(Tổ Quốc) - Là thành phố trẻ nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, cũng là vùng đất mới giàu tiềm năng du lịch so với các tỉnh thành trong khu vực, thời gian qua, Cần Thơ đang nỗ lực tập trung khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm, thị trường, các nguồn lực, để từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao năng lực cạnh tranh trên bản đồ du lịch.
Chính sách và điều kiện kinh doanh du lịch được cải thiện
Thời gian qua, ngành VHTTDL đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt Đề án "Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn 2030". Đồng thời, đầu tư xây dựng các công trình văn hóa gắn với du lịch. Trong năm 2019 đã triển khai thi công 02 công trình gồm: Đền thờ các vua Hùng (quận Bình Thủy) và Khu di tích lịch sử Chiến thắng Lộ Vòng Cung (huyện Phong Điền).
Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án và hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Cụ thể như: xây dựng đề án phát triển du lịch Cù Lao Tân Lộc; xây dựng và đưa vào hoạt động "Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động – thành phố Cần Thơ"; xây dựng nội dung quản lý cơ sở dữ liệu du lịch trong hệ thống du lịch thông minh thành phố Cần Thơ"; Hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân hoạt động kinh doanh du lịch, xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch, khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa của cộng đồng; tổ chức các chuyến khảo sát, trao đổi kinh nghiệm các mô hình phát triển du lịch cộng đồng tiêu biểu tại các tỉnh, thành phố cho các đối tượng là hộ dân hoạt động du lịch. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền cho cán bộ phụ trách du lịch, đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên, các hộ kinh doanh du lịch; chú trọng phát triển du lịch "xanh" thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Tích cực quảng bá, hợp tác, xúc tiến phát triển du lịch
Để quảng bá và xúc tiến du lịch, ngành đã ban hành Kế hoạch cũng như khảo sát, liên kết, hợp tác tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2019; tổ chức thành công chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch Cần Thơ tại Kuala Lumpur, Malaysia; chương trình xúc tiến du lịch Cần Thơ và tham gia Hội chợ quốc tế JATA 2019 tại thành phố Osaka, Nhật Bản; hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch "Đến với Cần Thơ – Đô thị miền sông nước" năm 2019 tại tỉnh Nghệ An và thành phố Hải Phòng. Tham gia gian hàng chung quảng bá du lịch Cụm liên kết, hợp tác phát triển du lịch phía Tây đồng bằng Sông Cửu Long tại Hội chợ Du lịch Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 15 năm 2019 – ITE HCMC 2019. Bên cạnh đó tổ chức họp trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, hợp tác giữa Sở VHTTDL Cần Thơ – An Giang – Bạc Liêu trong công tác phát triển du lịch; phối hợp Tổng Cục Du lịch tổ chức hội nghị hợp tác du lịch hành lang phía Nam (lần thứ 6) và khảo sát các điểm du lịch TP. Cần Thơ; tham gia các hoạt động Diễn đàn kết nối du lịch thành phố Hồ Chí Minh – đồng bằng sông Cửu Long năm 2019.
Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch gắn với di tích lịch sử - văn hóa và lễ hội
Về việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù TP Cần Thơ giai đoạn 2019 – 2020, ngành đã triển khai kế hoạch số 457/KH-SVHTTDL và đạt được nhiều kết quả. Cụ thể: tham mưu đề nghị công nhận điểm du lịch tiêu biểu cấp Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 Làng du lịch sinh thái Ông Đề; tham mưu đề nghị công nhận điểm du lịch tiêu biểu cấp thành phố Cần Thơ năm 2019 đối với Vườn phố Cái Răng, Vườn sinh thái Xẻo Nhum; tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định công nhận khu du lịch cấp thành phố đối với Làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh và điểm du lịch cấp thành phố đối với Khu du lịch Lung Cột Cầu và Làng du lịch sinh thái Ông Đề.
Cùng với đó, xây dựng tour – tuyến du lịch mới đưa vào khai thác trên địa bàn TP Cần Thơ: Bến Ninh Kiều – Chợ nổi Cái Răng – Trạm dừng chân Chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ Ecolodge; triển khai Đề án "Mỗi xã một sản phẩm"; theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục đề án "Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng"; Tiếp tục phát huy và khai thác có hiệu quả các công trình, di tích lịch sử văn hóa đã được đầu tư gắn với phát triển du lịch như: Đền thờ Châu Văn Liêm, Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Khu tưởng niệm cố soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền…
Có thể nói rằng, được sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo thông qua các Chỉ thị, Nghị quyết từ Trung ương đến địa phương, công tác quản lý nhà nước về du lịch tại Cần Thơ đã từng bước đi vào nề nếp, ổn định và đạt nhiều hiệu quả. Sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng; phát huy thế mạnh loại hình du lịch sông nước, du lịch MICE, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các di tích lịch sử - văn hóa. Công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển du lịch ngày càng sâu rộng đến các thị trường du lịch trọng điểm trong cả nước. Hoạt động du lịch gắn với các sự kiện, lễ hội văn hóa – thể thao cấp vùng, quốc gia và quốc tế được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, quy mô hơn, tạo ấn tượng đẹp, từng bước nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng dịch vụ, tạo thương hiệu, thu hút du khách trong và ngoài nước. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phát triển khá đồng bộ. Các doanh nghiệp du lịch ngày càng khẳng định vai trò đóng góp quan trọng trong việc hình thành những động lực, thúc đẩy tăng trưởng. Từ đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030, đưa ngành du lịch Cần Thơ thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác./.