Cầu kỳ hơn bất cứ bộ môn chơi hoa nào khác, hội "nuôi" hoa biểu trưng nét thanh lịch của người Hà Nội ngày càng đầu tư phụ kiện trưng bày
(Tổ Quốc) - Thú chơi Hà Thành mang nét hoài niệm về cái Tết những năm hồi đó.
Trước đây, cứ đến dịp Tết, trong mỗi gia đình quyền quý ở Hà Nội lúc nào cũng có bát hoa thủy tiên được con cháu nuôi dưỡng tỉ mỉ để dâng lên ông bà hay trang trí trong nhà. Sau thời gian dài bị mai một và được khôi phục lại bởi một số nghệ nhân thì một lần nữa, thú chơi tôn vinh sự khéo léo của người Tràng An xưa sôi động trở lại. Có những người với kinh nghiệm 10 năm, 30 năm, nhưng cũng có những người chỉ mới "vào nghề". Vậy, thú chơi thủy tiên trong Tết hiện đại có khác gì so với ngày xưa?
Công đoạn khó nhất nay dễ dàng hơn khi có các lớp học
Còn 1 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán, song, ngay từ Tết dương lịch, nhiều người đã bắt đầu tìm kiếm các mối mua củ hoa thủy tiên cũng như tham gia vào lớp học tỉa củ, dưỡng hoa.
Năm nay, mô hình lớp học đa dạng và dễ tiếp cận với mọi người hơn. Với những người bắt đầu chơi, có thể tham gia vào các workshop, buổi giao lưu của các nghệ nhân, chiêm ngưỡng những mẫu tỉa cầu kỳ và được hướng dẫn để tự tay gọt tỉa củ hoa thủy tiên. Trung bình hoạt động này sẽ diễn ra trong một buổi sáng hoặc chiều cuối tuần, với chi phí vào khoảng 700.000đ - 800.000đ, đã kèm các chi phí cho hoạt động trải nghiệm.
Trong khi đó, với những người chơi đã "qua mức cơ bản", phần nào hiểu về đặc trưng của loài "tiên của nước" này thì sẽ tụ họp lại ở một địa điểm. Tại đó, mỗi người sẽ tự mang đi những củ hoa thủy tiên, những bộ đồ dùng hay bát đựng hoa mà mình thích nhất. Mọi người sẽ cùng kể cho nhau nghe về quá trình theo đuổi bộ môn tỉa củ khéo léo hay giới thiệu về các dụng cụ mà mình có. Với những buổi như thế này, người mới cũng có thể tham dự để học hỏi thêm kinh nghiệm.
Song, không thể phủ nhận rằng, để có hoa thủy tiên nở đúng, đẹp vào dịp Tết, đòi hỏi người chơi phải có sự đầu tư về cả công sức lẫn thời gian. Một người chơi hoa thủy tiên lâu năm ở Hà Nội từng chia sẻ rằng: "Với tôi, điều thú vị và cuốn hút nhất ở thủy tiên không phải là sắc, hương, hay bộ rễ dài và trắng muốt như râu tiên ông mà là ở sự ảo diệu thiên biến vạn hóa của nó. Sự ảo diệu ấy cho phép người chơi có thể sáng tạo linh hoạt để tạo ra những hình dáng, thế hoa vô cùng phong phú mà mỗi bát hoa luôn là một tác phẩm độc nhất vô nhị, không thể trùng lặp".
Mẫu hoa và bát được mang tới trong một buổi giao lưu hoa thủy tiên. Ảnh: Thủy Lợi Coffe
Ngay từ khâu chọn củ thủy tiên, đã phải là củ chất lượng, được đem về những vùng chuyên canh ở Trung Quốc, Úc, Mỹ. Sau đó, người mua về phải ngâm nước cho căng mọng và cây bắt đầu nhú mầm. Tiếp theo, người chơi phải tìm góc yên tĩnh để chuyên tâm gọt tỉa. Chỉ riêng gọt tỉa cũng phải để ý làm sao không gọt trái mắt, phạm chỗ đọt mầm chưa nhú hay trúng phải hướng mầm, chỉ vô tình sai một mắt thôi là mầm sẽ mọc lệch, phá hủy luôn dáng hoa sau này. Sau mỗi bước gọt, củ thủy tiên phải được lau rửa nhiều lần sao cho nhựa không còn bám lại được trên củ. Riêng công đoạn từ lúc củ này mầm đến khi đâm rễ, trổ giò và kết nụ thì phải qua ba bốn lần rọt tỉa, sửa sang và hai ba chục lần được thay nướ mới.
Đến cả nước để dưỡng thủy tiên cũng phải là nguồn nước sạch, chỉ cần nước có nhiễm hóa chất hay phèn chua là củ sẽ hỏng ngay. Chẳng thế mà những người chơi bộ môn này truyền tai nhau một câu "Tiên của nước, đĩa ngọc chén ngà".
Những phụ kiện vài trăm đến vài triệu được săn lùng
Mặc dù công đoạn tỉa tót và dưỡng thủy tiên vẫn cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy luật từ xưa truyền lại, song, người chơi hoa thủy tiên bây giờ đã có sự sáng tạo và đầu tư nhiều hơn cho các phụ kiện. Ngoài bộ dụng cụ tỉa 6 món, chậu, chổi lông gà, bình, khay... thì có thêm những đồ decor hay các bình, lọ với kiểu dáng thiết kế độc lạ, hoặc mang theo một ý nghĩa nào đó.
Khảo sát qua một số hội nhóm trao đổi, mua bán phụ kiện chơi hoa thủy tiên, không khó bắt gặp những bài viết rao bán các loại bình, lọ, đèn, nến với chất liệu và giá thành khác nhau. Có những bình bằng gỗ, đồng giá vài trăm ngàn đồng, song, cũng có những bình, đèn, nến bằng pha lê, bạc, đồng lên tới cả triệu đồng.
Các bình hoa với giá từ 500.000đ - 2.500.000đ được chào bán trên mạng xã hội và rất đông người hỏi mua. Ảnh: Hải Yến Bùi, Hồng Phương Phạm
Anh Nguyễn Anh Quân (Hà Nội) cho biết: "Bao năm nay nhà tôi thường chơi với bát, đũa, chổi, dao... từ thời mẹ để lại cho, đến mùa Tết là đem ra dùng, rồi lại rửa sạch cất đi. Thú thực là vì đi làm quanh năm nên không có nhiều thời gian chăm chút, mẹ để lại cho ra sao thì dùng như vậy. Nhưng năm nay, bạn bè xung quanh rủ nhau đổi mới các phụ kiện chơi hoa nên tôi cũng lên mạng tìm thêm các mẫu mới. Những lọ hoa, bình hoa bây giờ có họa tiết hiện đại, hợp mắt mình, chứ không còn chỉ một kiểu truyền thống là bình thủy tinh trong suốt như nhà mình đó giờ nữa".
Hơn nữa, theo anh Quân, vốn củ hoa thủy tiên không quá đắt nên hoàn toàn có thể chi trả một mức từ 1 triệu tới 5 triệu đồng cho các bình hoa kiểu dáng đẹp hay là sắm cả bộ trang trí để trưng hoa vào dịp Tết này.
Ảnh: Hồng Phương Phạm, Hai Yen Bui
Bên cạnh những phụ kiện mua sẵn, cũng có người đăng khắp cõi mạng để tìm một chỗ có thể chế tác chiếc đế bằng gỗ theo một kiểu dáng ưng ý. Theo như tiết lộ, một người thợ đang báo giá 3.400.000đ cho một chiếc đế nhỏ kê bát hoa thủy tiên này.
Một số người lại săn lùng những chiếc bát chiết yêu để tăng sự cổ kính cho bát hoa thủy tiên ngày Tết. Hai chiếc bát được giao bán với giá 500.000đ. Ảnh: Bùi Tôn Quý
Trong thời buổi hiện đại, hầu như nhu cầu gì cũng có thể tìm được dịch vụ đáp ứng. Cũng có những người được tìm đến để gọt củ hoa thủy tiên thuê. Thế nhưng, thường ai đã dấn thân vào bộ môn thủy tiên này thì đều lựa chọn tự tay làm hết. Từ cách chọn, lựa rồi tỉa, dưỡng... cả quá trình như một khoảng lặng - một nốt nhạc trầm trong bản nhạc sôi động ngày Tết đến xuất về.
Người chơi hoa thủy tiên, bất kể già - trẻ, gái - trai, nhưng chính nhưng người trẻ cũng cảm thấy bản thân có chút già đi, phái mạnh thì khéo léo hơn và mang theo hoài niệm. Nhìn hoa nay lại nhớ hoa xưa và nhớ cả những ngày Tết của thời thơ ấu.