Xã hội hoá hoạt động biểu diễn là một chủ trương đúng đắn đã được Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đến năm 2010. Song, đây là một lộ trình đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư thích đáng của Nhà nước, các cơ quan chức năng, đặc biệt là nhận thức đúng đắn của chính giới nghệ sĩ để có trách nhiệm, hành động thiết thực vì mục tiêu đem đến cho công chúng một nền nghệ thuật chuyên nghiệp và phát triển hơn.
Xã hội hoá hoạt động biểu diễn là một chủ trương đúng đắn đã được Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đến năm 2010. Song, đây là một lộ trình đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư thích đáng của Nhà nước, các cơ quan chức năng, đặc biệt là nhận thức đúng đắn của chính giới nghệ sĩ để có trách nhiệm, hành động thiết thực vì mục tiêu đem đến cho công chúng một nền nghệ thuật chuyên nghiệp và phát triển hơn.
Không phải cho đến bây giờ, vấn đề xã hội hoá mới được đặt ra đối với nghệ thuật biểu diễn mà từ rất lâu, nó đã được manh nha một cách tự phát trong hoạt động lưu diễn của các gánh hát. Tuy vậy, đây mới chỉ là một hình thức xã hội hoá nghệ thuật ở tầm thấp, thiếu chuyên nghiệp với quy mô nhỏ lẻ. Khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, xã hội phát triển hơn, nhu cầu văn hoá nghệ thuật của con người cũng ngày càng cao hơn thì vấn đề xã hội hoá nghệ thuật biểu diễn một cách có quy mô càng trở thành yêu cầu bức thiết, nhất là khi công chúng đang không mấy mặn mà với hoạt động của các nhà hát.
Xã hội hoá – Con đường cất cánh tất yếu của nghệ thuật biểu diễn
Đã một thời gian dài, được nuôi dưỡng, ấp ủ dưới bầu sữa bao cấp, nền nghệ thuật biểu diễn của chúng ta bị “ngủ vùi” trong dư âm của một thời “Vang bóng”, các nhà hát thiếu vắng người xem, sân khấu thiếu vở diễn hay, những vở đã dựng xong thì “đắp chiếu” nằm trong kho ngày này qua ngày khác, người lãnh đạo chỉ đơn giản là người chia đều phần “bánh ga-tô” mà Nhà nước cấp, nhiều diễn viên, nghệ sĩ không sống được bằng đúng nghề. Đáng buồn hơn là thói ỷ lại, thụ động, thiếu sáng tạo ăn sâu vào một bộ phận không nhỏ những người nghệ sĩ, diễn viên, biến họ thành một thứ lãng công, một dạng công chức lười biếng chứ không phải là những người nghệ sĩ thực thụ. Chính những người nghệ sĩ thiếu năng động, sáng tạo và nhiệt huyết sẽ góp phần tạo nên một nền nghệ thuật trì trệ…
Có thể khẳng định chỉ có xã hội hoá mới cứu được nghệ thuật thoát khỏi sự trì trệ và xuống cấp, đồng thời thúc đẩy nghệ thuật phát triển, nó đã trở thành 1 giải pháp hàng đầu trong 5 nhóm giải pháp chính của Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đến năm 2010. Theo đó, một số đơn vị nghệ thuật Trung ương như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương sẽ chuyển đổi phương thức hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ, các đơn vị địa phương sẽ được sắp xếp lại để chỉ còn 58 trên tổng số 102 đoàn như hiện nay. Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích các thành phần ngoài công lập tham gia dưới mọi hình thức để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian, dân tộc; khuyến khích tập thể, tư nhân, liên doanh, liên kết xây dựng các rạp hát, trung tâm nghệ thuật, tổ chức hoạt động sân khấu nhỏ, kinh doanh trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, thành lập các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống, bác học, cổ điển; phát triển các đoàn nghệ thuật ngoài công lập do tập thể, tư nhân, gia đình thành lập.
Đâu là thuận lợi, đâu là thách thức?
Rõ ràng xã hội hoá nghệ thuật biểu diễn là sự huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào hoạt động sân khấu, góp phần giảm bớt sự phụ thuộc của các đơn vị nghệ thuật vào kinh phí bao cấp của Nhà nước; đồng thời đây cũng là cuộc thi tài của các nghệ sĩ, cũng như các nhà quản lý, nhà tổ chức biểu diễn trong hành trình đi đến tận cùng của sự sáng tạo và sự năng động để xây dựng nên những tác phẩm nghệ thuật hướng tới công chúng. Chủ trương xã hội hoá nhận được sự đồng tình của đông đảo giới nghệ sĩ và lãnh đạo các đoàn nghệ thuật; tuy nhiên, cho đến thời điểm này, không ít người còn tỏ ra lo ngại về việc cụ thể hoá các chế độ, chính sách đi kèm, băn khoăn về tính định hướng giáo dục thẩm mỹ của các tác phẩm trước sự chi phối của cơ chế thị trường…
Ông Trương Nhuận – Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: “Hiện nay chưa có ai xây dựng một kế hoạch cụ thể cho lộ trình xã hội hoá nghệ thuật biểu diễn, các nhà hát vẫn đang bàn cãi về ngân sách hoạt động từ nay cho đến 2010. Có lẽ khó khăn lớn nhất lúc này đối với các nhà hát vẫn là giải quyết chế độ chính sách cho số lao động dôi dư, có khoảng 1/3 số người trong biên chế ăn lương không thể tham gia các vai diễn vì đã nhiều tuổi nhưng lại chưa đến tuổi nghỉ hưu, trong khi đó rất nhiều nghệ sĩ trẻ đầy sức cống hiến thì lại không có cơ chế để thu nhận. Tôi nghĩ rằng xã hội hoá phải cân nhắc làm sao cho thật phù hợp với từng nhà hát, từng loại hình, nhà hát nào hoạt động có hiệu quả thì Nhà nước cần trang bị cho nó một cơ sở vật chất tốt để nó thực sự vững mạnh trước khi xã hội hoá từng phần. Đối với Nhà hát Tuổi trẻ, trước mắt có thể xã hội hoá mảng sân khấu hài… Còn những mảng mang yếu tố giáo dục, định hướng thẩm mỹ lớn như sân khấu thiếu nhi thì phải từng bước một đặt ra lộ trình cho phù hợp. Đối với các hoạt động văn hoá phục vụ trẻ em nông thôn, trẻ em vùng sâu vùng xa, Nhà nước vẫn cần phải có chính sách hỗ trợ. Mục đích giáo dục tư tưởng, định hướng thẩm mỹ mới là mục đích lớn nhất vì nghệ thuật suy cho cùng vẫn là văn hoá tư tưởng chứ không phải hoạt động kinh doanh. Sai lầm trong kinh tế thì có thể cứu chữa, khắc phục được bằng tiền nhưng sai lầm trong văn hoá tư tưởng thì sẽ phải trả giá bằng nhiều thế hệ khán giả”.
NSƯT Chí Trung - Trưởng Đoàn kịch 2, Nhà hát Tuổi trẻ: “Xã hội hoá chỉ là phương tiện để nghệ thuật hướng tới mục đích cuối cùng là phải tạo ra những sản phẩm phù hợp với mong muốn của xã hội. Cần phải có một chủ trương hợp lý, động viên, khích lệ thật kịp thời những cá nhân, đơn vị dám nghĩ dám làm, cũng như cần phải có ưu đãi đối với những đơn vị tiên phong. Đây là một quá trình đầu tư tổng thể, anh gieo hạt nào, anh sẽ nhận được quả nấy. Tuy nhiên, không phải hôm nay anh gieo, ngày mai anh lấy. Nó phải có một quá trình mưa thuận gió hoà, một sự phát triển sôi động tổng thể của cả kinh tế, chính trị, văn hoá… Dù sao thì khát vọng, mong muốn về một nền sân khấu vững chắc, đi được bằng hai, ba chân là mong muốn sẽ có thật của những người nghệ sĩ chân chính!”
Ca sĩ Việt Hoàn: “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương xã hội hoá nghệ thuật biểu diễn. Vì xã hội hoá, người nghệ sĩ sẽ được đứng độc lập, mỗi chương trình nhà hát cần, nhà hát ký hợp đồng, như vậy, người nghệ sĩ, ca sĩ sẽ có quyền chủ động lựa chọn chương trình tham gia, dòng nhạc mà mình yêu thích để phát huy hết sở trường của mình. Xã hội hoá sẽ sàng lọc được những người nghệ sĩ có tài năng thật sự, vì khi bước ra khỏi cái bóng chở che của Nhà nước thì anh phải cạnh tranh bằng chính đôi chân của mình, anh phải tự trang bị cho mình sự hiểu biết, kiến thức chuyên môn tốt nhất và cách hành sự để được tham gia nhiều chương trình của các bầu xô. Xã hội hoá sẽ tạo một môi trường rộng mở để các nghệ sĩ tự do phát triển mà không sợ các tiêu cực kiềm chế. Tuy nhiên, hiện nay, bên nhạc sĩ đã có hội nhạc sĩ Việt Nam, múa đã có Hội Nghệ sĩ múa, nhưng ca sĩ thì chưa có một tổ chức nào đứng lên bênh vục cho họ; thị trường thì trôi nổi những băng đĩa lậu… Xã hội hoá cần phải làm được những điều chưa làm được ấy thì mới mong nền nghệ thuật phát triển được.”
Hãy bật que diêm thành bó đuốc!
Nếu như Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Kịch Idecaf, Phú Nhuận, Nụ cười mới… là những đơn vị đi đầu với mô hình xã hội hoá hoạt động sân khấu, đem đến một gương mặt mới cho sân khấu thành phố Hồ Chí Minh thì Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát nhạc nhẹ Trung ương là 2 đơn vị nghệ thuật miền Bắc đầu tiên trong số 12 đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá Thế thao và Du lịch sẽ thực hiện lộ trình xã hội hoá từ nay đến năm 2010.
Trong những năm qua, Ban Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ đã cùng với tập thể nghệ sĩ, diễn viên bước đầu thể nghiệm và vận dụng việc xã hội hóa hoạt động biểu diễn nghệ thuật của đơn vị từ khâu lựa chọn kịch bản, công tác dàn dựng đến khai thác hoạt động biểu diễn và công tác tuyên truyền, quảng bá. Nếu trước đây, việc lựa chọn kịch bản để dàn dựng thuần túy được giao phó hoàn toàn cho một phòng chức năng của Nhà hát thì nay, việc tìm đọc, phát hiện nguồn kịch bản mới được giao cho toàn thể nghệ sĩ, diễn viên. Nhờ đó, số lượng kịch bản đã tăng đáng kể từ 5-10 kịch bản/năm lên 50-60 kịch bản/năm. Về công tác dàn dựng, Ban Giám đốc Nhà hát cũng có sự vận dụng linh hoạt, bên cạnh những vở diễn mà Nhà hát đầu tư toàn bộ việc tập luyện và dàn dựng tác phẩm, Nhà hát cũng khuyến khích những vở diễn có sự phối hợp đầu tư của đoàn nghệ thuật, tập thể nghệ sĩ, diễn viên trong đoàn. Nhằm khắc phục rào cản sức ỳ trong việc dàn dựng tập luyện tác phẩm, Nhà hát còn đề ra chế độ khoán luyện tập từng vai diễn cho các nghệ sĩ, diễn viên. Điều này đã giúp cho đoàn thoát khỏi tình trạng chây ỳ hoặc chống chế kéo dài thời gian tập luyện một vở diễn như thời bao cấp đôi lúc tới 3-4 tháng mới dàn dựng, tập luyện xong 1 vở. Nhằm kích thích hoạt động biểu diễn, khai thác tối đa các vở đã dàn dựng để phục vụ công chúng và cải thiện đời sống của nghệ sĩ, diễn viên, sau khi đã khai thác bán vé chương trình tại rạp ít nhất 2 tháng, Ban Giám đốc Nhà hát cũng quy định chế độ khoán doanh thu cho đoàn đi lưu diễn với mức phù hợp. Nhờ những quy định này, từ năm 1999 đến nay, các đoàn nghệ thuật của Nhà hát Tuổi trẻ đã luôn chủ động lập kế hoạch biểu diễn phục vụ công chúng ở khắp các địa phương trong cả nước, tăng cường quảng bá được thương hiệu nghệ thuật của Nhà hát, tăng chỉ tiêu biểu diễn hàng năm từ 300 buổi lên tới 600-700 buổi diễn/năm. Song song với các hoạt động trên, Nhà hát cũng khai thác một cách hiệu quả nhiều chương trình nghệ thuật theo đơn đặt hàng mang tính tuyên truyền, kết hợp tốt với các ngành, các đơn vị truyền thông như Nhà xuất bản Giáo dục, Đài Truyền hình Việt Nam, Ủy ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Liên hiệp các Hội hữu nghị Việt Nam...
Không chỉ trong Nhà hát Tuổi trẻ, thị trường xã hội hóa nghệ thuật đã khởi động, đã có những hoạt động xã hội hóa đạt chất lượng cao như Liên hoan sân khấu xã hội hóa, Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc, Liên hoan Ảo thuật toàn quốc... Chắc chắn trong tương lai, các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ sẽ không muốn quay lại cơ chế bao cấp nghệ thuật bởi những thuận lợi và triển vọng mới mà xã hội hóa đem lại. Trong lúc phải kiên trì chờ đợi một cuộc chuyển đổi tất yếu từ lượng sang chất để nghệ thuật biểu diễn Việt Nam có một diện mạo mới, mỗi người nghệ sĩ cần ý thức và phát huy vai trò của mình một cách tích cực nhất; đặc biệt là những đơn vị nghệ thuật tiên phong trên con đường xã hội hóa - hãy là những que diêm đầu tiên nhóm lên ngọn đuốc hồng cho nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam cất cánh vươn cao.
Theo CPV