• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Câu chuyện về ký ức nhiếp ảnh của NSNA Phạm Công Thắng

Văn hoá 30/05/2023 18:28

(Tổ Quốc) - Từ tình yêu, sự gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh, NSNA Phạm Công Thắng đã tạo nên một không gian trưng bày "Ký ức nhiếp ảnh" với hàng trăm hiện vật cùng những câu chuyện ý nghĩa, gắn với sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam.

Với những ai yêu nghệ thuật nhiếp ảnh thì cái tên Phạm Công Thắng không còn xa lạ, bởi ông là Nghệ sĩ nhiếp ảnh, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông đã từng đoạt nhiều giải thưởng về ảnh trong nước và quốc tế.

Câu chuyện về ký ức nhiếp ảnh của NSNA Phạm Công Thắng - Ảnh 1.

NSNA Phạm Công Thắng chia sẻ về ý tưởng thành lập Gallery Ký ức nhiếp ảnh

Đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh từ khi còn trẻ nên nhiếp ảnh và nghề báo luôn song hành trong công việc cũng cuộc sống của Phạm Công Thắng. Nhiếp ảnh cho ông tiếp cận sự "lãng du" vào một thế giới vừa quen vừa lạ. Còn nghề báo cho ông cái nhìn sâu sắc về những vấn đề, góc sâu của cuộc sống. Chính vì thế, khi nghỉ hưu, Phạm Công Thắng luôn đau đáu suy nghĩ phải làm gì để lưu giữ được ký ức của nghề báo và nghề ảnh.

Theo NSNA Phạm Công Thắng chia sẻ: "Ban đầu, ý tưởng "Ký ức nhiếp ảnh" xuất phát từ sở thích, nhu cầu cá nhân của tôi. Tôi định làm tại nhà mình một phòng trưng bày ảnh, nhưng nghĩ nếu chỉ có vậy thôi thì chưa đủ. Và trong ngày giãn cách bởi dịch Covid-19, tôi chợt nghĩ, sao mình không làm phòng trưng bày cộng đồng, nơi lưu giữ những hiện vật nghề nhiếp ảnh của mình và bạn bè, người quen. Nếu giữ những hiện vật của mình thì chỉ mang tính cá nhân nhưng mở rộng ra, biết đâu có thể lưu giữ được cho nhiều người khác mà đôi khi họ không nghĩ đến. Thế là tôi đã mạnh dạn chia sẻ ý tưởng của mình lên mạng xã hội.

Khi mới làm, tôi không nghĩ sẽ có nhiều người ủng hộ. Nhưng sau một thời gian ngắn, hầu như ngày nào cũng có hiện vật được gửi đến, người mang trực tiếp, người gửi bưu điện. Điều đó khiến tôi được khích lệ rất nhiều để tiếp tục ý tưởng của mình. Đặc biệt, là nhà sử học Dương Trung Quốc đã rất ủng hộ mô hình này của tôi và ông đã đồng hành với tôi từ những ngày đầu tiên".

Câu chuyện về ký ức nhiếp ảnh của NSNA Phạm Công Thắng - Ảnh 2.

Câu chuyện về ký ức nhiếp ảnh của NSNA Phạm Công Thắng - Ảnh 3.

Hàng trăm hiện vật được gửi đến để nhà nhiếp ảnh lưu giữ

Sau gần ba năm thành lập, NSNA Phạm Công Thắng đã nhận được khoảng hơn 700 hiện vật cho phòng trưng bày tại gia của mình. Ông đặt tên phòng trưng bày này là "Gallery Ký ức nhiếp ảnh". Phòng trưng bày nằm toàn bộ trên tầng hai của ngôi nhà của ông, tuy không gian không thật rộng rãi, nhưng nhờ được bài trí hợp lý nên rất dễ quan sát các hiện vật trưng bày. Tại đây trưng bày hàng trăm hiện vật, trong đó chủ yếu là các máy ảnh, còn một phần là các hiện vật khác như máy tráng phim, máy phóng ảnh đen trắng, bóng đèn sữa để phóng ảnh và các dụng cụ dùng trong buồng tối, túi đồ nghề ảnh, chiếc áo ký giả mà các phóng viên vẫn thường mặc, những bức ảnh, sách ảnh…Tất cả được trưng bày trang trọng kèm tên người tặng trong một không gian chưa tới 30m2.

Đánh giá cao ý tưởng độc đáo của nhiếp ảnh gia Phạm Công Thắng, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: "Nhiếp ảnh có thần lực là biến khoảnh khắc thành vĩnh viễn. Do vậy nó là phương tiện và phương cách để lưu giữ ký ức. Người sưu tập máy ảnh là người góp phần lưu giữ ký ức của xã hội… Vì thế, tôi đến với Phạm Công Thắng như một đồng nghiệp, một người đồng điệu. Cũng vì thế, tôi phải cảm ơn anh đã làm công việc mà cho đến nay chưa ai nghĩ tới, chưa ai chịu làm…".

Câu chuyện về ký ức nhiếp ảnh của NSNA Phạm Công Thắng - Ảnh 4.

Mỗi hiện vật đều được ông cất giữ cẩn thận

Theo NSNA Phạm Công Thắng cho biết: "Mỗi kỷ vật được lưu giữ tại đây, đều có một hồ sơ đẹp, chúng mang trong mình những câu chuyện, kỷ niệm, đầy thú vị, mà giá trị đó vẫn và sẽ còn mãi với thời gian. Từ những năm tháng làm báo ra sao, hay đời nghệ sĩ như thế nào… Với tôi, Ký ức nhiếp ảnh không phải là của riêng cá nhân mình, mà là của cộng đồng, ai cũng có thể ghé thăm".

Những hiện vật được mọi người gửi đến ông rất đa dạng về nghề ảnh, gắn với những ký ức lịch sử, ký ức của một thời để nhớ. Họ đã tin tưởng gửi cho ông, trao niềm tin để những hiện vật này lan tỏa trong cộng đồng. Đó là chiếc máy ảnh Pentax của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng được ông coi như vật báu mua cách đây 45 năm chuyên chụp cho các chính trị gia lớn như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các văn nghệ sĩ tên tuổi như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi.

Câu chuyện về ký ức nhiếp ảnh của NSNA Phạm Công Thắng - Ảnh 5.

Chiếc máy ảnh Pentax của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng

Hay chiếc máy ảnh D200 của Anh hùng lao động Trần Lam - nguyên Phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang. Chiếc máy ảnh D200 này đã làm nên tác phẩm nhiếp ảnh nổi tiếng "Mặt trời trong lăng sáng tỏa" có chữ ký của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết được Tập đoàn Tân Tạo mua năm 2008 với giá 1 triệu đô la. Toàn bộ số tiền này được tặng cho quỹ bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang để thực hiện 500 ca phẫu thuật trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh. Và chiếc máy ảnh cổ Zeiss Ikon có tuổi đời trên 80 năm của doanh nhân Bùi Việt Hưng; chiếc máy chiếu phim dương bản sản xuất năm 1930 mà TS Nguyễn Ngọc Bình trao tặng. Ngoài ra, còn nhiều bộ máy của các phóng viên chiến trường như Vũ Hồng Hưng, Hoàng Như Tính, Trần Hồng,….

Sự ủng hộ của cộng đồng chính là điều khích lệ lớn nhất đối với ông. NSNA Phạm Công Thắng chia sẻ: "Gần đây, nhiều sinh viên, học viên nhiếp ảnh ở các trường đại học, trung tâm đào tạo nghe tiếng cũng tới tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu... Có ngày, tôi tiếp tới 3 đoàn. Đồng thời, tôi cũng nhận được sự động viên, quan tâm của rất nhiều bạn bè, các NSNA, nhà báo, người yêu thích nhiếp ảnh, các văn nghệ sĩ, nhà quản lý, doanh nhân... trong đó có nhiều người quen và cũng nhiều người chưa từng quen biết.

Lãnh đạo Hội NSNA Việt Nam cũng quan tâm, động viên, ghi nhận nhiệt huyết của tôi cũng như ý nghĩa của không gian trưng bày này, những điều đó khiến tôi có thêm động lực để tiếp tục ý tưởng của mình".

Câu chuyện về ký ức nhiếp ảnh của NSNA Phạm Công Thắng - Ảnh 6.

Chiếc máy ảnh của nhiếp ảnh gia Nick Út tặng cho NSNA Phạm Công Thắng

"Bên cạnh đó, trong suốt hơn 30 năm làm nghề, đến thời điểm hiện tại điều khiến tôi trân quý nhất là bản thân được vinh dự lưu giữ lại những kỷ vật của những người đồng nghiệp sử dụng khi tác nghiệp báo chí, những nhiếp ảnh gia trên khắp cả nước tin yêu, gửi tôi lưu trữ tại nơi ngôi nhà này. Và tôi luôn tin tưởng một điều, Ký ức nhiếp ảnh sẽ luôn thu hút công chúng, bởi những kỷ vật ý nghĩa được nâng niu, trân trọng, lan tỏa tình yêu nghệ thuật nhiếp ảnh". – NSNA Phạm Công Thắng bày tỏ.

Có thể nói đây không những là nơi trưng bày lưu giữ hiện vật trang thiết bị, sách ảnh có liên quan đến nhiếp ảnh mà còn là một địa chỉ văn hóa, du lịch độc đáo; nơi giao lưu trao đổi nghề nghiệp giữa các nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo; là địa chỉ tin cậy, góp phần để các nhà nghiên cứu đến tìm hiểu và phát triển nền Nhiếp ảnh Việt Nam vươn xa hơn nữa./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ