• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cảnh báo xâm hại rạn san hô gần bờ ở vịnh Nha Trang

Thực hiện: Đức Thảo | 26/07/2024

(Tổ Quốc) - Rạn san hô gần bờ ở Hòn Chồng, TP. Nha Trang nguy cơ bị tàn phá, cần được bảo vệ khẩn cấp, nghiêm cấm các hành vi giẫm đạp, chèo thuyền,... ở khu vực này.

Trung tuần tháng 7, chị Hạnh, cùng gia đình đến khu vực biển Hòn Chồng (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) ngắm cảnh, dù không kỳ vọng song chị khá bất ngờ vì san hô ở đây phát triển tốt.

Theo chị Hạnh, thời gian dịch Covid-19 cũng là quãng thời gian để biển, sinh vật cảnh dưới đáy phục hồi khi du lịch “đứng bánh". Qua theo dõi trên báo đài, người yêu môi trường như chị cảm thấy phấn khởi trước thông tin san hô khu vực biển Hòn Chồng đang phát triển tốt, thu hút nhiều loài sinh vật biển về đây sinh sống.

“Tuy nhiên, khi nhìn bãi biển đông đúc, một số người vô tư lội xuống khu vực rạn san hô mò cua, bắt cá,... nguy cơ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái rạn san hô", chị Hạnh xót xa.

Cảnh báo xâm hại rạn san hô gần bờ ở vịnh Nha Trang - Ảnh 1.

Bản đồ phân bố san hô khu vực Hòn Chồng, TP. Nha Trang. Ảnh: BQL Vịnh Nha Trang

Khoảng 16h hàng ngày, thủy triều xuống để lộ thảm cỏ biển, cụm san hô mới mọc và san hô gần bờ, phân bố từ 200 đến 300m ra phía biển Hòn Chồng, lượng lớn người dân, du khách đến vui chơi, tắm biển mỗi ngày, tiềm ẩn nguy cơ dẫm đạp, tác động trực tiếp tới san hô nơi đây.

“Khu vực rạn san hô Hòn Chồng gần đất liền, gần khu dân cư sinh sống đông đúc và sát với các bãi tắm biển an toàn. Vào mùa hè số lượng người dân và du khách tham gia tắm biển rất đông. Khi nước thủy triều cạn, vẫn còn tình trạng một số người dân và du khách hiếu kỳ đi vào vùng rạn san hô để bắt ốc, cá,…”, ông Đàm Hải Vân, Phó Trưởng Ban Quản lý Vịnh Nha Trang bày tỏ.

Khu vực biển Hòn Chồng nằm ở phía đông bắc TP. Nha Trang, sở hữu khoảng 4,8 ha rạn san hô với 62 loài san hô thuộc 12 họ, trong đó họ san hô Não chiếm ưu thế nhất với 17 loài, họ san hô Lỗ đỉnh với 14 loài, họ san hô Khối với 9 loài, các họ khác có từ 1-4 loài.

Theo kết quả nghiên cứu của Ban Quản lý Vịnh Nha Trang, hệ sinh thái san hô khu vực này đang phát triển tốt, đa dạng về thành phần loài san hô tạo rạn và độ phủ tương đối cao. Một số khu vực có độ phủ san hô tạo rạn lên đến 65,7%; độ phủ trung bình toàn vùng là 32,4%.

Đây cũng là khu vực có 8 loài san hô Sừng hươu sinh sống, được đánh giá “đa dạng nhất trong vịnh Nha Trang”. Các loài san hô mềm ở đây cũng đa dạng về thành phần loài và có kích thước khá lớn. Ngoài ra còn có các loài cỏ biển và rong biển, thường gặp là cỏ bò biển và rong quạt, chúng sống ở vùng gần bờ và xem lẫn các bãi đá và san hô.

Do vùng biển Hòn Chồng có các hệ sinh thái tiêu biểu đang phát triển tốt nên có hơn 43 loài thuộc 24 họ cá rạn quay về đây để cư trú và sinh sản, một số loài cá rạn ít di cư như họ cá bướm đã được ghi nhận ở vùng rạn này.

Theo Phó Trưởng Ban Quản lý Vịnh Nha Trang, ngành chức năng đã và đang chủ động các biện pháp ứng phó đối với các tác động tiêu cực từ tự nhiên, nhưng hành vi xấu của con người vẫn là một trong những nguyên nhân chính đe dọa đến hệ sinh thái rạn san hô khu vực biển Hòn Chồng.

Thời gian qua, chính quyền TP. Nha Trang và các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, tuyên truyền đến từng tổ dân phố và các trường học,... Tổ chức các đợt thu dọn rác dưới đáy biển vướng vào rạn san hô như lưới đánh cá, dây thừng, rác thải nhựa,… và thường xuyên bắt sao biển gai, ốc gai vì đây là loài thiên địch của san hô.

“Ban Quản lý Vịnh Nha Trang đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị lắp đặt 5 bảng tuyên truyền có bản đồ chỉ dẫn khu vực bảo vệ rạn san hô. Đồng thời gửi văn bản đến các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho sinh viên về công tác bảo tồn hệ sinh thái”, ông Đàm Hải Vân thông tin.

Cảnh báo xâm hại rạn san hô gần bờ ở vịnh Nha Trang - Ảnh 2.

Ngành chức năng lắp biển cảnh báo ở khu vực biển Hòn Chồng.

Qua 2 năm thực hiện tuần tra và tuyên truyền, nhận thức về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học của người dân được nâng lên, đa số người dân chấp hành, tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số người dân, du khách bơi thuyền kayak vào vùng rạn, hay hiếu kỳ giẫm đạp lên vùng rạn và bắt cua, ốc,...

Ông Đàm Hải Vân cho rằng, để thực hiện công tác tuyên truyền thường xuyên hơn nữa ở khu vực bãi tắm, trong đó có việc tuyên truyền bảo vệ môi trường rạn san hô Hòn Chồng, chính quyền địa phương cần lắp đặt hệ thống loa phát thanh không dây dọc theo đường bờ biển Hòn Chồng để tuyên truyền.

"Đồng thời, không tổ chức hoạt động thể thao dưới nước như chèo thuyền kayak, lướt ván ở khu vực có rạn san hô vì khi nước thủy triều xuống thấp san hô nhô lên, hoạt động này sẽ làm gãy san hô", ông Đàm Hải Vân mong muốn, cho biết thời gian tới, Ban Quản lý Vịnh Nha Trang tiếp tục phối hợp với UBND các phường ven vịnh tuyên truyền cho người dân không giẫm đạp và bắt thủy sản ở các hệ sinh thái như rạn san hô, thảm cỏ biển,... Không xả rác, chất thải xuống biển và tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác động đến môi trường của túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, thực hiện phong trào nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần,...

Theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ, bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực thủy sản tập trung sinh sản hoặc khu vực thủy sinh tập trung sinh sống; phá hoại nơi cư trú của loài thủy sản thuộc danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm...

Cảnh báo xâm hại rạn san hô gần bờ ở vịnh Nha Trang - Ảnh 3.

Một góc Hòn Chồng nhìn từ trên cao.

Cảnh báo xâm hại rạn san hô gần bờ ở vịnh Nha Trang - Ảnh 4.

Người dân, du khách vui chơi, tắm biển nơi có san hô.

Cảnh báo xâm hại rạn san hô gần bờ ở vịnh Nha Trang - Ảnh 5.

Việc người dân hiếu kỳ đi vào vùng rạn san hô để bắt ốc, cá,… có thể tác động xấu đến rạn san hô.

Cảnh báo xâm hại rạn san hô gần bờ ở vịnh Nha Trang - Ảnh 6.

Cảnh báo xâm hại rạn san hô gần bờ ở vịnh Nha Trang - Ảnh 7.

San hô và cỏ biển ở khu vực biển Hòn Chồng.

Cảnh báo xâm hại rạn san hô gần bờ ở vịnh Nha Trang - Ảnh 8.

Một cá thể tôm tít bắt gặp sinh sống ở khu vực biển Hòn Chồng.

Cảnh báo xâm hại rạn san hô gần bờ ở vịnh Nha Trang - Ảnh 9.

Chèo thuyền kayak tại khu vực này có thể làm gãy san hô.

Cảnh báo xâm hại rạn san hô gần bờ ở vịnh Nha Trang - Ảnh 10.

Nhân viên Ban Quản lý Vịnh Nha Trang dùng loa tuyên truyền đến người dân, du khách tắm biển.

NỔI BẬT TRANG CHỦ