(Tổ Quốc) - Tất cả các hướng vào đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đều được trang bị hệ thống cân thông minh, đó là các trạm cân của hãng Kistler Thụy Sỹ. Các xe quá tải sẽ bị từ chối phục vụ, ra khỏi đường cao tốc bằng hệ thống đường dẫn riêng mà không ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông khác trên tuyến cao tốc.
Trong chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 162/2002/QĐ-TTg và Quyết định số 206/2004/QĐ-TTg, tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ cùng các đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lạng Sơn, trở thành mạng lưới đường cao tốc xuyên suốt vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc; thúc đẩy, hỗ trợ các địa phương trong khu vực khai thác triệt để những tiềm năng sẵn có.
Ứng dụng hiệu quả hệ thống giao thông thông minh
Ông Trần Anh Tú, Phó TGĐ Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cho biết, tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hiện đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, các thiết bị ngoại vi theo công nghệ của Mỹ và Nhật Bản. Các máy chủ sử dụng công nghệ ảo hóa kết hợp điện toán đám mây. Hệ thống cáp quang với băng thông lớn, đảm bảo truyền tải khối lượng dữ liệu lớn trong cùng một lúc.
Theo đó, dọc tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có hơn 300 camera, trong đó có 58 camera giám sát hành trình, 12 camera đo đếm tốc độ tự động xử lý…Hệ thống camera giám sát (CCTV), hệ thống nhận dạng và đo đếm phương tiện, hệ thống đo tốc độ tự động, hệ thống hiển thị thông tin trực tuyến (VMS), hệ thống kiểm soát tải trọng, hệ thống thông tin liên lạc được kết nối bằng cáp quang về trung tâm điều hành để từ đó có những bước xử lý, lưu trữ tiếp theo...
Hệ thống camera giám sát (CCTV) thực hiện 3 công việc chính là: Giám sát giao thông, hệ thống camera CCTV dọc tuyến, camera dò xe, hệ thống giám sát tải trọng xe, hệ thống biển báo hiệu điện tử và Trung tâm điều hành tuyến; Thu phí, gồm hệ thống thu phí khép kín, hệ thống điện thoại liên lạc nội bộ; Mảng phụ trợ bao gồm hệ thống truyền dẫn, hệ thống cung cấp nguồn, và hệ thống bổ sung như loa phát thanh, camera giám sát cầu vượt.
“Trong đó, quan trọng nhất là hệ thống camera quan sát dọc tuyến, camera dò xe. Hệ thống này có thể phát hiện những điểm bất thường trên đường như ùn tắc, tai nạn, dàn xe, quay đầu xe trái phép… Hệ thống camera quan sát dọc tuyến gồm 58 camera tự động quay quét có bán kính quan sát trên 1km, có thể phóng to 32 lần, có cơ chế chống rung, giúp quan sát tất cả các hoạt động trên đường cao tốc”, ông Trần Anh Tú nhấn mạnh.
Tại Trung tâm điều hành tuyến, các kỹ sư của trung tâm luôn trực trước màn hình 24/24h, để tiếp nhận những thông tin được gửi về từ hệ thống camera giám sát, camera bắn tốc độ, đo trọng tải... Tại đây, các kỹ sư có thể "truy tìm" đến từng biển số xe, các thông số kỹ thuật....
Cũng theo ông Trần Anh Tú, tất cả các lối vào của đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đều được trang bị hệ thống cân thông minh, đó là các trạm cân của hãng Kistler Thụy Sỹ. Mọi thông số sẽ được truyền thẳng về trung tâm điều hành như quá tải bao nhiêu, biển số xe...Các xe quá tải sẽ bị từ chối phục vụ, ra khỏi đường cao tốc bằng hệ thống đường dẫn riêng mà không ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông khác trên tuyến cao tốc. "Hiện tại, một ngày trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chúng tôi đang cân trọng tải của hàng nghìn xe. Ví dụ như ngày 22/8, cân được 1.808 xe, trong đó có 35 xe quá tải", Phó TGĐ Vidifi cho biết.
Với việc triển khai ứng dụng hệ thống giao thông thông minh này, toàn bộ những hình ảnh về vi phạm giao thông, xe quá trọng tải…đều được ghi lại đầy đủ chính xác, từ đó phía cảnh sát giao thông của các địa phương nơi tuyến đường chạy qua sẽ có căn cứ để xử phạt các chủ phương tiện vi phạm một cách khách quan và chuẩn xác. Đồng thời, những sự cố về giao thông, phương tiện xảy ra trên tuyến đường sẽ nhanh chóng được đội cứu hộ đến “ứng cứu” giải quyết, để đảm bảo lưu thông thông suốt trên toàn tuyến.
Cùng với việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông, tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cũng đang triển khai nhiều dịch vụ (phụ trợ) theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó không thể không nhắc tới các trạm nghỉ, dừng trên tuyến cao tốc này.
Trạm dừng nghỉ theo tiêu chuẩn 5 sao trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Ảnh Vi Phong |
Hiện tại trên tuyến cao tốc này có 02 trạm nghỉ dừng được thiết kế và phục vụ theo tiêu chuẩn 5 sao. Hai trạm dừng nằm đối diện nhau, phục vụ cả ngày lẫn đêm, được khai trương từ cuối năm 2017.
Các phương tiện lưu thông theo hướng Hà Nội đi Hải Phòng khi qua nút giao quốc lộ 38B khoảng 2 km, sẽ có lối rẽ phải để vào trạm dịch vụ V52. Các phương tiện lưu thông theo hướng Hải Phòng đi Hà Nội, đến trước nút giao quốc lộ 38B khoảng 3 km có lối rẽ phải để vào trạm dịch vu.
Trạm dừng nghỉ được thiết kế và xây dựng tiêu chuẩn cao, bãi đỗ xe rộng 1,5 ha, có thể phục vụ được 90 xe cỡ nhỏ (xe du lịch), 40 xe cỡ lớn (xe khách, xe bus) và 10 xe container.
"Đây là một trong những trạm dịch vụ lớn nhất Việt Nam, phục vụ các dịch vụ miễn phí như nhà vệ sinh, khu ngồi nghỉ, bãi đỗ xe cũng như các dịch vụ ăn uống, mua sắm cho hành khách lưu thông trên cao tốc.", ông Trần Anh Tú nói.
Khu vực nghỉ uống nước của lái xe, hành khách tại trạm dừng nghỉ : Ảnh Vi Phong |
Góp phần thúc đẩy hành lang kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Một đoạn của tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhìn từ trên cao: Ảnh Việt Hùng |
Chính thức thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2015, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã và đang mang lại những tiện ích rõ rệt cho các phương tiện tham gia giao thông trên trục Hà Nội – Hưng Yên – Hải Dương - Hải Phòng, góp phần phát triển khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cùng với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lạng Sơn và sắp tới là tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long tạo thành mạng lưới đường cao tốc của Bắc Bộ; đảm bảo an toàn giao thông, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tỉnh phía bắc: Hà Nội đi Hải Phòng (Cảng Đình Vũ) 53 phút. Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng còn nằm trên tuyến hành lang đường bộ Châu Á, ASEAN góp phần thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa các nước Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) và thỏa thuận hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” Việt– Trung, kết nối cảng biến quan trọng phía Bắc Việt Nam với các tỉnh phía Nam Trung Quốc; tạo thuận lợi cho việc tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch, giao lưu văn hoá và giúp cho việc điều tiết lưu lượng phương tiện giao thông, giảm áp lực về lưu lượng cho các tuyến Quốc lộ 5, Quốc lộ 10, QL38B, QL39, Vành đai 3 và hệ thống các đường tỉnh lộ trong khu vực.
"Dọc hai bên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ngay từ thời điểm khởi công, nhiều nhà đầu tư lớn đã tìm về và đã hình thành nên những khu công nghiệp, khu kinh tế lớn, thành phố thông minh… của các nhà đầu tư trong và ngoài nước như như Vingroup, Sungroup…Đầu tháng 9 tới, sau khi kết nối cùng tuyến cao tốc Hải Phòng – Hạ Long. Giúp giảm thời gian đi lại từ Hà Nội về Quảng Ninh từ hơn 4 tiếng xuống còn chưa tới 1,5 tiếng. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế đặc biệt là du lịch tại Quảng Ninh. Bởi theo một thông tin từ Tổng cục Du lịch thì trong số 10 khách nước ngoài đến Việt Nam thì có đến 8 người muốn đi Quảng Ninh”, ông Trần Anh Tú chia sẻ.
Hình ảnh nhìn từ trên cao hai trạm dừng nghỉ theo tiêu chuẩn 5 sao của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Ảnh Việt Hùng |
Theo quy hoạch xây dựng Vùng Duyên hải Bắc bộ đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 thì cần phát huy mọi tiềm năng lợi thế để phát triển Vùng Duyên hải Bắc Bộ thành vùng kinh tế tổng hợp (công nghiệp, du lịch và dịch vụ …) có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là chiến lược kinh tế biển Việt Nam. Phát huy vai trò vùng cửa ngõ hướng biển của miền Bắc Việt Nam trên cơ sở xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng cấp vùng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng an ninh, bảo đảm phát triển bền vững cho toàn Vùng.
Đến năm 2050 Vùng Duyên hải Bắc Bộ là vùng kinh tế quan trọng tầm quốc gia và quốc tế, có vị thế ảnh hưởng đặc biệt với Vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế Nam Trung Quốc và vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ, là một vùng trọng điểm của chiến lược biển Việt Nam. Là khu vực phát triển năng động, có môi trường đầu tư thuận lợi, chất lượng sống đô thị nông thôn cao. Đồng thời là trung tâm văn hóa – lịch sử, đào tạo nguồn nhân lực và là trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước có 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, với nhiều trang thiết bị công nghệ mới hiện đại. Trên tuyến có 39 vị trí giao cắt là cầu vượt hoặc hầm chui, 106 cống dân sinh và 164 km đường gom hai bên để kết nối các đường dân sinh địa phương. 9 cầu lớn vượt sông với tổng chiều dài 4,5 km, trong đó có cầu Lạch Tray dài 1,2km, cầu Thái Bình dài 822 m, cầu Thanh An dài 963m. Cao tốc đi qua 4 khu vực dân cư có bố trí hệ thống cách âm để giảm tiếng ồn.
Vi Phong