• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cát Ngọc

31/08/2017 08:21

(Tổ Quốc) - Cát Ngọc là tên riêng một trang trại mà tôi sẽ nói đến sau đây. Bởi, tôi nghĩ rằng cát quê mình xứng đáng được gọi là Ngọc nên tôi xin lấy Cát Ngọc làm tiêu đề cho bút ký này.

Đối diện với những đồi cát của quê hương trong bất kỳ trạng thái nào, vùi bàn chân vào cát bước lên… lùi lại… ngả mình trên thảm cát mịn tơi nhìn trời đất bao la, ngay cả khi đang ngồi êm ru và mát lạnh trong con Camry phóng như bay trên con đường vượt qua những đồi cát mới khánh thành, tôi vẫn không thôi đọc đi đọc lại những cây thơ trong bài “Sa hành đoản ca” của Cao Bá Quát.

Thơ rằng:

Trường sa phục trường sa

Nhất bộ nhất hồi khước

Nhật nhập hành vị dĩ

Khách tử lệ giao lạc

(Bãi cát dài, lại bãi cát dài

Đi một bước như lùi một bước

Mặt trời đã lặn mà vẫn còn đi

Khách trên đường nước mắt tuôn rơi

Bài thơ được sáng tác vào khoảng những năm giữa thế kỷ XVIII trên đường nhà thơ từ Bắc vào Huế thi Hội nên tôi chắc rằng hình ảnh trong thơ tái hiện những đồi cát quê mình.

Từ múi nam cầu Quán Hàu, Quốc lộ 1A tách làm hai nhánh, nhánh cũ đi qua các xã phía trước 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, nhánh mới gọi nôm na là đường tránh lũ băng qua miền cát. Tôi đã qua lại con đường mới này rất nhiều lần, không vì mục đích tránh lũ mà chỉ vì nó làm cho hồn tôi phiêu diêu chập chùng theo những nhịp cong của đồi cát mà thôi. Thả lỏng tầm nhìn ra bất kỳ hướng nào tôi cũng thấy thấp thoáng dáng dấp của nhân quần trong dáng cát, một nhân quần lặng im, thánh thiện, nhã nhặn và quyến rũ. Kia là eo cong mông nở nuột nà. Kia là ngực đầy vai mỏng lả lơi. Kia là tóc mây bồng bềnh buông thả. Và kia nữa trập trùng dấu chân vạn dặm rẽ cát, rẽ gió mở đất lập làng của biết bao thế hệ người Quảng Bình xưa và nay…

Một trong những người tiên phong dấn thân vào cát bỏng Quảng Bình là ông Võ Minh Hoài- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Trường Thịnh. Ông ấy có định mệnh với cát. Những năm đầu thế kỷ, cầu Nhật Lệ chưa xây dựng, Bảo Ninh hắt hiu gió cát gần mà xa, thôn Mỹ Cảnh chỉ là doi cát mỏng ưỡn ngực hứng gió hứng sóng, đơn độc nhoài mình ra phía biển. Ở đó chỉ có những lão ngư hiền lành, những con thuyền vừa sức quẩn quanh trong vùng bãi ngang và mấy ngôi nhà bé nhỏ lẫn khuất dưới tán cây dương liễu cỗi cằn không cao quá đầu người. Thế nhưng Võ Minh Hoài đã nhìn thấy rõ nhất vẻ đẹp huy hoàng của cát. Ông đã một mình sang sông trên những chuyến đò ngang, lang thang trên doi cát mỏng này để nuôi lớn khát vọng xây dựng một thiên đường trên cát. Để rồi năm 2002, khu du lịch nghỉ dưỡng đầu tiên của tỉnh Quảng Bình được khởi công trong sự ái ngại lẫn dèm pha của nhiều người. Người ta cho ông là kẻ điên rồ duy ý chí. Thậm chí có người nghi ông vẽ chuyện, lấy cớ rửa tiền… Với ông Võ Minh Hoài, con người ta sẽ khó sống trên đời nếu không có khát vọng, càng khó sống hơn nếu có khát vọng nhưng không có quyết tâm. Từ đó đến nay đã 15 năm, Sun spa resort hiện ra lộng lẫy giữa biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Có còn ai nghĩ ông Võ Minh Hoài điên rồ nữa hay không?! Nếu thực sự là ông ấy điên rồ thì có lẽ sự điên rồ của ông không dừng lại ở đó khi năm 2013 ông ấy tiếp tục dấn thân vào vùng cát quê hương để xây dựng một con đường vượt cát. 33 km là không dài nhưng để làm được 33 km đường trên cát là một vấn đề. Tôi đã nghe người ta kể về những tháng ngày cực kỳ gian khó của cán bộ kỹ sư, công nhân Tập đoàn Trường Thịnh trong quá trình khảo sát địa hình địa thế để mở đường. Triền miên hàng tháng trời, ngày này qua ngày khác, trên là nắng dưới là cát họ như đi trong chảo lửa, nhiệt độ có khi lên đến 40- 45 độ. Trên đất liền mà chẳng khác nào đang mông lung giữa biển khơi, không hành trình nào giống hành trình nào, không còn lại dấu vết gì cho thấy mình đã qua đây khi những đồi cát cao ngất hôm qua hôm nay đã không còn. Vùng cát luôn luôn chuyển động, luôn luôn biến ảo. Họ thực sự lâm vào tình cảnh của nhà thơ Cao Bá Quát cách nay hơn 200 năm “Bãi cát dài, lại bãi cát dài/ Đi một bước như lùi một bước/ Mặt trời đã lặn mà vẫn còn đi/ Khách (trên đường) nước mắt tuôn rơi”.

Theo đánh giá của các nhà kinh tế, con đường vượt cát do Tập đoàn Trường Thịnh của ông Võ Minh Hoài thi công mang ý nghĩa công đồng vô cùng to lớn. Bên cạnh mục đích tránh lũ cho phương tiện lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A mùa mưa bão hàng năm, con đường có tác dụng kép là động lực để hình thành và phát triển các vùng kinh tế trọng điểm ven biển tỉnh Quảng BÌnh, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút nguồn lực từ bên ngoài, nhất là đầu tư vào vùng cát rộng lớn của 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ. Từ đó tác động tích cực tới công tác quy hoạch địa phương, quy hoạch vùng kinh tế. Bởi thế, gần 1000 tỷ cho 33 km đường tưởng là to thực ra lại không có gì là ghê gớm so với hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Sự dấn thân đầy quyết đoán hay sự điên rồ đầy bản lĩnh? Mặc thiên hạ nghĩ gì cuối cùng ông Võ Minh Hoài vẫn là người chiến thắng trên hành trình chinh phục cát. Thiên đường trên cát bỏng ông Võ Minh Hoài từng ao ước cách nay 15 năm không phải là giấc mơ xa xôi!

Ảnh minh họa: Trường Thinh

Người Quảng Bình ngó lên thấy rừng, nhìn xuống thấy cát. Vùng cát ven biển Quảng Bình kéo dài từ xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch đến xã Ngư Thủy huyện Lệ Thủy, đi qua 18 xã ven biển, có diện tích gần 36 nghìn ha, chiếm 4% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó chủ yếu tập trung ở hai huyện phía nam Quảng Ninh, Lệ Thủy. Hiện nay, cát vẫn đang là vùng địa sinh thái hoang vu, tỷ lệ diện tích được khai thác còn chiếm tỷ lệ thấp. Nhưng điều đó không có nghĩa người Quảng Bình quay lưng với cát. Người Quảng Bình “Sống trong cát, chết vùi trong cát”, không ai ràng ruổi cát.

Người ta nói rằng, con đường nối dài tới đâu làng mạc sẽ mọc lên đến đó. Vậy nhưng có một người dám đi trước con đường, đúng với lập luận của nhà văn Lỗ Tấn “Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Cũng từng bị mỉa mai dè bỉu điên rồ, nhưng người đó hình như cũng có định mệnh gì với cát?! Ông Lê Ngọc Lễ. Những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX, ông Lê Ngọc Lễ lội cát ra Hải Ninh thành lập trang trại sinh thái mang tên “Cát Ngọc”. Cát Ngọc hồi ấy chỉ có cát, chưa có ngọc. Những ngày đầy tiên ra đây, hai vợ chồng ông vật lộn đêm ngày với nạn cát bay, cát lấp để trồng từng cái cây một. Cây lên xanh bao nhiêu, vợ chồng ông Lễ càng đen sạm, khô gầy bấy nhiêu. Nhưng chẳng sao cả bởi khát vọng của họ từng ngày mọc lên tươi rói và sáng bừng miệt cát. Trong khoảng hơn 5 năm đầu, hai người phủ xanh được 250 ha đồi cát. Đó là một con số khó tin với những ai chỉ quen ngồi phòng lạnh. Tiếp đó là trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, ao cá, là vườn cây ăn quả, đặc biệt là kỳ nhông - đặc sản miền cát… Mỗi năm trang trại thu lãi hàng trăm triệu đồng. Vợ chồng ông Lê Ngọc Lễ trở thành “đại gia” vùng cát, màu da đen sạm không còn nhưng trên gương mặt đã hằn thêm những nếp nhăn. Ông Lễ vẫn chưa thôi trăn trở khi ông đang ấp ủ khát vọng về một trang trại sinh thái du lịch có quy mô và đẳng cấp. Cát đã cho ngọc đúng tên Cát Ngọc.

Một ngày rất tình cờ tôi dừng lại trang trại của ông Lễ khi đi qua con đường của ông Hoài- Trường Thịnh. Ông ấy nói thay cho một lời chào khách sáo:

- “May có con đường này, xe hơi mới dừng lại trước cổng nhà tôi! Ngày trước ra đây chỉ có lội bộ, đến năm 1995 thì đỡ hơn, nhà nước cho rải một con đường cấp phối nối Quốc lộ 1A ra Hải Ninh nhưng được ít bữa là cát lấp, đi xe đạp cũng trật qua trệu lại, gian nan hung lắm. Có khi tôi phải vác xe lên vai mà lội bộ nữa kìa. Giờ thì quá đỡ rồi!

Chẳng hiểu sao tôi lại buột miệng một câu đầy tính tuyên huấn:

- Cũng nhờ Nhà nước…!

- Nhà nước đầu tư làm đường thì không bàn làm gì nhưng phải có những doanh nghiệp như của ông Hoài- Trường Thịnh nữa. Làm đường trên cát không mấy doanh nghiệp mặn mà đâu vì khó khăn vô cùng và chỉ có lỗ đến lỗ thôi. Làm ăn ai mà chẳng nghĩ đến chuyện có lãi, lãi càng nhiều càng tốt. Đó là quy luật. Tôi cũng vậy. Nhưng lãi chưa phải là tất cả, doanh nhân có tâm là doanh nhân không chỉ nhìn thấy tiền mà còn nhìn thấy cả ý nghĩa xã hội, nhân văn của mỗi công trình. Ông Hoài là người như vậy. Ông ấy rất dũng cảm khi nhận làm con đường vượt cát này.

Giữa mùa nắng nóng mà trang trại mướt xanh. Chanh tứ quý đang kỳ ra hoa kết trái, khu vườn thơm nồng nàn. Tôi không vào nhà mà lượn lờ giữa vườn chanh để được thỏa sức tận hưởng không gian sạch. Mùi hương thanh khiết vây bọc, lan tỏa làm mê đắm tôi- một kẻ thích phiêu bồng và lưu lạc hồn phách. Chợt nghĩ cát quê mình không chỉ đẹp mà còn rất thơm nữa.

Ảnh minh họa: Sun spa resort

Nhắc đến Quảng Bình, bè bạn trên mọi miền đất nước nhớ ngay đến hình ảnh “chang chang cồn cát, nắng trưa…”. Cát mặc nhiên trở thành biểu tượng ngàn đời của dải đất này. Gần đây, trong khuôn khổ các chương trình kêu gọi đầu tư, Quảng Bình trở thành điểm đến của nhiều Ông Lớn du lịch. Cát là đối tượng khai thác chính. Cát không chỉ được đánh thức bởi những cái vỗ rất khẽ khàng như của ông Hoài, ông Lễ hay một số cá nhân có tâm huyết khác mà thực sự đang được xốc dậy bởi ngoại tệ mạnh và tiếng gầm của máy móc. Từ năm 2014 đánh dấu sự có mặt của Tập đoàn FLC trên vùng cát Nam Quảng Bình với Dự án 10 sân golf 18 lỗ gây nhiều tranh cãi từ các phía. Trong khi lãnh đạo tỉnh Quảng Bình chủ trương cho đầu tư xây dựng sân golf để ngăn chặn nạn cát bay, cát lấp và hạn chế sa mạc hóa, tạo công ăn việc làm cho lao động nhà rỗi vùng biển, thu hút khách du lịch để phát triển ngành công nghiệp không khói… thì các nhà khoa học trăn trở về hệ lụy để lại cho môi trường sinh thái trong tương lai lâu dài nếu phát triển sân golf, khi mà người dân các xã Gia Ninh, Hải Ninh, Hồng Thủy- nơi có dự án sân golf, đang canh tác và sinh sống nhờ nguồn nước trời phú chắt ra từ lòng cát… Trong khi người ta nghĩ đến viễn cảnh sang trọng nay mai trên vùng cát sẽ hiện hữu một quần thể nghỉ dưỡng-du lịch-dịch vụ đẳng cấp quốc tế phục vụ cho tầng lớp thượng lưu trên thế giới thì không ít người âm thầm mang nỗi lo duy tình và đầy lãng mạn rằng, một mai vùng cát Quảng Bình chỉ mang màu xanh đồng phục cỏ sân golf và vẻ đẹp hoang dại của cát chỉ còn trong dĩ vãng… Bạn tôi vốn là một tay săn ảnh, ngôn ngữ của anh ấy là những tác phẩm nên anh thường trầm ngâm trong mọi vấn đề thời sự, bỗng một ngày buột miệng “Cát là biểu tượng của Quảng Bình, chứ nhất định không phải là… sân golf. Cứ gì phải cỏ mới phủ xanh miền cát”. Cũng đúng là cứ gì phải cỏ, nhiều loại cây nông sản như khoai lang, dưa hường, mướp đắng, nén hương, bí bầu… vẫn cứ mọc xanh miệt cát đấy thôi. Nhưng theo lập luận của những người có tư duy kinh tế mới, đó là nền kinh tế tiểu nông, kinh tế thời kỳ hội nhập phải khác, phải hút đầu tư để thu ngoại tệ, không thể quanh quẩn góc vườn mãi được. Có lẽ bạn tôi quá yêu cát mà không màng đến những giá trị kinh tế to lớn sân golf sẽ mang lại chăng?! Tôi không dám bàn luận gì vì tôi cũng là một kẻ vô cùng… duy tình. Tôi chỉ sợ một điều rằng, mai này dưới cát không còn là nước như nhà văn Nguyễn Quang Vinh vẫn rất tự hào khi nhắc đến vùng cát quê hương nữa mà thôi. Trăn trở… cân nhắc… lo lắng… thậm chí đấu tranh… gì thì gì cũng phải đúng quy trình. Với quyết tâm cao của tỉnh Quảng Bình, Dự án quần thể resort, nghỉ dưỡng giải trí cao cấp của Tập đoàn FLC Quảng Bình và Dự án khu biệt thự sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Hải Ninh có tổng mức đầu tư 8.400 tỷ đồng với tổng diện tích 1.924ha cũng được khởi động mạnh mẽ. Gần 10ha cỏ chuẩn bị rải thảm cho sân golf cũng đã lên xanh. Trên bản đồ du lịch Quảng Bình đã hiện lên một chấm son mới.

Trở lại với con đường 33km, gần 1000 tỷ, tôi rất yêu con đường này và thầm tự hào khi cộng đồng mạng chia sẻ thông tin: Đây là con đường nằm trong top 5 con đường vượt cát đẹp nhất Việt Nam. Đường đã mở và xóm làng đã mọc. Cát chẳng còn hoang vu, có con người cát ngời xanh sức sống. Nhưng có một lời nhắn được cho là phiên bản của mẹ thiên nhiên, anh bạn nhiếp ảnh của tôi buông lơ lửng trước khi phóng xe lao về phía những đồi cát: Chớ nên bóc lột cát bằng mọi giá, hãy thân thiện với cát, mối quan hệ này sẽ bền lâu hơn. Tôi nghĩ, thân thiện với cát đến mức độ như của ông Hoài- Trường Thịnh, ông Lễ- Cát Ngọc… là cùng./.

Bút ký Trương Thu Hiền

NỔI BẬT TRANG CHỦ