• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cẩn trọng với những chiêu lừa của “bác sĩ” đến từ Facebook

Sức khỏe 07/10/2019 16:15

(Tổ Quốc) - Lợi dụng danh tiếng của các bệnh viện, nhiều đối tượng thông qua mạng xã hội facebook đã đăng những thông tin sai sự thật nhằm lừa đảo, trục lợi người dân. Trước tình trạng này, nhiều bệnh viện đã lên tiếng cảnh báo.

Lợi dụng danh tiếng của bệnh viện để trục lợi

Trung tuần tháng 9 vừa qua, Phòng Công tác xã hội – BV Bạch Mai có nhận được một cuộc điện thoại xác nhận thông tin, Khoa Tiêu hóa của BV này có phải đang có chương trình hỗ trợ 3.000 hộp trà thảo dược cho các bệnh nhân dạ dày.

a1234567

Trang Fanpage giả mạo Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai để lừa đảo bán trà thảo dược.

Người này cho biết, thông qua mạng xã hội, chị thấy một thông tin, nhân dịp 100 năm thành lập, Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai quyết định hỗ trợ chi phí 3.000 hộp trà thảo dược trị đau dạ dày cho bà con trên cả nước. Chỉ trong 5 ngày sẽ hết trào ngược và 30 ngày khỏi dứt điểm. Bà con nào có dấu hiệu: Trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, viêm hang vị, ợ hơi ợ chua khó tiêu…thì nhanh tay nhấn "đăng ký" để được hỗ trợ.

Do bản thân chị bị bị bệnh dạ dày nên đã vui mừng nhấn nút "đăng ký" và để lại số điện thoại cũng như thông tin cá nhân. Một lúc sau, chị này nhận được điện thoại của một người tự xưng là bác sĩ khoa Tiêu hóa – BV Bạch Mai xác nhận thông tin chị này đã đăng ký. Tiếp đó, một cuộc điện thoại khác tự xưng là nhân viên Khoa Dược – BV Bạch Mai liên hệ đến chị này hỏi địa chỉ để gửi trà và nhắn số tiền cần chuẩn bị là 1,3 triệu đồng.

Trước phản ánh này, Ts.Bs Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa – BV Bạch Mai đã lên tiếng phủ nhận những thông tin này. Bác sĩ Khanh cho biết: "Khoa Tiêu hóa không sử dụng fanpage và Khoa cũng không triển khai hoạt động này. Đây là dấu hiệu lợi dụng hình ảnh, thông tin của đơn vị để lừa đảo người dân. Đề nghị các lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ để người dân không phải chịu cảnh tiền mất tật mang".

Trường hợp lợi dùng hình ảnh của bệnh viện để trục lợi bán sản phẩm cũng từng xảy ra tại Bệnh viện Quân y 103. Cụ thể, khoảng thời gian đầu tháng 8/2019, trên một số trang Facebook xuất hiện nhiều tài khoản gắn mác "Bệnh Viện (Bệnh viện hoặc BV) Quân Y", "Bệnh viện Quân Y 103" chào bán các sản phẩm như: tỏi đen, thuốc giảm cân, viên uống Nano Curcumin.

Tuy nhiên, khi phát hiện những thông tin này, Thượng tá Cao Tiến Hỷ, Chủ nhiệm Khoa Dược, Bệnh viện Quân Y 103 (Viện 103) đã lên tiếng phủ nhận: "Bệnh Viện Quân y 103 không bán sản phẩm nào qua mạng. Càng không bán bất cứ sản phẩm nào cho các cơ sở khác kinh doanh".

"Viện 103 chỉ sản xuất hai sản phẩm, bán theo kê đơn của bác sỹ cho người khám và điều trị tại bệnh viện là Hoạt huyết CM2 đựng trong chai nhựa, thuốc dạ dày Đơn số 12 dạng gói và bán đủ một liều điều trị, không bán nhiều hơn. Sản phẩm đăng ký độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, tất cả sản phẩm bán ở địa điểm khác ngoài Viện 103 là sản phẩm giả mạo, lấy uy tín của Bệnh viện để lừa dối người tiêu dùng" – ông Hỷ cho biết.

Làm việc với Facebook để siết chặt quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng

Trước thực trạng này, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong từng chia sẻ với báo chí, việc giả mạo, sử dụng hình ảnh và uy tín của cán bộ y tế, cơ quan y tế thậm chí là giả mạo cơ quan truyền thông để quảng cáo trên mạng xã hội diễn ra khá phổ biến, phức tạp.

Cục An toàn thực phẩm đã thường xuyên kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm quảng cáo. Thông tin về sai phạm, mức xử phạt cũng thường xuyên được đăng tải công khai trên đài truyền hình, cơ quan báo chí và trên website của Cục An toàn thực phẩm.

Còn về quảng cáo trên mạng xã hội facebook, Cục này cũng đã có buổi làm việc với đơn vị này. Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đã đề nghị facebook thường xuyên phối hợp chặt chẽ để nâng cáo hiệu quả trong công tác quản lý các sản phẩm liên quan đến sức khỏe người dùng.

Theo bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, hiện nay nếu ghi nhận những quảng cáo sai sự thật liên quan đến lĩnh vực thực phẩm (trên mạng xã hội hoặc các trang bán hàng trực tuyến), Cục ATTP sẽ chụp ảnh làm bằng chứng, ghi nhận sai sót ở thời điểm cụ thể. Từ đó đơn vị gửi mẫu cho các trang bán hàng và Facebook để họ phối hợp gỡ những quảng cáo sai.

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga khuyến cáo, với những thông tin quảng cáo trên mạng, bản thân người tiêu dùng cũng rất cần thẩm định thật kỹ trước khi mua các loại thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe của chính mình và người thân.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ