(Tổ Quốc) -Mấy tháng nữa là các em học sinh lớp 9 sẽ tham gia kỳ thi tuyển chọn vào lớp 10. Công cuộc học hành, ôn luyện cho kỳ thi này đã được bắt đầu với rất nhiều sự căng thẳng, áp lực cho cả thầy cô, học trò lẫn gia đình học sinh.
Học trò mang nhiều áp lực
Các em học sinh lớp 9 đã bắt đầu ôn luyện cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới. Đó được coi là một cuộc cạnh tranh khốc liệt với tỷ lệ chọi hàng năm đều khá cao. Năm 2018, số thí sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội cao đột biến, tăng 24.000 học sinh so với năm ngoái. Điều đó có nghĩa là năm nay Hà Nội sẽ có hơn 100.000 học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, dự báo một cuộc cạnh tranh căng thẳng sắp diễn ra.
Hàng năm, lượng thí sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 tại các thành phố lớn đều rất đông nhưng chỉ tiêu của các trường công lập thì có hạn. Thông thường, chỉ có khoảng 60% - 70% số thí sinh trúng tuyển vào các trường công lập. Năm 2017, toàn thành phố Hà Nội có 76.000 học sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 nhưng chỉ có 56.840 chỉ tiêu cho khối các trường công lập, còn lại sẽ được định hướng học tại các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề.
Đứng trước một bước đi quan trọng của cuộc đời mỗi học sinh, bản thân các cô, cậu học trò không tránh khỏi áp lực.
Bạn Hương Giang, học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Trãi, Hà Nội cho biết: “Lịch học của em rất dày, thường phải đi học từ sáng đến tận tối. Em đi học thêm 3 môn toán, văn, anh. Mỗi môn học 2 buổi/ tuần, riêng môn toán 1 tuần em học tới 3 buổi. Mỗi buổi học thường kéo 2-3 tiếng. Ngoài việc học chính và học thêm thì đêm về đến nhà em còn cần phải ôn lại kiến thức đã học và hoàn thành bài tập được thầy, cô giao ngày hôm đó.”
Các em học sinh lớp 9 phải ôn luyện rất vất vả để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 (Ảnh: Bạch Dương) |
Khi được hỏi về việc nếu trượt trường công thì sẽ ra sao, Hương Giang chia sẻ: “Em cũng không dám nghĩ đến tình huống nếu trượt trường công lập thì sẽ ra sao, vậy nên em sẽ cố gắng ôn luyện thật tốt để có thể vào được trường mình mong muốn.”
Phụ huynh nhiều lo toan
Trước một bước ngoặt quan trọng của cuộc đời con em mình, phụ huynh học sinh cũng có nhiều lo toan. Cô Thu Phương (Quận Hà Đông, HN), một phụ huynh có con đang là học sinh lớp 9 chia sẻ: “Tôi tin tưởng và kỳ vọng vào con gái mình nhưng vẫn khá lo lắng. Để ôn thi vào lớp 10 thì con đang rất vất vả, đi học thêm, học chính rất nhiều nên tôi cần quan tâm đến sức khỏe và tâm lý của con mình hơn. Thêm vào đó, học phí cũng là một vấn đề lớn. Mỗi buổi học có giá từ 100 nghìn – 200 nghìn đồng. Riêng tiền học thêm để ôn thi cho cháu đã tốn đến hàng triệu đồng/ tháng.”
Còn cô Kim Hoa (Quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Năm nay con gái tôi thi vào lớp 10. Sức học của cháu khá tốt nên đặt nhiều kỳ vọng vào trường chuyên. Tuy nhiên, việc cạnh tranh vào các trường chuyên lại rất khó vì học lực của các cháu đều rất tốt. Tôi mong rằng không gặp phải cảnh hy vọng nhiều thì thất vọng càng nhiều.”
“Cạnh tranh” bớt gay gắt khi vào các trường ở nông thôn?
Thi tuyển vào trường công tại các huyện ngoại thành, vùng nông thôn có vẻ dễ thở hơn với sự cạnh tranh thấp. Điểm chuẩn đầu vào các trường công tại nông thôn dao động từ 21 tới hơn 40 điểm, trong khi các trường công thuộc thành phố lớn có điểm chuẩn từ 45 tới 55 điểm, cao hơn khá nhiều.
Cô Trần Thị Biển, giáo viên trường THCS Hà Hồi (hyện Thường Tín, HN) cho biết: “Nhìn chung, điểm chuẩn vào các trường công lập tại huyện Thường Tín không cao như các trường thuộc nội thành, nhiều em sức học chưa được tốt. Tuy nhiên cả học sinh lẫn thầy, cô đều đang gắng sức ôn luyện cho kỳ thi sắp tới. Nhà trường đã tăng thêm 2 tiết/tuần cho mỗi môn toán và văn.
Toán, Văn là hai môn thi bắt buộc trong kỳ thi tuyển vào lớp 10. (Ảnh: Bạch Dương) |
Để có thể trúng tuyển vào trường công trên địa bàn huyện, các em cần phấn đấu đạt 5-6 điểm/môn. Nhiều em có sức học tốt thì lại lựa chọn thi tuyển vào các trường chuyên, trường công lớn tại nội thành Hà Nội, giảm bớt tỷ lệ cạnh tranh vào các trường công trên địa bàn huyện.”
Kỳ thi tuyển chọn vào lớp 10 thực sự là một cuộc cạnh tranh khốc liệt, chứa đầy lo lắng, tiêu tốn nhiều tiền bạc, công sức với học sinh, phụ huynh và thầy cô. Đặc biệt, nó càng trở nên khó khăn hơn khi cạnh tranh vào các trường chuyên, trường công ở thành phố lớn với tỷ lệ chọi “cao ngất”.