• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cao Bằng: Phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc

Thời sự 16/01/2023 20:09

(Tổ Quốc) - Chiều 16/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng về kết quả công tác, phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023 và một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

Trước đó, tại huyện Quảng Hòa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm, chúc Tết, tặng quà các mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, hộ nghèo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, Đồn Biên phòng cửa khẩu Tà Lùng; khảo sát thực địa dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh và việc triển khai khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng.

Cao Bằng: Phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng chiều 16/1 - Ảnh: Nhật Bắc

Cao Bằng có nền văn hóa đặc sắc với nhiều giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật, dân gian truyền thống

Tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh đã báo cáo về kết quả công tác, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và trình bày các đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương.

Lãnh đạo bộ, ngành đã phát biểu làm rõ hơn các thành tựu, kết quả, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, phân tích về tiềm năng, lợi thế, bổ sung, gợi mở định hướng, giải pháp, tập trung vào các đột phá để tỉnh tiếp tục khơi thông nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững, đồng thời trả lời các kiến nghị của tỉnh.

Phân tích thêm về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Cao Bằng, các đại biểu cho rằng, với diện tích 6.700 km² (thứ 17/63), Cao Bằng có vị trí chiến lược trọng yếu, là "phên giậu" biên cương phía bắc của Tổ quốc, được Bác Hồ chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên.

Cao Bằng: Phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh báo cáo tại cuộc làm việc với Thủ tướng chiều 16/1 - Ảnh: Nhật Bắc

Tỉnh có nền văn hóa đặc sắc của 27 dân tộc anh em, với nhiều giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật, dân gian truyền thống. Có 214 di tích (03 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích xếp hạng cấp quốc gia).

Nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, nhiều mỏ có trữ lượng lớn (sắt, mangan, chì, kẽm, vật liệu xây dựng…) là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế.

Thiên nhiên hùng vĩ, bao la, núi rừng hoang sơ, nhiều thác nước, hang, động kỳ thú, tạo cảnh quan độc đáo, cuốn hút. Nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng (thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Hồ Thang Hen, công viên địa chất Non Nước, núi Mắt Thần, rừng quốc gia Phịa Oắc-Phịa Đén…).

Dân số tuy ít khoảng 538.000 người (thứ 61/63) nhưng người Cao Bằng có nhiều phẩm chất tốt đẹp, giàu truyền thống yêu nước là điểm tựa vững chắc để xây dựng, phát triển quê hương Cao Bằng giàu đẹp.

Phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn

Phát biểu chỉ đạo cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2023, tình hình có thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; những khó khăn nội tại của nền kinh tế vẫn còn. Thủ tướng mong muốn và tin tưởng Cao Bằng chia sẻ những khó khăn này với đất nước, từ đó tự lực cánh sinh vươn lên, không trông chờ, ỷ lại.

Thủ tướng cơ bản đồng ý các nhiệm vụ, chủ yếu đã nêu trong báo cáo và ý kiến của các đại biểu, đồng thời lưu ý một số trọng tâm, mà trước hết là tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh khác.

Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa an toàn gắn với quy chuẩn, tiêu chuẩn hóa và truy xuất nguồn gốc; thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng diện tích các loại cây có giá trị kinh tế, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, chế biến gỗ.

Nâng cao giá trị gia tăng công nghiệp chế biến khoáng sản; đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông sản, thu hút các ngành công nghiệp mới. Chú trọng đầu tư hạ tầng cho phát triển công nghiệp; nâng cao hiệu quả khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Thủ tướng nhấn mạnh, khu kinh tế cửa khẩu của Cao Bằng đã được phê duyệt quy hoạch vào tháng 3/2022, đây chính là động lực phát triển mới của tỉnh Cao Bằng, cần tập trung xây dựng.

Phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, với các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, điều kiện tự nhiên, nhất là du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…

Cao Bằng: Phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: Nhật Bắc

Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ; chú trọng chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử để nâng cao khả năng kết nối, quảng bá và mở rộng thị trường, tạo đầu ra bền vững cho các sản phẩm địa phương.

Xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục hạn chế. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối.

Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, nâng cao xếp hạng về năng lực cạnh tranh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng chính quyền số, đẩy mạnh dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và tỉnh Cao Bằng cùng vào cuộc để hoàn thành việc xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn trong năm 2023-2024.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên số 1 để khởi công thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức hợp tác công tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, ưu tiên bố trí vốn Trung ương cho dự án này, sau khi hoàn thành tuyến đường này sẽ xem xét triển khai các dự án đường bộ khác.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ