• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cảnh báo tình trạng ‘siêu nhiễm trùng’ ở bệnh nhân COVID-19

Sức khỏe 23/07/2022 20:22

(Tổ Quốc) - 'Siêu nhiễm trùng' ở bệnh nhân COVID-19 khiến bệnh nặng hơn, điều trị khó và làm gia tăng nguy cơ tử vong.

Theo BS Nguyễn Thị Trang, Bệnh viện Quân y 175, kết quả nghiên cứu trên 3.407 mẫu bệnh phẩm của 610 bệnh nhân từ Trung tâm điều trị COVID-19 gửi tới khoa Vi sinh từ tháng 7/2021- tháng 5/2022, cho thấy có 34,78% mẫu cấy dương tính với vi khuẩn, vi nấm, tỷ lệ kháng kháng sinh cao, khiến bệnh nặng hơn, điều trị khó, tăng nguy cơ tử vong.

"Tác nhân gây bệnh thuộc nhóm vi khuẩn gram âm chiếm 76%, vi khuẩn gram dương chiếm 14%, tỷ lệ nhiễm nấm men chiếm 10%. Bệnh do vi khuẩn gram âm gây ra thường nguy hiểm hơn so với bệnh do vi khuẩn gram dương", BS Trang cho biết.

Đặc biệt, trong các chủng phân lập được vi khuẩn Acinetobacter chiếm tỉ lệ cao nhất 30,3%, Klebsiella chiếm 19,1%, Burkholderia chiếm 12,4%, Candida sp chiếm 10%, Staphylococcus chiếm 7,6%...

Theo kết quả báo cáo từ nghiên cứu, siêu nhiễm trùng là tình trạng cơ thể nhiễm khuẩn khác khi đang bị bệnh do virus và đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID.

Đa số kết quả cấy máu bệnh nhân đều phân lập được một tác nhân gây bệnh, song một số trường hợp có nhiều, thậm chí đến 6 tác nhân. Những trường hợp nhiều hơn hai tác nhân đều gặp trên bệnh nhân nằm viện lâu ngày, phân lập từ các lần cấy khác nhau và cách xa nhau. Trong những trường hợp đồng nhiễm, có 19 ca đồng nhiễm hai loại vi khuẩn và 4 ca đồng nhiễm vi khuẩn lẫn vi nấm.

Tình trạng xâm lấn nấm

Đối với bệnh nhân COVID-19, tỉ lệ kháng thuốc ở các chủng phân lập được là 59%, trong đó tỉ lệ vi khuẩn đa kháng (MDR) chiếm 33%, kháng mở rộng (XDR) gần gấp đôi MDR, trong đó đáng chú ý tỉ lệ toàn kháng (PDR) khá cao với 15%. Có nhiều trường hợp đa kháng, toàn kháng, là nguy cơ trong điều trị các bệnh lý nhiễm trùng, khiến việc dùng thuốc khó khăn, ít tác dụng.

Bác sĩ Diệp Hồng Kháng, Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Quân y 175, cho biết tình trạng nhiễm nấm xâm lấn trong quá trình mắc COVID-19 thường rơi vào nhóm bệnh nhân nguy kịch có tỷ lệ tử vong cao.

Quá trình hình thành nấm xâm lấn phụ thuộc vào hai yếu tố: độc lực của tác nhân gây bệnh và sự suy giảm miễn dịch của chủ thể. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy bệnh nhân COVID có sự bất thường và suy giảm miễn dịch, nguy cơ nhiễm nấm xâm lấn cao hơn các bệnh nhân hồi sức thông thường khác.

Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân nhiễm nấm xâm lấn là gần 77%, cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ tử vong bệnh nhân nặng, nguy kịch thông thường, theo một nghiên cứu khác tại trung tâm.

Tuy nhiên, đây chỉ là nghiên cứu mô tả, không có nhóm đối chứng nên không làm rõ mối liên quan giữa việc nhiễm trùng và tỷ lệ tử vong.

Theo bác sĩ Kháng, trong số bệnh nhân nhiễm nấm khảo sát tại trung tâm, nam nhiều hơn nữ, tương ứng với số bệnh nhân nặng tại ICU đa số là nam và càng cao tuổi thì mức độ bệnh càng nặng. Tỷ lệ nam giới tuổi trung niên, thừa cân, béo phì và có các yếu tố nguy cơ tim mạch cao hơn phần dân số còn lại. Nhóm có bệnh nền đái tháo đường, cushing và ung thư chiếm tỷ lệ cũng khá cao, là nhóm có thể gây tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện và nhiễm nấm xâm lấn. Trong đó, hội chứng cushing là tình trạng cơ thể có nhiều rối loạn như giữ nước, tăng cân, rạn da, tăng huyết áp, yếu cơ, loãng xương... Tình trạng này xảy ra khi trong cơ thể người bệnh tăng quá mức hormone cortisol kéo dài, ảnh hưởng đến các cơ quan.

Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới trước đó về quản lý lâm sàng bệnh COVID-19 cũng khuyến cáo các bác sĩ thu thập mẫu bệnh phẩm từ đường hô hấp và mẫu máu bệnh nhân để nuôi cấy vi khuẩn, chỉ bắt đầu điều trị kháng sinh cho trường hợp nặng. Sử dụng kháng sinh không hợp lý có thể dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ vi khuẩn đa kháng thuốc.

Mộc Trà

NỔI BẬT TRANG CHỦ