(Tổ Quốc) - Ngày 25/12, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ”.
Người dân có quyền kiểm tra, giám sát quyền lực Nhà nước
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Viện Trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Theo đó, đổi mới phương thức ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết theo hướng: khi ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết phải có cơ quan theo dõi, giám sát.
"Thời gian qua có rất nhiều chương trình hành động mà chúng tôi được đọc thì chiếm đến 90% là chép lại nghị quyết của Trung ương. Cho nên rất dài mà rất khó nhớ. Phải giao cho cơ quan giám sát việc thực hiện, cũng như một số nơi giám sát việc thực hiện lời hứa của người lãnh đạo"- PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn nói.
GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thì cho rằng, cần có giải pháp thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh giai đoạn mới.
Các tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước cần phải xây dựng và thực hiện một cách đầy đủ, đúng tiến độ với chất lượng cao nhất hơn 30 đề án và việc thực hiện đúng các đề án là biến quan điểm tư tưởng về xây dựng và tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền thành hiện thực.
Giải pháp rất quan trọng nữa đó là giải pháp truyền thông, phổ biến về Nhà nước pháp quyền đến với mọi người dân. Nhà nước pháp quyền đó là quyền lực của Nhân dân. Đó là quyền của người dân. Người dân có quyền kiểm tra, giám sát quyền lực Nhà nước và đòi hỏi Nhà nước làm những việc phục vụ cho lợi ích nhu cầu của mình.
Để cán bộ không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng nêu ý kiến, thảo luận về tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong cán bộ, đảng viên; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, mục tiêu phát triển bền vững; thúc đẩy phát triển kinh tế số; các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ; một số giải pháp kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, hội thảo là hoạt động hết sức có ý nghĩa, nhằm thảo luận, tổng kết những kết quả đạt được sau nửa nhiệm kỳ, đề ra những giải pháp, nhất là trong tổ chức thực hiện để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII trong giai đoạn từ nay đến hết nhiệm kỳ; góp phần tham gia việc tiến hành tổng kết 40 năm đổi mới và xây dựng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ vừa qua đã tổng kết, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được sau nửa nhiệm kỳ, những điểm nghẽn, hạn chế, khó khăn còn tồn tại và rút ra các bài học kinh nghiệm căn cốt. Những điều này đã được thể hiện trong bài phát biểu bế mạc hội nghị rất quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, từ nay đến hết nhiệm kỳ, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, tình hình thế giới, trong nước vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhiều biến động khó dự báo. Để hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được Đại hội XIII đề ra cho cả nhiệm kỳ.
"Cần kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức tự diễn biến tự chuyển hóa, đặc biệt hiện đang làm quy hoạch công tác cán bộ, tới đây là vấn đề nhân sự. Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, thúc đẩy việc giới thiệu, lựa chọn bố trí cán bộ có đức, có tài, có tâm, có tầm, liêm chính, thật sự vì dân vì nước vào các vị trí lãnh đạo các cấp; thực hiện có hiệu quả việc kết hợp đấu tranh phòng, chống tham nhũng với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; phải chú ý không chỉ trước mắt mà lâu dài, để cán bộ không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng" - ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh./.