(Tổ Quốc) - Được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đã được Sở VHTTDL triển khai nghiêm túc, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác gia đình trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, theo Báo cáo Kết quả thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg ngày 30/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai tới lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố; ban hành Chỉ thị về việc tổ chức triển khai thi hành Luật trên địa bàn tỉnh; xây dựng và triển khai Kế hoạch PCBLGĐ giai đoạn 2008- 2010; Kế hoạch Thực hiện "Chương trình hành động quốc gia về PCBLGĐ đến năm 2020"; ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp.
Hàng năm UBND tỉnh đều có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến Luật nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11).
Trên cơ sở Kế hoạch, hướng dẫn của Tỉnh, các huyện, thành phố, đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Luật PCBLGĐ, đưa nội dung tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình vào kế hoạch, chương trình phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm của địa phương. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đều nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác PCBLGĐ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó đã xác định được vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCBLGĐ; đã chủ động xây dựng kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của sở, ngành, địa phương.
Sở VHTTDL đã tổ chức quán triệt, triển khai, phổ biến nội dung văn bản quy phạm pháp luật về PCBLGĐ đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, chủ động xây dựng các hoạt động tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình và triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về bạo lực gia đình, bình đẳng giới được nâng lên rõ rệt. Ý thức của người dân, đặc biệt là nam giới trong vấn đề PCBLGĐ đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực, nam giới ngày càng nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bền vững. Đồng thời, người dân, cộng đồng cũng thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia phát hiện, tố cáo các hành vi bạo hành gia đình với cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp, xử lý.
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về PCBLGĐ được đẩy mạnh với nhiều hình thức như: tuyên truyền miệng, cổ động trực quan, xe loa, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, hội thi, hội diễn tuyên truyền luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền thông qua các buổi họp, sinh hoạt thường kỳ của cơ quan, đơn vị, xóm, tổ dân phố…
Nhìn chung, công tác gia đình đã được các cấp, các ngành, đoàn thể quan tâm triển khai, thực hiện có hiệu quả. Các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức đổi mới và nội dung phong phú đa dạng đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức, làm thay đổi hành vi của chính quyền các cấp, ban ngành, đoàn thể góp phần tác động đến hành vi của cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Các vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng được xử lý và kịp thời ngăn chặn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh.