• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cảnh Dương - ngôi làng đặc biệt “có một, không hai”

Thời sự 04/04/2018 08:49

(Tổ Quốc) - Chẳng phải vô cớ mà cái danh “làng cá voi” lại được gán cho Cảnh Dương hàng trăm năm qua, bởi nhắc đến cá voi là nhắc đến nét văn hóa tâm linh độc đáo tạo nên sự riêng biệt cho ngôi làng biển này.

LTS: Không chỉ nổi tiếng với bát danh hương “Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim”, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) còn được biết đến là vùng đất có nhiều nét văn hóa vùng miền đặc sắc. Tận dụng lợi thế vốn có đó, tỉnh Quảng Bình đã chọn nơi đây để phát triển thành làng văn hóa du lịch đặc trưng, là khu du lịch cộng đồng kiểu mẫu với nhiều sản phẩm độc đáo. Chúng tôi đã có dịp đến và tìm hiểu về địa danh hết sức đặc biệt này.

Bài 1: Độc đáo “làng cá voi” bên bờ biển Quảng Bình

Làng Cảnh Dương xưa, nay là xã Cảnh Dương nằm bên bờ biển của huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình). Làng hiện có chín thôn (còn gọi là chòm) với lịch sử gần 375 năm. Theo tìm hiểu được biết, dân làng vốn có nguồn gốc từ Nghệ An, Thanh Hóa di cư vào đây và bao đời nay gắn liền với nghề biển. Vậy nên, nếu có dịp đến Cảnh Dương mà chưa được nghe kể chuyện về biển, chuyện về cá voi của làng thì quả là một điều thiếu sót.

Làng thờ cá voi

Mang những tò mò về cái tên “làng cá voi”, theo chỉ dẫn của nhiều người chúng tôi đến Cảnh Dương tìm gặp ông Hồ Quang Hướng (58 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Ngư dân xã Cảnh Dương). Được biết, ông Hướng hiện là người được dân làng tin tưởng giao cho trọng trách chăm sóc “Ngư Linh Miếu” nơi thờ “cá ông” -một địa chỉ tâm linh cực kỳ quan trọng của ngôi làng này.

"Ngư Linh Miếu", nơi người dân làng Cảnh Dương thờ "cá ông". Ảnh: Lê Chung

Biết chúng tôi có nhã ý tìm hiểu về văn hóa của làng, ông Hướng niềm nở đón tiếp nhưng không quên giải thích: “Gọi là “Hội Ngư dân” nhưng thật ra phải là “Hội Nông dân” mới đúng. Nói vậy để thấy nét đặc trưng của làng này là đa phần sống bằng nghề biển. Chuyện về cá voi của làng cũng gắn liền với cái nghề đi biển bao đời”.

Theo ông Hướng, cũng như nhiều ngôi làng biển khác, người làm nghề đánh cá ở làng Cảnh Dương quanh năm đối mặt với sóng gió ngoài khơi xa. Và những lúc gặp nạn thường có một loài cá xuất hiện cứu giúp ngư dân thoát chết. Đó chính là cá voi, loài cá mà theo họ là có suy nghĩ, có tình cảm và đặc biệt là sự cảm nhận và tâm linh như con người.

Chuyện cá voi cứu ngư dân gặp nạn trên biển không phải là những câu chuyện xa xôi, nhuốm màu huyền thoại. Đó đều là chuyện có thật đã gắn liền với cuộc sống người dân vùng biển. Cũng chính vì vậy mà người ngư dân luôn tôn thờ và hết mực yêu quý đối với loài cá này. Thế nhưng, đi suốt cả vùng biển miền Trung, để được gọi riêng với biệt danh “làng cá voi” thì có lẽ chỉ có duy nhất làng Cảnh Dương. Ở vùng quê biển này, người ngư dân gọi cá voi là “cá ông”,“cá bà” một cách đầy kính trọng theo tín ngưỡng vật linh. Niềm tin tâm linh đó như một phần máu thịt của dân làng.

Hai bộ xương cá voi khổng lồ được bày tả -hữu bên cạnh gian thờ trong "Ngư Linh Miếu". Ảnh: Lê Chung

Để giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về phong tục thờ cá voi của làng, ông Hướng dẫn mọi người đến thăm “Ngư Linh Miếu”. Nơi đây có hai bộ xương cá voi khổng lồ ước chừng nặng mấy chục tấn được bày tả hữu bên cạnh gian thờ. Theo các chuyên gia, đây được xem là hai bộ xương cá voi lâu đời nhất và lớn nhất Việt Nam với chiều dài có thể lên đến 27m, bề rộng gần 10m.

Thắp nén hương thành kính trước linh vật cứu người đi biển, ông Hướng cho hay đây chính là hai bộ xương của cá ông và cá bà đã “lụy” cách đây hàng trăm năm được người dân làng Cảnh Dương thỉnh về thờ tự. Đối với người dân Cảnh Dương, mỗi khi gặp cá voi bị mắc cạn thì đó là một điềm lành báo hiệu mùa ra khơi an hòa, cá tôm đầy thuyền. Những lúc như vậy, toàn thể dân làng hồ hởi giúp nhau đưa “cá thiêng” trở về với biển cả. Thế nhưng khi gặp cá voi chết, xác tấp vào bờ lại vô cùng thương xót. Cả vùng biển như gặp đại tang. Dân làng thành kính tổ chức hậu táng rồi đưa về chôn cất ở nghĩa trang cá voi của làng.

“Làng Cảnh Dương có hẳn một nghĩa trang cho cá voi, nếu muốn biết rõ hơn thì các anh hãy vào làng tìm gặp bà Mai quản trang. Với mấy chục năm chăm sóc mộ cho cá ông, cá bà, bà Mai là người am hiểu rõ nhất”, lời gợi ý của lão ngư Hướng khiến chúng tôi thêm phần tò mò.

Kỳ lạ nghĩa trang của cá

Theo lời chỉ dẫn của lão ngư thủ tự Ngư Linh Miếu, chúng tôi vào làng tìm gặp bà Nguyễn Thị Mai (42 tuổi, người có hơn 20 năm trông coi nghĩa trang cho cá). Trước lời đề nghị của những vị khách tò mò, bà Mai đã đồng ý dẫn chúng tôi đi thăm nghĩa trang đặc biệt này. Quả đúng là vậy, không ít lần cá voi chết dạt vào bờ được dân làng Cảnh Dương tổ chức lễ táng. Người dân xem đây là cái duyên, sự trùng hợp ngẫu nhiên khi thế đất của Cảnh Dương nhìn từ trên cao cũng như hình 2 con cá voi đang vẫy đuôi tiến vào bờ. Được tận mắt chứng kiến, chúng tôi không khỏi bất ngờ.

Nghĩa trang cá voi nằm bên bờ biển làng Cảnh Dương. Ảnh: Lê Chung

Nghĩa trang cá voi của làng Cảnh Dương hiện tại nằm sát bờ biển, hướng mình nhìn ra khơi xa. Ở giữa nghĩa trang có ngôi miếu nhỏ với 4 chữ lớn “Phụng vị ngư hào”. Nơi đây có cả thảy 24 ngôi mộ cá, tất cả đều nằm gọn trong một khuôn viên xây dựng bằng tường rào vững chắc. Mộ cá trong nghĩa trang được cắm bia, đặt tên và chăm sóc chu đáo không khác gì nghĩa trang dành cho người.

Bà Mai cho hay, cho đến bây giờ ngay cả những bậc cao niên trong làng cũng không rõ nghĩa trang này có từ khi nào. Chỉ biết là nó tồn tại đã từ rất lâu lắm rồi.

“Người dân Cảnh Dương coi trọng cá voi như người, thậm chí còn tôn thờ hơn cả người. Vì người thì có dăm ba loại, nhưng cá này thì chỉ một loại, loại cá cứu người, cứu dân chài đi biển. Vậy nên khi cá gặp nạn thì làm đám tang trọng thể lắm, đó như là đạo lý ở biển”, bà Mai nói.

Bà Mai thành kính dâng hương ở miếu thờ nằm giữa nghĩa trang cá voi của làng. Ảnh: Lê Chung

Cũng bởi coi trọng đạo lý nên mỗi khi có cá voi “lụy” vào bờ, dân làng Cảnh Dương lại chung tay đưa cá về với “ngôi nhà” trước biển. Công việc này cũng phải qua nhiều nghi thức khác nhau. Trước khi hạ táng, cá voi được tắm sạch sẽ bằng nước nấu từ nhiều loại hoa. Tại đây, dân làng tổ chức hát chèo cạn với những câu hò cầu mong đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn. Rồi tùy theo kích thước của cá mà chọn ra những trai tráng khỏe mạnh, chưa có gia đình để làm lễ đưa “ngài” về nơi an nghỉ cuối cùng.

Ngư dân Cảnh Dương xưa nay trước khi ra khơi vẫn hay đến Ngư Linh Miếu hoặc nghĩa trang cá voi của làng để cầu bình an. Hàng năm cứ đến dịp rằm tháng Giêng, lễ hội cầu ngư cũng được dân làng tổ chức rất trọng thể. Và bao giờ cũng thế, xong lễ cầu ngư thì mọi người thường tìm đến nghĩa trang cá voi thắp một nén hương để thể hiện lòng biết ơn và tôn kính đối với loài cá thiêng hay cứu giúp người. Thói quen này đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh được dân làng gìn giữ suốt nhiều đời qua.

Lê Chung

Bài 2: Ngư dân Cảnh Dương và món “bảo bối” đi biển truyền đời

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ