(Tổ Quốc) - Khảo sát APCI tại các địa phương cho thấy doanh nghiệp mong muốn công tác này mang tính khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp để tự giác thực hiện đúng pháp luật, cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm các quy định pháp luật thay vì cơ quan chức năng tìm soát “lỗi” của doanh nghiệp để xử phạt.
Sáng 17/3, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Hội đồng tư vấn cải cách TTHC) tổ chức Họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020).
Nói về mục đích, ý nghĩa Chỉ số APCI và những thông điệp cải cách từ APCI 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Với quan điểm xây dựng “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động” và cách tiếp cận “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của quá trình cải cách, phát triển”, Chính phủ đã triển khai nhiều hành động, trong đó đáng chú ý là việc liên tục ban hành các Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, năm 2020, khó khăn do tác động và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu chính là phép thử của bộ máy Trung ương và địa phương khi Việt Nam đặt ra mục tiêu “kép” vừa phải khống chế dịch bệnh vừa phải duy trì tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, dư địa cải cách TTHC, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn, yêu cầu từ thực tiễn cho sự phát triển chung của nền kinh tế và doanh nghiệp cũng đặt ra rất nhiều thách thức lẫn cơ hội, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nhìn nhận một cách chi tiết và khách quan vào tình hình doanh nghiệp để tiếp tục cải thiện mọi việc.
Với phương pháp đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn và được xây dựng dựa trên kết quả phân tích các phiếu khảo sát doanh nghiệp tại 63 địa phương, APCI 2020 cho thấy một bức tranh chân thực và sinh động về chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành. Từ đó, phản ánh khách quan mức độ cải cách, cải thiện các TTHC, quy định của pháp luật về môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi pháp luật, chính sách của các bộ, ngành, địa phương.
Kết quả của APCI có sự gắn kết và bổ trợ rất cụ thể, sâu sắc cho việc nghiên cứu, tìm hiểu các đánh giá xếp hạng của các tổ chức quốc tế uy tín về Việt Nam, giúp Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có thể hoạch định tốt hơn các mục tiêu cải cách.
Những cải cách từ APCI 2020
Sau những cải cách liên tục, bền bỉ và quyết liệt của Chính phủ hướng tới doanh nghiệp, kết quả APCI 2020 đã phản ánh quyết tâm của Chính phủ, từng cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương trong cải cách TTHC liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục thúc đẩy cải cách nền hành chính, chuyển đổi số và cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Khác với những chỉ số đánh giá hoạt động cải cách khác, APCI được thiết kế với kỳ vọng đo lường gánh nặng chi phí thực tế về tuân thủ TTHC và tính sáng tạo, tính chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương. Kết quả APCI 2020 tốt hơn năm 2018 và 2019 phản ánh những nỗ lực cải cách của Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương trong thời gian qua.
APCI 2020 cũng xoay quanh việc phân tích quá trình doanh nghiệp trải nghiệm dịch vụ do các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương cung cấp tại 9 nhóm TTHC quan trọng, gồm: Đầu tư; Giao dịch thương mại qua biên giới; Khởi sự doanh nghiệp/Đăng ký kinh doanh; Môi trường; Giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Đất đai; Xây dựng; Thuế và Kiểm tra chuyên ngành.
Đặc biệt, APCI 2020 cho thấy những nhóm TTHC có điểm APCI cao và có những tiến bộ đáng kể qua các năm là nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho việc thực hiện TTHC của doanh nghiệp cũng như giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử, được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời hạn chế được tiêu cực, những nhiễu và rủi ro về tình huống bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh thường phát sinh ở phương thức truyền thống.
Qua 3 năm, APCI cho thấy một phương thức dẫn đến thành công về cải cách của một số nhóm TTHC như thuế, Giao dịch thương mại qua biên giới, đầu tư, khởi sự doanh nghiệp, môi trường là chuyển phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Việc chuyển đổi này không chỉ đơn giản là điều chuyển các điều kiện, yêu cầu chứng minh đối với doanh nghiệp từ giai đoạn trước “cấp phép” sang sau “cấp phép” mà là thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực cải cách cũng như là thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm kinh doanh của mình. Điều này cho thấy, doanh nghiệp mong muốn công tác này mang tính khuyến khích và hỗ trợ họ tự giác thực hiện đúng pháp luật, cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm các quy định pháp luật thay vì cơ quan chức năng tìm soát “lỗi” của doanh nghiệp để xử phạt.