ra những thách thức nhất định khi mà các sản phẩm bảo hiểm mới thường có quy trình online hoàn toàn từ phương thức mua đến quy trình bồi thường. Trong khi đó, thị trường insurtech tại Việt Nam chỉ mới thực sự phát triển trong vài năm trở lại đây và chưa đạt được những thành tựu quá nổi bật.
- Được biết, PTI là một trong số ít doanh nghiệp bảo hiểm PNT trên thị trường thành lập bộ phận R&D để tập trung nghiên cứu những sản phẩm bảo hiểm mới. Ông có thể chia sẻ cụ thể công việc của R&D tại PTI là gì?
+ Công việc R&D hoàn toàn không phải một công việc nghiên cứu giấy tờ đơn thuần mà yêu cầu phải đi nghiên cứu thực tế để đưa ra được những đánh giá và phân tích cụ thể nhất về sản phẩm cũng như tính ứng dụng của sản phẩm tại thị trường Việt Nam.
Lấy ví dụ về sản phẩm Bảo hiểm Trời mưa mà PTI sẽ cho ra mắt vào tháng 11 này, để có thể xây dựng sản phẩm một cách tốt nhất, đội R&D của PTI đã phải liên hệ làm việc tại Cục khí tượng thủy văn cũng như đi thực địa tại các điểm đo mưa ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhằm đưa ra được những tính toán phù hợp và sát thực tế nhất.
Tại PTI, công việc cụ thể của phòng R&D thường sẽ là đánh giá xu thế và hành vi tiêu dùng trong nước để xây dựng được những quyền lợi vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, vừa đảm bảo chấp hành đúng các quy định về luật. Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu các mô hình và sản phẩm bảo hiểm mới trên thế giới nhằm xem xét tính khả thi khi ứng tại Việt Nam. Sau khi xây dựng xong sản phẩm mới, chúng tôi sẽ xây dựng kịch bản và mô hình bán phù hợp với nhóm đối tượng khách hàng mà sản phẩm hướng đến.
- Theo ông, xu hướng phát triển các sản phẩm bảo hiểm trên thế giới và Việt Nam sẽ như thế nào trong thời đại Big datta?
+ Tôi cho rằng, ngành bảo hiểm cũng sẽ không nằm ngoài xu thế chung là ứng dụng "big data" vào việc đánh giá dữ liệu mô hình sản phẩm và định phí. Mặc dù vậy, đây vẫn được coi là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp khi mà việc ứng này đòi hỏi một lượng dữ liệu vô cùng lớn được thu thập trong nhiều năm với tính chi tiết cao để đảm bảo độ chuẩn xác.
Ngoài ra, trong thời gian tới, tôi cho rằng sẽ là thời điểm phát triển bùng nổ của hai xu hướng sản phẩm bao gồm bảo hiểm vi mô (microinsurance) với quyền lợi đơn giản, dễ hiểu đi kèm mức phí bảo hiểm thấp và các sản phẩm bảo hiểm gắn liền với hoạt động xảy ra hàng ngày của khách hàng (lifestyle insurance).
- Xin cảm ơn ông!