(Tổ Quốc)-Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nhận định, nếu đi đúng hướng, du lịch có thể đem đến nguồn thu và sự tăng trưởng nhanh chóng, góp phần thay đổi diện mạo của Cao Bằng.
- 24.02.2017 Vụ du khách tử nạn tại Hang Cọp: Hướng dẫn viên chưa được cấp thẻ
- 24.02.2017 Vụ tai nạn tại Thác Hang Cọp: Tổng cục Du lịch đề nghị Lâm Đồng điều tra, báo cáo trước 26/2
- 24.02.2017 Cơ hội mua tour Nhật Bản thấp kỷ lục tại Ngày hội Du lịch Nhật Bản 2017
- 24.02.2017 Đoàn khách nước ngoài đông nhất từ trước đến nay chinh phục Fansipan
- 24.02.2017 Bộ VHTTDL đề nghị Lâm Đồng khẩn trương điều tra vụ du khách tử nạn tại Hang Cọp
Ngày 24/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với tỉnh Cao Bằng. Cùng dự có Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao, Cục Di sản văn hóa, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Vụ Kế hoạch tài chính.
Báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại buổi làm việc, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới, có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài trên 333 km, phía Tây giáp 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn. Địa phương cũng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử. Các giá trị văn hóa – nghệ thuật, dân ca, dân nhạc, dân vũ, dân gian truyền thống được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy giá trị. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 251 di tích, trog đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích xếp hạng quốc gia, 66 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Với địa hình phong phú, đa dang, Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, mang đậm nét hoang sơ, là tiềm năng thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch lịch sử cách mạng, du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng…
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì cuộc họp |
Ngoài ra, Cao Bằng có cửa khẩu quốc tế Tà Lùng và 3 cửa khẩu chính; Trà Lĩnh, Sóc Giang và cửa khẩu Lý Vạn cùng nhiều cặp chợ biên giới giao thương với Quảng Tây, Trung Quốc.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh, trong năm 2016, ngành VHTTDL của tỉnh Cao Bằng đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đạt được kết quả quan trọng, tôn vinh các giá trị văn hóa, góp phần hình thành sản phẩm văn hóa – du lịch hấp dẫn, thúc đẩy sự phát triển du lịch địa phương. Trong năm qua, tỉnh đã phối hợp với Viện Âm nhạc xây dựng Bộ hồ sơ đăng ký quốc gia “Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam” trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Xây dựng hồ sơ Lễ hội Nàng Hai trình Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Đôi chuông chùa Viên Minh và Đền Quan Triều được công nhận là Bảo vật quốc gia; 10 nghệ nhân của tỉnh được Chủ tịch nước Quyết định truy tặng, phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh |
Về lĩnh vực Thể dục Thể thao, tỉnh Cao Bằng cũng đã có vận động viên tham gia các giải đấu khu vực, toàn quốc và quốc tế, đạt 145% kế hoạch được giao, kết quả đạt 2 HCV, 5 HCB, 6 HCĐ.
Về lĩnh vực du lịch, lượng khách du lịch đến Cao Bằng trong năm 2016 đạt hơn 741 ngàn lượt, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 103% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 40 ngàn lượt, tăng 11%; khách nội địa đạt 701 ngàn lượt, tăng 13,6%. Doanh thu từ du lịch đạt 146,7 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ…
Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, do điều kiện kinh tế khó khăn, tỉnh Cao Bằng vẫn còn nhiều hạn chế trong việc phát triển văn hóa, thể thao và du lịch. Mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế; kinh phí hoạt động văn hóa – thể thao ở cơ sở còn thấp và chưa kịp thời; hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa tương xứng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; Công tác xã hội hóa các hoạt động VHTTDL còn hạn chế, chưa huy động tốt nguồn lực của xã hội đầu tư vào các lĩnh vực này; chất lượng dịch vụ tại một số khu, điểm du lịch còn chưa đảm bảo; Các địa phương có di tích đề nghị xếp hạng còn khó khăn về kinh phí để lập hồ sơ di tích…
Nhân dịp này, tỉnh Cao Bằng đã có một số đề xuất, kiến nghị đối với Bộ VHTTDL để thực hiện tốt mục tiêu phát triển lĩnh vực VHTTDL trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Đề nghị Bộ có ý kiến đề nghị Chính phủ sớm ban hành Kế hoạch thực thi Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Đức Thiên); đồng thời ban hành Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và quy hoạch chi tiết khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc…; Cho chủ trương lập hồ sơ công nhận Khu di tích Chiến thắng Biên giới 1950 huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng là Khu di tích quốc gia đặc biệt; phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Cao Bằng đầu tư tu bổ, tôn tạo Khu di tích Di tích lịch sử chiến thắng Biên giới 1950, huyện Thạch An, Cao Bằng; Cân đối bố trí phần vốn sự nghiệp thực hiện các nhiệm vụ chi thuộc chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020 và chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016-2020 để quan tâm, cân đối cấp kinh phí đầu tư cho một số dự án về văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đóng góp ý kiến tại buổi làm việc |
Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ đã đưa ra những đánh giá, góp ý thẳng thắn về những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Cao Bằng trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn góp ý, Cao Bằng cần tập trung đầu tư vào hai điểm đến có tính chất then chốt của địa phương là Thác Bản Giốc- là một trong những thác đẹp nhất Việt Nam và Đông Nam Á và Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Pó gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, tỉnh cần hoàn thiện các quy hoạch cảnh quan của các khu, điểm du lịch, tìm kiếm những nhà đầu tư tầm cỡ và chiến lược cho du lịch. Về phía Tổng cục Du lịch, ông Tuấn khẳng định sẽ phối hợp với tỉnh và các cơ quan chuyên môn hỗ trợ Cao Bằng trong công tác nghiên cứu và xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và quảng bá xúc tiến.
Đánh giá cao kết quả về VHTTDL mà Cao Bằng đã đạt được trong năm 2016, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, quan điểm của Bộ là chia sẻ và ủng hộ hết mình đối với Cao Bằng trong việc tạo điều kiện phát triển về VHTTDL.
Toàn cảnh cuộc họp |
Bộ trưởng nhấn mạnh, với hơn 300 km đường biên giới và 4 cửa khẩu, Cao Bằng đang có tiềm năng để đẩy mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là thu hút du khách Trung Quốc. Nếu đi đúng hướng, du lịch có thể đem đến nguồn thu và sự tăng trưởng nhanh chóng, sự phát triển kinh tế ổn định và thậm chí có thể góp phần mạnh mẽ để thay đổi diện mạo của Cao Bằng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng góp ý Cao Bằng cần quan tâm đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật, có chính sách đầu tư cho các đoàn nghệ thuật truyền thống của tỉnh. Bộ trưởng khẳng định, đầu tư cho văn hóa cũng chính là cách để đầu tư lâu dài và bền vững cho du lịch và kinh tế của Cao Bằng. Trong lĩnh vực thể thao, Bộ trưởng cho rằng Cao Bằng cần tập trung đầu tư vào một số bộ môn thành tích cao mà Cao Bằng có lợi thế, song song với việc phát huy thể thao quần chúng. Bộ trưởng khẳng định, Bộ VHTTDL sẽ hỗ trợ Cao Bằng hết sức trong khả năng để có thể đạt được bước đột phá về VHTTDL trong thời gian tới./.
Lâm Minh
Ảnh: Nam Nguyễn- Minh Khánh