(Tổ Quốc) - Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đối với lĩnh vực VHTTDL; Nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công tác gia đình; Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kinh doanh văn hóa phẩm độc hại là những điểm tin văn hóa tại một số tỉnh Tây Nam Bộ.
Cần Thơ: Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đối với lĩnh vực VHTTDL
UBND thành phố Cần Thơ đã có văn bản số 1319/UBND-KGVX gửi các sở, cơ quan ban, ngành thành phố và UBND quận, huyện về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với lĩnh vực VHTTDL.
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các Giám đốc Sở; Thủ trưởng cơ quan ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 1539-CV/TU ngày 27/4/2020 của Thành ủy Cần Thơ, Công văn số 1267/UBND-KGVX ngày 27/4/2020 của UBND thành phố. Đồng thời, tiếp tục tạm dừng các hoạt động lễ hội, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết; các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng không thiết yếu (ca nhạc, sân khấu, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, triển lãm văn hóa, nghệ thuật, rạp chiếu phim, quán bar, vũ trường, karaoke, câu lạc bộ bia, trò chơi điện tử, các khu/điểm vui chơi, giải trí tập trung đông người tại nơi công cộng). Trường hợp tổ chức các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết thì phải được sự đồng ý của cấp, cơ quan có thẩm quyền và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Các khu/điểm tập luyện thể thao, cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao, danh lam thắng cảnh, khu di tích, khu du lịch, điểm du lịch, bảo tàng, thư viện được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở, đảm bảo giãn cách khi tiếp xúc theo quy định và các biện pháp khác theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Các đơn vị lữ hành, khách sạn và các loại hình lưu trú du lịch khác trên địa bàn thành phố xây dựng phương án mở cửa đón khách du lịch trong nước với điều kiện phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Trường hợp không đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch thì phải dừng hoạt động.
Tiền Giang: Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW "Về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"
Theo Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) "Về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" cho thấy, thời gian qua, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công tác gia đình ngày càng được nâng cao; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn được quan tâm, chú trọng.
Bên cạnh đó, hàng năm ngành VHTTDL phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã mở các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình. Từ đó góp phần không nhỏ cho mỗi thành viên trong cộng đồng nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm trong gia đình, xã hội, bài trừ các tệ nạn xã hội, giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình.
Các tiêu chí để bình xét gia đình văn hóa trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" luôn được triển khai có hiệu quả. Đến nay toàn tỉnh có 1.008/1.025 ấp - khu phố văn hóa, đạt tỷ lệ 98,34% và 133 đơn vị cấp xã đạt chuẩn văn hóa.
Ngoài ra, các ban, ngành, đoàn thể còn phối hợp tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp tập huấn kiến thức pháp luật về bình đẳmg giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em… cho 11.357 lượt cán bộ; tổ chức lồng ghép truyền thông 7.097 cuộc với 248.097 lượt người dự. Triển khai một số chính sách ưu tiên phát triển kinh tế gia đình cũng như thực hiện một số ưu tiên, ưu đãi cho toàn bộ CBCCVC toàn ngành…
Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới và đa dạng hóa công tác truyền thông, tăng cường giáo dục đến từng hộ gia đình về pháp luật, chính sách liên quan đến vấn đề xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ mới; tăng cường công tác phối hợp và đổi mới hoạt động thông qua việc thực hiện đa dạng mô hình câu lạc bộ gia đình; Tổ chức các chương trình biểu diễn văn nghệ thông qua các tiểu phẩm, bài hát, nội dung về xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa, phòng, chống bạo lực gia đình… phục vụ nhân dân; Tổ chức các hội thi, hội diễn, mít tinh, tọa đàm, giao lưu, gặp mặt biểu dương gia đình tiêu biểu, các chương trình văn nghệ, thể thao, sinh hoạt câu lạc bộ, chú trọng nội dung về sự chia sẻ của nam giới trong xây dựng gia đình, bình đẳng giới, không phân biệt giới tính…
Long An: Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kinh doanh văn hóa phẩm độc hại
Sau khi tiếp thu Chỉ thị 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về "Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội" (Chỉ thị), trong thời gian qua, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, địa phương trên địa bàn tỉnh Long An về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị, sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội trong đời sống văn hóa được nâng lên đáng kể; công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường; thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác văn hóa có bước trưởng thành, nhận thức sâu sắc hơn về văn hóa; nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú, đa dạng đã bắt nhịp với cuộc sống; tạo ra nhiều phong trào quần chúng sâu rộng, ngăn chặn, đẩy lùi sự xâm nhập và tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hoá độc hại từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta... Nâng cao ý thức cảnh giác, năng lực tự nhận biết, bài trừ của đảng viên, CBCCVC và nhân dân trước sự xâm nhập, tác động của các sản phẩm văn hoá độc hại.
Cụ thể, công tác tuyên truyền triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW được thực hiện nghiêm túc từ tỉnh đến cơ sở thông qua tổ chức các chương trình văn nghệ, hội thi tuyên truyền lưu động, Trang thông tin điện tử của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, triển khai hệ thống pano tuyên truyền trên các tuyến đường chính và tại trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị, triển lãm sách báo, tổ chức các cuộc thi tuyên truyền về phòng chống văn hóa phẩm độc hại, phòng chống về tệ nạn xã hội, tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực văn hóa, dịch vụ văn hóa công cộng và bài trừ một số tệ nạn nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lĩnh vực văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật…
Trong quá trình triển khai thực hiện, công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống được chỉ đạo, điều chỉnh phù hợp với từng đối tượng trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ; chú trọng công tác quản lý nhà nước đối với các sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa, xây dựng môi trường sống văn minh, lành mạnh, quan tâm đến sự phát triển của nhân tố con người. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gắn việc triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW với các văn bản chỉ đạo các hoạt động văn hóa của ngành; xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các ngành văn hóa, thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, công an, phụ nữ. Đội kiểm tra liên ngành về văn hóa tỉnh, Đội kiểm tra liên ngành văn hóa, thông tin và tệ nạn xã hội cấp huyện, cấp xã và một số đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh thường xuyên tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại, phản bác lại các thông tin sai trái, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Việc cấp các loại giấy phép hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện đúng quy trình và quy định của pháp luật. Công tác cấp phép kinh doanh karaoke, giấy phép biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang, giấy phép công diễn, tiếp nhận thông báo biểu diễn nghệ thuật, sản phẩm quảng cáo… được thẩm định chặt chẽ cả về nội dung và hình thức.
Thực hiện tốt công tác chăm lo phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; đặc biệt quan tâm đến đối tượng là thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trên địa bàn tỉnh Long An. Trong quá trình thực hiện, Ngành chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng con người ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ; xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh; kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Về phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (gọi tắt là TDĐKXDĐSVH): Phong trào TDĐKXDĐSVH đã chuyển biến rõ rệt, nâng cao chất lượng phong trào, làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 97,3% hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa; có 975/997 ấp, khu phố được công nhận là ấp, khu phố văn hóa đạt 97,8%; có 121/188 xã đạt chuẩn văn hóa; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị chiếm tỷ lệ 64,3%.
Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 46, tỉnh Long An sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nhận thức về ảnh hưởng lâu dài của các sản phẩm văn hóa độc hại đến các tầng lớp nhân dân, cơ sở kinh doanh, sản xuất sản phẩm văn hóa…; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quản lý và thực hiện của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, phát huy tốt vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm văn hóa, các điểm kinh doanh, sản xuất sản phẩm văn hóa; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa, phòng chống một số tệ nạn xã hội ở những ngành nghề kinh doanh nhạy cảm như vũ trường, quán bar, karaoke… ; Tăng cường sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao; Kịp thời biểu dương các gương điển hình tiêu biểu, người tốt việc tốt trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại…