(Tổ Quốc) - Trong nỗ lực chuyển đổi chuỗi cung ứng theo tăng trưởng bền vững, UNIQLO Việt Nam tập trung vào cải tiến sản phẩm, tăng tỷ lệ sử dụng vật liệu tái chế, giảm lượng phát thải khí nhà kính, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và hỗ trợ cộng đồng.
Năm 2022, UNIQLO ra mắt dự án RE.UNIQLO Studio tại Luân Đôn (Anh), cung cấp dịch vụ sửa chữa và tái chế quần áo nhằm kéo dài và tạo ra cuộc đời mới cho trang phục LifeWear. Năm 2023, dự án UNIQLO Pre-Owned Clothes (bán các trang phục đã qua sử dụng) được triển khai thử nghiệm như một phần thuộc dự án RE.UNIQLO. Và hiện Uni Qlo đang nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, sử dụng chất liệu cashmere, len và cotton thu được từ dự án RE.UNIQLO.
Trong năm tài chính 2023, Tập đoàn Fast Retailing, Công ty mẹ UNIQLO đã đóng góp 5.4 tỷ Yên (tương đương khoảng 860 tỷ Việt Nam đồng) vào các hoạt động xã hội, đồng thời quyên góp 1.13 triệu sản phẩm quần áo và cũng đã gia nhập Liên minh Từ thiện Châu Á (Philanthropy Asia Alliance). Trong vòng 10 năm đến, Quỹ Fast Retailing dự định đóng góp 25 triệu Đô la Mỹ nhằm giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường tự nhiên, giáo dục và sức khỏe cộng đồng tại châu Á. Ngoài ra, Quỹ này cũng đã khởi động chương trình học bổng dành cho sinh viên quốc tế tại Việt Nam, với nhóm sinh viên đầu tiên gồm 6 sinh viên nhập học vào các trường đại học tại Nhật Bản trong mùa thu năm 2023.
Tại Việt Nam, hơn 20 năm hợp tác cùng các nhà máy địa phương, UNIQLO cung cấp các sản phẩm Made in Vietnam tại 23 cửa hàng trong nước và phân phối tới hơn 2.400 cửa hàng trên mạng lưới toàn cầu. Nỗ lực này thể hiện cam kết đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam, đồng thời gián tiếp tạo ra cơ hội việc làm cho khoảng 240.000 lao động địa phương. Việc thúc đẩy sản xuất trong nước cũng giúp UNIQLO Việt Nam đảm bảo nguồn cung hàng hóa nội địa và giảm thiểu các tác động lên môi trường.
Dự án RE.UNIQLO được triển khai lần đầu tại Việt Nam vào năm 2021, hợp tác cùng Quỹ Hy Vọng để thu gom các trang phục đã qua sử dụng, và quyên góp cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Tính đến nay, hơn 27.000 sản phẩm đã được trao gửi đến người dân tại 11 tỉnh thành trên cả nước.
Đồng thời từ năm 2019, chương trình tuyển dụng cho vị trí UNIQLO Manager (UMC) đã thu hút sự quan tâm của hơn 10.000 ứng viên trên cả nước. Trong đó, UNIQLO đã lựa chọn 145 bạn trẻ tiềm năng để đào tạo chuyên sâu, từng bước hướng dẫn và phát triển 38 Cửa hàng trưởng, 2 Quản lý Khu vực cùng nhiều nhân sự then chốt cho công ty. Hiện tại, số lượng nhân viên cấp quản lý là người Việt tại các cửa hàng UNIQLO chiếm tỷ lệ hơn 70%.
Đặc biệt, trong sự hiện diện tại Việt Nam, Uni Qlo luôn tôn trọng sự đa dạng và bình đẳng khi từ 2022 hợp tác cùng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật (DRD). Trong số 91 đơn ứng tuyển từ khi triển khai đến nay, đã có 15 nhân sự trúng tuyển và 8 nhân sự vẫn đang làm việc tại 8 cửa hàng UNIQLO trên cả nước. Thông qua chương trình, thương hiệu hướng đến việc tuyển dụng ít nhất 01 người khuyết tật làm việc tại mỗi cửa hàng nhằm tạo ra một môi trường làm việc cởi mở, bình đẳng hơn. Theo đó, tỷ lệ nhân viên là người khuyết tật so với tổng số nhân viên cửa hàng là 0.9%, hướng đến mục tiêu toàn cầu hiện nay là 1%.
Cùng với đó, Uni Qlo Việt Nam còn fóp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương như: Trong năm 2023 phối hợp cùng Quỹ Hy Vọng thực hiện chương trình "Ánh sáng học đường" nhằm quyên góp doanh thu từ việc bán BST UTme xây dựng điểm trường Trống Trở tại Mù Cang Chải (Yên Bái); Hay chương trình "Hỗ trợ Nước sạch" phối hợp với Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM từ năm 2022, giúp trang bị hệ thống lọc nước RO, mang đến nguồn nước uống sạch cho hơn 6.500 học sinh và giáo viên bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre và huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh)./.