• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần quản lý, hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học một cách có ích

Giáo dục 25/09/2020 20:09

(Tổ Quốc) - Đây là ý kiến của ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong đưa ra tại buổi tọa đàm "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học - nên hay không?".

Cuộc tọa đàm do Báo Tiền phong phối hợp với Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, những chuyên gia giáo dục cũng như các thầy cô giáo đang công tác trong ngành bởi đây là vấn đề "nóng" trên các diễn đàn kể từ sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT (ngày 15/9). Theo đó, học sinh được dùng điện thoại trong lớp học cho mục đích học tập và khi được giáo viên chấp thuận.

Tham dự tọa đàm, hầu hết học sinh được hỏi đều trả lời có sử dụng điện thoại thông minh để phục vụ cho việc học. Em Đỗ Huyền Anh, học sinh trường THPT Hùng Vương (TP.HCM) cho biết, trong lớp học các tiết học diễn ra quá nhanh, do không kịp hiểu đầy đủ nên các em phải tìm bài giảng thêm trên Youtube hoặc Google. Bên cạnh đó, Huyền Anh cũng sử dụng điện thoại để tìm hiểu thêm các kiến thức khác phục vụ học tập. 

Mặc dù là học sinh tiểu học nhưng em Trần Quốc Minh Huy, lớp 5 Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP.HCM) cho biết, em sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin và học trực tuyến.

Tại buổi tọa đàm, các cán bộ quản lý, giáo viên đã chia sẻ quan điểm về vấn đề này. Một số ý kiến cho rằng không nên để học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Ngược lại, cũng có ý kiến đồng thuận với quy định này của Bộ.

PGS.TS. Lương Thị Ngọc Ánh, Trưởng bộ môn Giáo dục thể chất, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết, khi Bộ GDĐT ban hành Thông tư 32, phụ huynh học sinh và thầy cô lo lắng vì rất nhiều học sinh ham mê sử dụng điện thoại thông minh. Thực tế cho thấy, sử dụng điện thoại di động quá nhiều sẽ bị ảnh hưởng về sức khỏe, về tinh thần... Do đó, theo PGS.TS. Lương Thị Ngọc Ánh, học sinh cần phải tự ý thức để sử dụng điện thoại một cách hiệu quả.

Thầy Lê Quang Huy, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hùng Vương (TP.HCM) cho hay, trường khuyến khích các em sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin, đồng thời ủng hộ việc sử dụng thiết bị thông minh trong việc dạy và học. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm, đáng lo ngại ở đây là liệu các em có sử dụng điện thoại để phục vụ học tập ít hơn các hoạt động khác như: xem phim, lướt facebook...?

Trong khi đó, Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân (TP.HCM) Nguyễn Đình Độ cho biết, ngay sau khi Bộ GDĐT ban hành Thông tư 32, ông cũng đã lên mạng tra cứu ngay về tình hình sử dụng điện thoại trong trường học ở các quốc gia khác trên thế giới. 

Theo đó, kết quả là nhiều quốc gia cũng đang thiên về xu hướng cấm sử dụng điện thoại di động trong lớp. Nguyên nhân cấm là vì ngoài mặt được là tăng cường kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian… thì học sinh bị phân tán tư tưởng, gian lận trong thi cử, hạn chế năng lực tiếp xúc với thế giới xung quanh, không chịu tư duy....

Thầy Độ bày tỏ quan điểm: "cởi mở với công nghệ không đồng nghĩa với việc trả mọi giá để sử dụng nó. Một số nơi, cho sử dụng điện thoại rồi cấm đều thấy hiệu quả hơn, điểm số học sinh tăng mạnh. Do đó, phải biết cách, phải có phương pháp nếu sử dụng smartphone. Với Thông tư 32 là cho phép học sinh sử dụng điện thoại thì giải pháp là quản lý như thế nào?".

Học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học: Cần quản lý, hướng dẫn các em sử dụng một cách có ích - Ảnh 1.

Dạy học trực tuyến phát huy hiệu quả trong thời gian học sinh nghỉ học do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Nêu quan điểm đồng thuận với việc học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp học, PGS.TS. Trần Mạnh Hà, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực trong đời sống, giáo dục là không thể ngăn cản. Việc sử dụng điện thoại trong giờ học nên được xem là thiết bị hỗ trợ học tập cho học sinh.

Theo PGS.TS Trần Mạnh Hà, thầy cô cho học sinh mang máy tính vào lớp thì điện thoại cũng là thiết bị tương tự, do đó, nên cho các em mang điện thoại vào lớp học để sử dụng, bởi các thầy cô hoàn toàn kiểm soát được việc này. PGS.TS Trần Mạnh Hà cũng đề xuất, Bộ GDĐT nên có một khóa tập huấn kỹ năng để giáo viên quản lý học sinh sử dụng điện thoại di động.

Tại tọa đàm, cũng có ý kiến cho biết, ở nước ngoài, việc sử dụng điện thoại là quyền của con người, sử dụng trang thiết bị CNTT là hợp pháp, do đó, học sinh không bị cấm mang điện thoại vào trường mà chỉ bị cấm sử dụng điện thoại trong giờ học.

Phát biểu kết thúc tọa đàm, ông Lê Xuân Sơn cho rằng, để học sinh sử dụng điện thoại một cách có ích, ít gây hại nhất, sử dụng điện thoại một cách thông minh... cần có sự vào cuộc đồng bộ từ Bộ GDĐT tới nhà trường, gia đình…

Theo đó, cần hướng dẫn các em học sinh rèn luyện kỹ năng sử dụng điện thoại, có liên kết chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Đồng thời, Bộ GDĐT cần đưa ra các bài đào tạo kỹ năng thành một trong những nội dung học tập để quản lý, hướng dẫn học sinh sử dụng thiết bị kỹ thuật số một cách có ích.

Điện thoại thông minh là một thành tựu lớn của loài người, kỹ thuật số tạo ra cuộc cách mạng trong xã hội loài người. Bản thân điện thoại di động hay các thiết bị thông minh không có hại mà do cách con người sử dụng. 

Ông Lê Xuân Sơn nhấn mạnh, các thiết bị này thay thế công cụ làm việc của con người, nâng cao năng suất lao động, vì vậy, con người cần phải làm chủ và sử dụng nó một cách có ích./.

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ