• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cảnh báo: Đắp thuốc nam điều trị bệnh trĩ, hai phụ nữ bị hoại tử hậu môn

Sức khỏe 22/09/2018 10:38

(Tổ Quốc) - Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiến hành phẫu thuật cắt trĩ cho 2 trường hợp bị hoại tử hậu môn sau khi đắp thuốc nam điều trị bệnh trĩ.

Suýt hoại tử hậu môn vì tin thuốc nam chữa được trĩ

Sống chung với bệnh trĩ đã 12 năm nay, nhưng thời gian gần đây, chị H.T.H (36 tuổi, tam Nông, Phú Thọ) mới nghe nhiều người quen giới thiệu đi điều trị bằng thuốc nam ở tận Hà Nội.

Các bác sĩ BVĐK tỉnh Phú Thọ tiến hành phẫu thuật cắt trĩ cho bệnh nhân

Tuy nhiên, khi đã đắp thuốc nam được một thời gian, bệnh của chị H không những không khỏi mà ngày càng nặng hơn. Sau 6 ngày điều trị, chị H không chịu nổi nên bỏ về nhà và đến cấp cứu tại BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Tương tự như chị H, hơn 1 năm trước bệnh nhân,  L.T.H.N (36 tuổi, Phù Ninh, Phú Thọ) phát hiện mình bị bệnh trĩ. Lúc mới phát hiện, bệnh trĩ của chị N chỉ ở giai đoạn đầu. Thế nhưng, do tâm lý e ngại nên chị N đã không đến điều trị tại Bệnh viện. Khi nghe người quen giới thiệu, chị đã mua thuốc nam từ tận miền Nam gửi ra để điều trị.

Chị N cho biết, loại thuốc mình mua gồm 2 gói: 1 màu xanh (công dụng để rụng trĩ) và 1 màu trắng (công dụng để bôi cho mau lành sau khi trĩ rụng). Đáng nói, sau 4 ngày điều trị bằng loại thuốc này, chị N đã bị đau đớn vật vã không chịu nổi nên phải đi cấp cứu tại BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Không nên chủ quan với những bệnh lý vùng hậu môn

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Hòa - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, ngày 18/9, cả hai trường hợp của chị H và N đến cấp cứu tại BV đã được phẫu thuật cắt trĩ. Đây là hai trường hợp điển hình mà Khoa Ngoại tổng hợp tiếp nhận trong thời gian qua.

Cũng theo BS này, người bệnh trĩ ở giai đoạn nhẹ nhưng không đến cơ sở y tế để chữa trị mà lại dùng thuốc nam để tự chữa thì khi nhập viện cấp cứu đã ở trong tình trạng nhiễm trùng nặng, hậu môn gần như bị hoại tử.   

Trĩ là căn bệnh "khổ mà khó nói" bởi đây là bệnh lý của vùng hậu môn trực tràng khiến nhiều người có tâm lý e ngại. Điều đáng nói là căn bệnh này có tỉ lệ mắc khá cao ở nước ta (từ 35 - 50%) và đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn.

Bệnh trĩ xuất hiện khá phổ biến và ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là ở người cao tuổi. Đa số người bệnh chủ quan nghĩ đơn giản là bệnh trĩ chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày chứ không lường được những biến chứng nguy hiểm của nó.

Các BS cho biết, hiện nay, ngoài điều trị bệnh trĩ theo y học hiện đại thì y học cổ truyền cũng được khá nhiều người bệnh lựa chọn. Tuy nhiên, khi chọn phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền thì người bệnh cần đến gặp các bác sĩ ở lĩnh vực này để được thăm khám chứ không phải tự ý dùng thuốc không rõ ràng.

Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ khuyến cáo, người dân khi có dấu hiệu bất thường ở vùng hậu môn thì cần đi khám ở các bác sĩ để được chẩn đoán đúng bệnh, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời.

Thế Công

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ