• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần tận dụng hơn nguồn năng lượng hiện có

Thời sự 31/12/2009 08:57

(Toquoc)-Cần có phương sách tận dụng hơn nguồn năng lượng hiện có,để có thể dãn tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân.


(Toquoc) – Thống nhất về sự cần thiết xây dựng, nhưng một số nhà khoa học cho rằng, cần có phương sách tận dụng tốt hơn nguồn năng lượng hiện có, để có thể dãn tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân, khi mọi thứ đã sẵn sàng.

Mục tiêu an toàn phải đặt lên hàng đầu

Theo Báo cáo đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận của Chính phủ, vào năm 2020 -2022, Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân với bốn lò phản ứng, công suất mỗi lò 1.000 MW. Tiếp theo vào năm 2023-2025 sẽ có thểm bốn lò cũng với công suất như thế.


Địa điểm dự kiến đặt nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận (Ảnh: Pháp luật TP.HCM)

Theo GS Phạm Duy Hiển và một số nhà khoa học thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (Vusta), cách khởi động như dự kiến là chưa từng có tiền lệ trên thế giới. Với 8.000 MW vào năm 2025, Việt Nam đặt chân vào câu lạc bộ 15 nước hàng đầu thế giới về điện hạt nhân. Xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một vấn đề hệ trọng của quốc gia. Điện hạt nhân là công nghệ cao, phức tạp, vốn đầu tư lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro và nhạy cảm trong quan hệ quốc tế.

Giáo sư Phạm Duy Hiển cho rằng, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, là giải pháp cần thiết và hoàn toàn hợp lý. Nhưng việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải đảm bảo việc tiến tới làm chủ và nội địa hóa công nghệ. Mục tiêu về kinh tế của dự án phải đặt dưới mục tiêu an toàn hạt nhân. Thực tế, nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực trình độ cao cho việc xây dựng và vận hành nhà máy điện nguyên tử của nước ta còn thiếu và yếu.Hiện ta chưa đủ điều kiện quản lý, đào tạo về công nghệ và an toàn điện hạt nhân. Nếu đào tạo từ bây giờ thì cũng phải mất rất nhiều năm nguồn nhân lực mới đáp ứng được. Các lứa đầu tiên được đào tạo về điện hạt nhân của Việt Nam  hiện giờ hoặc đã về hưu hoặc… chuyển sang làm các công tác khác. Công tác xây dựng và vận hành nhà máy không chỉ cần các chuyên gia giỏi mà còn rất cần các nhà quản lý giỏi để đưa ra được các quyết định mang tính trực cảm, khoa học, tính chính xác rất cao để hạn chế những sự cố xảy ra.

Ngoài ra, an ninh năng lượng cần được hiểu rộng hơn việc có đủ năng lượng. Sự nội địa hóa và tiến tới độc lập về mặt công nghệ mới là yếu tố mấu chốt của việc đảm bảo an ninh năng lượng. “Nếu chúng ta phụ thuộc quá lớn vào công nghệ nước ngoài trong trường hợp là công nghệ hạt nhân, thì với một tỷ lệ hạt nhân như dự kiến sẽ có nguy cơ mất an ninh về năng lượng" – GS Hiển nói.

Đảm bảo an toàn hạt nhân là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh nguồn nhân lực của chúng ta đang trong giai đoạn vừa thiếu, vừa yếu về tính kỷ luật và tác phong công nghiệp. Điều đó có thể hàm chứa các yếu tố rủi ro trong quá trình vận hành nhà máy.

Một số nhà khoa học cũng không đồng tình với ý kiến cho rằng, với công nghệ hạt nhân hiện đại thì nguy cơ sự cố từ nhà máy điện hạt nhân gây ra không tồn tại.

Từ những phân tích trên, Giáo sư Hiển và một số nhà khoa học kiến nghị, cần có chương trình tổng thể phát triển điện hạt nhân và các cơ sở hạ tầng có liên quan: đội ngũ nhân lực, chuyên gia, việc làm chủ công nghệ, trong đó nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận chỉ là một trong các dự án của chương trình này. Mặt khác, chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần được đặt dưới sự chỉ đạo của một Ban chỉ đạo quốc gia với thẩm quyền cao nhất của Chính phủ. Ban này cần có đủ quyền lực và chuyên gia trong ngành nhằm huy động tối đa nguồn lực và các điều kiện cần thiết; Cần xây dựng một trung tâm pháp quy hạt nhân độc lập nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động của các nhà máy hạt nhân; Xây dựng một lộ trình thích  hợp để đưa nhà máy vào hoạt động chứ không nên lấy mốc năm 2020. Bước đầu chỉ nên xây dựng một nhà máy điện hạt nhân với công suất phù hợp để đúc rút kinh nghiệm cho các lò sau;

Hiện hiệu qủa sử dụng năng lượng của Việt Nam còn thấp, mức độ tiêu phí năng lượng ở nước ta cao hơn mức trung bình với các nước trong khu vực và cao hơn nhiều so với các nước đã phát triển.

GS Hiển đặt một câu hỏi, chúng ta đang thiếu điện hay lãng phí điện? Việc giải quyết bài toán năng lượng ở Việt Nam, cần được nhìn theo hai hướng: tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân bằng việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân và sử dụng tiết kiệm hơn nguồn năng lượng hiện có và tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.

Vì vậy nên có phương án tận dụng tốt hơn nguồn năng lượng hiện có, để có thể dãn tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân khi mọi thứ đã sẵn sàng./.

75% vốn điện hạt nhân Ninh Thuận vay nước ngoài

Chiều 6/11Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trình bày trước Quốc hội chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tổng mức đầu tư sơ bộ được dự kiến theo 3 phương án tính toán dựa trên các suất đầu tư 2600, 2800 và 3000 USD/KW công suất.

Tương ứng, phương án thấp hết khoảng 10,297 tỷ USD; phương án trung bình là 11,150 tỷ USD; phương án cao là 12,217 tỷ USD. Trong đó, dự kiến, 75% nguồn vốn lấy từ vốn vay nước ngoài.

Dự án sẽ cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, bình quân một năm (ở giai đoạn vận hành đủ 4 tổ máy) sản xuất khoảng 28 tỷ Kwh. Tổng quy mô công suất của dự án khoảng 4.000 MW với số giờ vận hành khoảng 7.000h/năm.

Chính phủ cũng đề xuất lựa chọn công nghệ lò nước nhẹ (LWR). Thế hệ lò được lựa chọn có thể là thế hệ II trở lên, theo nguyên tắc công nghệ hiện đại an toàn, đã được kiểm chứng và có hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, thế hệ lò cụ thể sẽ được xác định trong giai đoạn lập dự án đầu tư.

Nhiên liệu được sử dụng là urani làm giàu từ 2 - 4% nhập khẩu. Thời gian hoạt động của dự án từ 60 năm trở lên.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ góp phần đáp ứng mục tiêu tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết và đồng bộ để đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành vào năm 2020. Đến năm 2050, năng lượng điện hạt nhân chiếm khoảng 15 - 20% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc.

Theo lịch trình dự kiến, vào Quốc hội sẽ có một phiên thảo luận tại tổ, một phiên thảo luận tại Hội trường, sau đó sẽ thông qua dự án này vào cuối kỳ họp.

T.Nam

S.Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ