(Tổ Quốc) - Sau hai năm thực hiện triển khai hai Đề án đào tạo nguồn nhân lực của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL), công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Bộ đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Thành công ban đầu trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Năm 2016, hai Đề án về Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hoá nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030 (Đề án 1437) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là những tiền đề tốt đẹp giúp ngành phát triển công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật chất lượng cao đồng thời cũng đặt ra những nhiệm vụ mới, đòi hỏi sự năng động, sáng tạo và tận tâm từ các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật.
Sau gần 30 năm gián đoạn trong việc tuyển chọn và đưa các sinh viên, học viên cao học có tài, có năng lực, có tâm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (VHNT)- Thể dục thể thao (TDTT) - Du lịch (DL) ra nước ngoài đào tạo, năm 2018 là một năm đánh dấu sự trở lại thành công trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực thuộc Bộ.
Trong tháng 8/2018 đã có 6/15 ứng viên đủ điều kiện đào tạo theo chương trình Đề án 1437 được trao Quyết định cử đi học Đại học ở nước ngoài trong lĩnh vực Âm nhạc và Điện ảnh. 6 ứng viên được cử đi đào tạo ở nước ngoài đợt này được học tập tại Trường Đại học Webster, Hoa Kỳ.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải trao giải Nhất cho thí sinh trong cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội lần thứ IV do Học viện Âm nhạc Quốc gia tổ chức. Ảnh: Nam Nguyễn
Đánh giá về kết quả bước đầu này, bà Đặng Thị Bích Liên (nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL) cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ VHTTDL cử sinh viên tài năng đi học tập ở nước ngoài theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để có được kết quả này, Bộ đã rất nỗ lực cùng các cơ sở đào tạo thuộc Bộ, Vụ Đào tạo và các đơn vị chức năng xây dựng đề án, thúc đẩy đề án thành hiện thực. Việc lựa chọn được các ứng viên để cử đi đào tạo ở nước ngoài đáp ứng được các yêu cầu của Đề án là một vinh dự lớn, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Nguồn nhân lực luôn là yếu tố then chốt để xây dựng các kế hoạch phát triển ngành. Chú trọng đến nguồn nhân lực cũng là một trong những mục tiêu mà ngành VHTTDL đặt lên vị trí hàng đầu trong các hoạt động của ngành, đây cũng là một trong những kết quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực đào tạo của Bộ VHTTDL trong năm 2018. Cũng cần phải khẳng định lại, có được kết quả đưa sinh viên, học viên cao học (đào tạo trình độ thạc sĩ) ra nước ngoài đào tạo là nỗ lực của cả ngành trong nhiều năm qua.
Kết quả của một quá trình tuyển chọn khắt khe
Để triển khai Đề án 1437, Bộ VHTTDL đã có công văn số 2481/BVHTTDL-ĐT về việc tuyển sinh đi học đại học, thạc sĩ lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài năm 2018, với tổng cộng 54 chỉ tiêu đào tạo (đại học 45 chỉ tiêu, thạc sĩ 9 chỉ tiêu) gồm: 16 chỉ tiêu ngành âm nhạc, 27 chỉ tiêu ngành sân khấu - điện ảnh, 5 chỉ tiêu ngành mỹ thuật, 4 chỉ tiêu ngành múa, 1 chỉ tiêu ngành xiếc và 1 chỉ tiêu ngành sáng tác văn học.
Đối tượng dự tuyển là giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên, cán bộ, văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên là công dân Việt Nam đang học tập, công tác tại các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, đơn vị văn hoá nghệ thuật trong nước; Lưu học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài thuộc lĩnh vực văn hoá nghệ thuật.
Bà Đặng Thị Bích Liên - Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL. Ảnh: Minh Khánh
Chia sẻ về kết quả này, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Lê Thị Thu Hiền cho biết đây là những cố gắng, nỗ lực của cả tập thể lãnh đạo Bộ cũng như các cán bộ làm công tác đào tạo, giảng dạy, các cán bộ làm việc tại các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ trong suốt thời gian dài. Kể từ những năm 1970-1980, nguồn nhân lực của ngành, đặc biệt nhân lực trong lĩnh vực VHNT được Chính phủ quan tâm, cử đi đào tạo ở nước ngoài, nhiều người sau khi trở về nước đã có những đóng góp cho ngành, tạo nên sự phát triển của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, có được những thành tựu đáng kể, trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác giảng dạy đào tạo của các trường, tạo dựng được tên tuổi và giữ được "hồn" của các môn nghệ thuật đã được đào tạo. Hàng loạt những nghệ sĩ nổi tiếng, giành được những danh hiệu và giải thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như: NSND Trung Kiên; NSƯT Hoàng Dương; Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Thu Hà; GS. NSND Bùi Gia Tường; GS, Nhà giáo Ưu tú Vũ Hướng; NSƯT Nguyễn Thị Hồng Ngát (Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật); NSND Nguyễn Hải Ninh (Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật) , PGS. TS Trần Thanh Hiệp… là những minh chứng thực tế.
Tuy nhiên, từ đầu những năm 1990, việc tuyển chọn các ứng viên để cử đi đào tạo ở nước ngoài bị gián đoạn do những nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan mặc dù Chính phủ vẫn có những Đề án đưa nhân lực ra nước ngoài đào tạo như Đề án 322, Đề án 599, Đề án 911… nhưng ngành cũng chưa có ứng viên nào đáp ứng được các tiêu chí của các đề án này nên không có nhân lực trong lĩnh vực VHNT được thụ hưởng.
Trước thực trạng đó, Bộ đã nỗ lực xây dựng Đề án và đến năm 2016, Đề án 1437 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án bắt đầu khởi động từ năm 2017, Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL đã xây dựng quy chế tuyển chọn, tiêu chí chuyên môn, điều kiện về ngoại ngữ sau đó phổ biến tới các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ trên cả nước. Trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo thực hiện việc tuyển chọn ra những cá nhân có năng lực, ứng tuyển cho Đề án.
Song song với việc thông báo tuyển chọn ứng viên là việc tìm hiểu, lựa chọn các cơ sở đào tạo có chất lượng cao ở nước ngoài, tại các nước tiên tiến như: Nga, Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... những nước có ký kết hợp tác về giáo dục với Chính phủ Việt Nam để đảm bảo văn bằng sau đào tạo tại các cơ sở này sau khi về nước sẽ được công nhận tương đương.
Quy trình tuyển chọn khắt khe, sau nhiều bước, các cơ sở đào tạo sẽ căn cứ theo điều kiện, đối tượng, tiêu chuẩn đề ra với mỗi trình độ mà ứng viên sẽ nộp hồ sơ ứng tuyển theo quy định. Các hồ sơ ứng tuyển sẽ phải xét qua từng cấp, từ cấp cơ sở đến cấp Bộ rồi cấp quốc gia, mỗi bước được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo công bằng, khách quan.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL trao Quyết định cho các ứng viên được đi đào tạo ở nước ngoài. Ảnh: Hồng Gấm
Về phía nước ngoài cũng thực hiện việc tuyển chọn chặt chẽ, theo đúng tiêu chí và yêu cầu tuyển chọn đầu vào của từng cơ sở đào tạo. Trong quá trình tuyển chọn các ứng viên Việt Nam, nhiều cơ sở đào tạo phía nước ngoài cũng đã cử các đoàn sang Việt Nam để kiểm tra năng lực ứng viên theo các tiêu chuẩn đầu vào của trường.
Với những điều kiện tuyển chọn khắt khe và khó như vậy nên trong gần 40 hồ sơ từ các Hội đồng cơ sở gửi lên Bộ đợt đầu tiên, qua Hội đồng cấp Bộ được lựa chọn gửi sang nước ngoài thì mới có 15 hồ sơ ở hai lĩnh vực Điện ảnh và Âm nhạc đạt điều kiện và yêu cầu tuyển chọn của phía nước ngoài.
Bà Lê Thị Thu Hiền cũng cho biết thêm, đợt đầu tuyển chọn 15 ứng viên đạt điều kiện và được cử đi đào tạo, các ứng viên này sẽ lần lượt sang các cơ sở đào tạo ở nước ngoài trong thời gian phù hợp. Cụ thể, tại Mỹ có 6 sinh viên và 1 học viên đào tạo trình độ thạc sĩ; tại Nga có 7 sinh viên đào tạo đại học ở lĩnh vực âm nhạc và tại Úc có 1 sinh viên. Sau khi các học viên nhận Quyết định cử đi đào tạo, Bộ VHTTDL cũng đã phối hợp với Bộ GDĐT, Bộ Công an tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị để nâng cao nhận thức về chính trị, an ninh văn hóa cho các ứng viên này.
Vẫn còn nhiều cơ hội cho các ứng viên chất lượng
15 ứng viên đạt điều kiện và được cử đi đào tạo tại nước ngoài có thể xem là 'trái ngọt' sau 2 năm Bộ VHTTDL nỗ lực thực hiện triển khai Đề án 1437, tạo đà cho công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới. Để tiếp tục triển khai Đề án này, sau khi cử ứng viên ra nước ngoài đào tạo đợt 1, hiện Bộ VHTTDL đang tiếp tục cân đối và thông báo tuyển tiếp đợt 2 để có được những ứng viên chất lượng.
Ảnh: Nam Nguyễn
Từ những thành công đã đạt được, công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành sẽ tiếp tục được phát huy và triển khai. Hàng trăm chỉ tiêu được xác định theo Đề án về Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tuyển sinh và đào tạo được khoảng 1.800 sinh viên đại học; trên 200 sinh viên cao đẳng và khoảng 1.500 học sinh trung cấp theo học các lớp tài năng thuộc các lĩnh vực, ngành đào tạo của Đề án; và Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hoá nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030 (sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 1240/QĐ-TTg ngày 25/9/2018) với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài nhằm bổ sung và phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên, chuyên gia, văn nghệ sĩ, nguồn nhân lực chất lượng cao, nòng cốt cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn văn hóa nghệ thuật của đất nước.
Cùng với những kết quả đáng ghi nhận trong công tác tuyển sinh, đào tạo của khối các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ trong năm 2018 như Đại học Văn hóa, Đại học Sân khấu, Điện ảnh, Học viện Âm nhạc quốc gia, các trường khối Du lịch… chắc chắn những khó khăn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành sẽ từng bước được khắc phục, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành sẽ đạt được nhiều thành công, tạo ra một đội ngũ những lao động có chất lượng, làm nòng cốt để tiếp tục góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển các ngành VHNT-TDTT-DL của nước nhà.