(Tổ Quốc) - Theo các ý kiến đưa ra tại buổi hội thảo "Thực trạng bắt nạt trực tuyến ở thanh thiếu niên trên thế giới và tại Việt Nam", học sinh sử dụng internet càng nhiều càng dễ hình thành việc bắt nạt hoặc bị bắt nạt trực tuyến.
Bắt nạt là vấn đề phổ biến trên thế giới. Bắt nạt có thể được định nghĩa là hành vi gây hấn cố ý, các hành vi lặp đi lặp lại nhiều lần, trong đó có sự mất cân bằng quyền lực thực sự hoặc nhận thức về việc bị mất cân bằng quyền lực. Các hình thức bắt nạt có 2 phương thức là bắt nạt truyền thống (trực tiếp mặt đối mặt) bao gồm: bắt nạt về mối quan hệ, xâm phạm tài sản, bắt nạt bằng lời nói, bắt nạt về thể chất. Dạng bắt còn lại là bắt nạt trực tuyến. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu, có 36% tổng số khách thể nghiên cứu thường xuyên bị bắt nạt bởi ít nhất một loại hình.
Theo kết quả nghiên cứu của trường ĐH Giáo dục, thực trạng bắt nạt trực tuyến ở học sinh THCS và THPT với 864 học sinh trên địa bàn 3 tỉnh Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa cho thấy, có 30,6% học sinh bị bắt nạt trực tuyến bởi ít nhất 1 hành vi ở mức 2 lần trở lên và có đến 26,7% học sinh có hành vi bắt nạt người khác trực tuyến bởi ít nhất một hành vi ở mức hai lần trở lên với các hành vi bắt nạt thường thấy như gửi các bình luận đe dọa, gây tổn thương thông qua email hoặc tin nhắn; gửi những tin nhắn đe dọa, gây tổn thương; gây hiểu lầm bằng cách giả vờ là người giới tính khác; chế nhạo các bình luận trong nhóm, diễn đàn; chế nhạo người khác trong các nhóm diễn đàn…
GS.TS Bahr Weiss cho rằng, cách giải quyết mang lại hiệu quả tốt nhất là trong nhà trường (Ảnh: KTĐT)
Theo PGS Trần Thành Nam tình trạng bắt nạt trực tuyến sẽ có diễn biến ngược khi một số học sinh càng đi bắt nạt trực tuyến thì có xu hướng càng bị bắt nạt và ngược lại. Học sinh
"Mức độ bắt nạt và bị bắt nạt trực tuyến của học sinh THPT nhiều hơn so với THCS. Học sinh càng bắt nạt/bị bắt nạt trực tuyến càng nhiều tỉ lệ thuận với thời gian sử dụng internet. Số lượng học sinh bị bắt nạt trực tuyến nhiều nhất là trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter… sau đó là các ứng dụng như Zalo, Viber… rồi đến các trạng chia sẻ hình ảnh, video clip như Youtube hay Instagram.. rồi qua thư điện tử như Gmail"- PGS Trần Thanh Nam phát biểu.
Theo PGS Trần Thành Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các học sinh bắt nạt trực tuyến như việc bắt nạt này sẽ được nhiều người biết hơn để gây áp lực cho đối tượng bị bắt nạt hay như để được chú ý hoặc để trả thù… Đáng chú ý, một nguyên nhân gây bất ngờ khác được nhiều học sinh nếu ra nhất là trêu đùa cho vui.
Điều đáng ngại hơn là việc những học sinh bị bắt nạt trực tuyến có rất nhiều cách để "đáp trả" lại nhưng hầu như không kể lại với bố mẹ, thầy cô giáo để tìm cách ngăn chặn. Có đến 33,1% và 39,6% các em học sinh không bao giờ kể về việc mình bị bắt nạt với bố mẹ hay thầy cô để tìm cách ngăn chặn. Thay vào đó, các em học sinh chọn những cách tiêu cực hơn để giải quyết như dừng việc truy cập các trang web nơi xảy ra chuyện (58,5%), lưu lại bằng chứng để trả thù (43,7%), chặn tài khoản người bắt nạt để không liên lạc được (60%) hoặc tránh mọi người trong cuộc sống (36,3%).
Phát biểu tại buổi hội thảo, GSTS Bahr Weiss đến từ Mỹ cho rằng, cách giải quyết mang lại hiệu quả tốt nhất là trong nhà trường bởi việc bắt nạt trực tuyến có thể xảy ra trong nhà trường nhiều hơn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng là môi trường giáo dục, tập hợp được học sinh, có đầy đủ khả năng, nguồn lực lớn hơn để can thiệp việc bắt nạt trực tuyến.