(Tổ Quốc) - Từ khi Chỉ thị 814/CT-TTg ngày 12/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng được ban hành đã tạo sự chuyển biến tích cực trong các tầng lớp nhân dân. Các hành vi vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, hoạt động của các loại hình văn hoá, kinh doanh dịch vụ văn hoá được quản lý tốt, phát triển theo chiều hướng tích cực.
Cụ thể, công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tự giác bài trừ, tiêu hủy các văn hóa phẩm độc hại, chấp hành quy định pháp luật được triển khai hiệu quả. Trước hết là việc tập trung thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và gia đình văn hóa. Thông qua việc duy trì, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào, trọng tâm là nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, đã xuất hiện nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước và thay đổi diện mạo nông thôn, thành thị; đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, an sinh xã hội đảm bảo; quốc phòng an ninh được giữ vững; môi trường văn hóa được cải thiện, các tệ nạn xã hội từng bước được khống chế, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; các hiện tượng mê tín dị đoan và lối sống lạc hậu được thay bằng nếp sống văn minh hiện đại.
Công tác gia đình được quan tâm thường xuyên. Từ việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hài hòa, phong phú và đa dạng luôn được thành phố quan tâm, chú trọng, các gia đình thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc giáo dục con cháu, bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thông tốt đẹp của dân tộc, bảo tồn những giá trị chuẩn mực của gia đình Việt Nam; xây dựng các mối quan hệ ứng xử trong gia đình và xã hội. Nhiều địa phương đã quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình để triển khai thực hiện tốt tại cơ sở. Chất lượng xây dựng gia đình văn hóa ngày càng tăng lên, đã xây dựng được nhiều mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục, Đoàn thể các cấp tổ chức 71 chương trình "Kết nối di sản", Tìm về di sản","Hành trình sinh viên đến các di tích", "Học sinh tham quan, học tập và chăm sóc di tích", "Học sinh Ninh Kiều tìm về di sản", "Tuổi trẻ Cần Thơ - Học tập, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa", "Hội thi Tuyên truyền về di sản văn hóa"... thu hút 12.069 lượt giáo viên, sinh viên và học sinh của các trường trên địa bàn thành phố Cần Thơ tham gia.
Đồng thời, thực hiện 10 chương trình giới thiệu di sản văn hóa trong học đường góp phần thực hiện tốt Đề án xây dựng và phát triển con người Cần Thơ cho 09 trường trên địa bàn thành phố, thu hút gần 4.000 lượt giáo viên và học sinh tham gia. Tổ chức triển lãm bộ ảnh "Hoàng Sa, Trường Sa - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 02 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tại 11 trường trên địa bàn thành phố, thu hút 18.700 lượt giáo viên và học sinh tham quan, tìm hiểu…
Văn hóa đọc trong cộng đồng được chú trọng triển khai thực hiện. Hệ thống thư viện từ thành phố đến xã, phường, thị trấn được đầu tư xây dựng, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần phục vụ tốt nhu cầu người đọc. Hàng năm, hệ thống thư viện từ thành phố đến cơ sở tiến hành cấp mới trên 2.000 thẻ thư viện. Công tác bổ sung sách mới được thực hiện thường xuyên, trung bình mỗi năm toàn ngành thư viện bổ sung từ 20.000 - 23.000 bản sách mới. Tính đến cuối năm 2018, tổng vốn sách của hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn thành phố đạt 552.000 quyển, tỷ lệ 0,46 bản/người dân (tỷ lệ bình quân cả nước là 0,44 bản).
Công tác phát triển và tổ chức các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm được các ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện. Nhiều cuộc triển lãm tranh, tượng, ảnh nghệ thuật được tổ chức nhân các sự kiện chính trị trọng đại, các ngày lễ lớn của địa phương và đất nước. Hàng năm, thực hiện hàng ngàn mét vuông tranh cổ động phục vụ công tác triển lãm tại chỗ và lưu động, pano, băng rôn các loại, đặc san xuân, trang trí sân khấu, thư mời,...phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, kỷ niệm.
Về tình hình quản lý nhà nước trong việc lưu hành phim ảnh, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc,...; các cơ sở, tụ điểm văn hoá (nhà hát, rạp chiếu bóng, câu lạc bộ, vũ trường, điểm karaoke...): Các cơ sở kinh doanh phần lớn có ý thức trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự công cộng, nhiều cơ sở đã có sự đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và trang thiết bị phục vụ. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa nói chung, karaoke, vũ trường nói riêng được chú trọng và thực hiện nhiều biện pháp quản lý, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên từng lĩnh vực. Công tác thẩm định các nội dung, hình thức băng đĩa nhạc, chương trình nghệ thuật trước khi được cấp phép lưu hành, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, ca múa sân khấu, ghi hình..., được thực hiện nghiêm ngặt, theo đúng quy định.
Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa nói chung, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Công an thành phố triển khai Quy chế phối hợp số 393/QCPH-CATP-VHTTDL, ngày 14/10/2016, về công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo vệ trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch tại thành phố Cần Thơ (trên tinh thần các quy chế trước đã ký); Triển khai Đề án "Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch".
Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn thành phố; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật; kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm. Tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định pháp luật về hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa cho các cán bộ quản lý, kiểm tra văn hóa các cấp; các tổ chức, cá nhân hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, và nhân dân, công tác phối hợp, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm trong lĩnh vực văn hóa cũng được chú trọng. Thành phố Cần Thơ đã thành lập và duy trì hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành 814, đạt được nhiều kết quả thiết thực. Công tác quản lý các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa công cộng, dịch vụ thể dục thể thao, du lịch và quảng cáo có nhiều chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định pháp luật của nhà nước.
Kết quả, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp kiểm tra 4.316 cơ sở hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, trong đó tuyên truyền, nhắc nhở 2.867 cơ sở, ra quyết định xử phạt hành chính 770 cơ sở (số liệu từ năm 2009 đến 6 tháng đầu năm 2020). Công an thành phố phối hợp kiểm tra tổng số 411 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh sách, xuất bản phẩm in lậu, cơ sở photocopy; Phát hiện 124 cơ sở vi phạm, thu giữ tổng số 19.587 xuất bản phẩm vi phạm Luật Xuất bản, Luật Quảng cáo, 03 máy photocopy màu; 22 lượt vi phạm về bản đồ in ấn sai quy định; tịch thu 2040 tờ bướm, catalo, sách, bản đồ, 322 kg bìa tập học sinh, 08 kg bao bì in thiếu quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tiêu hủy 1638 ấn phẩm, xuất bản phẩm, 08 kg bao bì, 322 kg bìa tập; xử phạt 11 trường hợp; nhắc nhở 60 trường hợp. Kiểm tra 2.133 lượt cơ sở; trong đó phát hiện vi phạm 559 cơ sở, nhắc nhở, cảnh cáo 275 cơ sở, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 284 cơ sở (Số liệu từ năm 2010 đến năm 2020).
Có thể nói rằng, qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 814/CT-TTg đã góp phần nâng cao ý thức của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ, từ đó chuyển hóa thành hành động tích cực hưởng ứng, tự giác bài trừ, tiêu hủy các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội. Việc thực hiện Chỉ thị cũng góp phần thiết lập trật tự kỷ cương, tuân thủ đúng quy định pháp luật trong các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, qua đó bảo tồn, phát huy các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc, bảo vệ môi trường văn hóa và an ninh trật tự trên địa bàn.