• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Câu Then Việt Bắc”: Giới thiệu tinh hoa của Then tới công chúng Thủ đô

29/04/2018 11:04

(Cinet) – Chương trình nghệ thuật “Câu Then Việt Bắc” diễn ra ngày 28/4 tại Đình Kim Ngân và Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội đã mang những tinh hoa của Then tới với công chúng thủ đô.

(Cinet) – Chương trình nghệ thuật “Câu Then Việt Bắc” diễn ra ngày 28/4 tại Đình Kim Ngân và Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội đã mang những tinh hoa của Then tới với công chúng thủ đô.

Nghệ nhân Xuân Bách: Then là hơi thở, Then là cuộc sống




Chương trình do Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, nhóm Đình làng Việt và BQL phố cổ Hà Nội phối hợp tổ chức với sự tham gia của nhiều nghệ nhân Then đến từ các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang... trong đó có các nghệ nhân gạo cội như Nghệ nhân ưu tú Nông Thị Lìm, Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Quang và một số nghệ nhân trẻ triển vọng như Nguyễn Văn Bách (Xuân Bách), Nguyễn Văn Thọ, Hoàng Hữu Năm... Chương trình còn có sự tham dự, trao đổi của một số nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa. Đây  cũng là chương trình biểu diễn hát then đậm đà nhất lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội.

Then – hình thức diễn xướng ca múa nhạc tâm linh đặc sắc

"Múa sư tử dân tộc Nùng" khai màn chương trình "Câu then Việt Bắc". Ảnh: Gia Linh

Theo TS Trần Đoàn Lâm – Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới, Then là hình thức diễn xướng ca múa nhạc tâm linh đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng Việt Bắc và Thái Tây Bắc. Hát then vốn là những điệu hát phục vụ trong các nghi lễ tâm linh, được các ông giàng, bà then hát trong những buổi lễ của gia đình, làng bản như cầu an, giải hạn, mừng nhà mới, chúc thọ người già,… với mục đích cầu mong sự bình an, hạnh phúc đến với làng bản và con người. 

Các nghi lễ then đều gắn chặt với những chặng đường trong cuộc đời con người từ khi sinh ra cho đến khi ra đi về cõi vĩnh hằng. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển cùng những biến động của lịch sử, Hát then đã đi vào đời sống và trở thành một hình thức diễn xướng mang đậm dấu ấn văn hóa Việt

Ngày nay, cùng với các bài then cổ, các bài then lời mới đã được sáng tác và biểu diễn để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của công chúng. Nội dung của các bài then mới thường ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi tình yêu lứa đôi và phục vụ tuyên truyền những chủ chương chính sách của Đảng, Nhà nước như xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn hóa mới,… 

Sự kết hợp giữa then cổ và then mới

Nghệ nhân ưu tú Nông Thị Lìm  và tốp múa chầu trong "Lễ vun hoa". Ảnh: Gia Linh

Điểm đặc sắc của chương trình “Câu then Việt Bắc” là sự kết hợp giữa các giai điệu của then cổ và một số bài then mới đặc sắc.  Trong đó, phần "Từ trong cõi thiêng" với những tiết mục như: “Sláo vế”, “Vọng én”, “Pủ Bioóc pủ va”, “Khỉn khau khắc khau cài”, “Cáp tơ hồng”... đã giới thiệu đến với khán giả những làn điệu then cổ và những nghi thức gắn với vòng đời người Tày, Nùng do các nghệ nhân then tâm linh như NNƯT Nông Thì Lìm, Nghệ nhân Xuân Bách, NNƯT Phạm Duy Quang, Hoàng Hữu Năm, Nguyễn Văn Thọ.

Phần "Câu then vang mãi" là hơi thở đương đại của Then, gồm các bài then đã được đặt lời mới để phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của quần chúng nhân dân như: “Việt Bắc quê em”, “Tẻo chập căn”, “Hái bioóc hái va”, “Lập xuân”...

Thông qua những làn điệu Then cổ đặc sắc được các nghệ nhân gạo cội như Nghệ nhân ưu tú Nông Thị Lìm, Phạm Duy Quang, Nguyễn Văn Bách... trình diễn trong chương trình, khán giả thủ đô đã hiểu hơn về môi trường diễn xướng của hát then. Nếu nghệ nhân Nông Thị Lìm là biểu tượng của những điệu then cổ, thì nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ (sinh năm 1991) dù còn rất trẻ nhưng đã để lại những ấn tượng vô cùng sâu sắc đối với khán giả thủ đô qua các tiết mục biểu diễn điêu luyện, giọng then đầy nội lực cùng nhưng chia sẻ gần gũi về con đường gắn bó với then. Điều đó cũng cho thấy sự tiếp nối của then giữa quá khứ và đương đại tạo nên mạch chảy, sống mạnh mẽ của hình thức diễn xướng ca múa nhạc tâm linh đặc sắc này.

Các nghệ sĩ trong làn điệu then mới "Việt Bắc quê em". Ảnh: Gia Linh

Xuất phát từ tình yêu với các di sản văn hóa của dân tộc 

“Câu then Việt Bắc” là thành quả sau gần 1 năm ấp ủ của nhóm Đình làng Việt và các nghệ nhân. Tại không gian Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội,  nhóm Đình làng Việt đã tổ chức rất nhiều sự kiện, các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa từ chiếu chèo, đến trình diễn áo dài nam truyền thống và hôm nay là diễn xướng then của đồng bào Tày Nùng. 

Chia sẻ với với công chúng về lý do tổ chức chương trình “Câu then Việt Bắc” tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Bình, trưởng nhóm Đình làng Việt, đồng chủ trì tổ chức chương trình khẳng định tất cả bắt nguồn từ tình yêu cũng như nhận thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, và mong muốn  giúp công chúng hiểu cũng như thưởng thức những tinh hoa của loại hình nghệ thuật hát then.

 “Thông qua chương trình “Câu then Việt Bắc”, nhóm Đình làng Việt mong muốn thúc đẩy các thành viên và cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc và đặc biệt là truyền ngọn lửa đam mê với các giá trị di sản văn hóa dân tộc cho các bạn trẻ” – ông Bình  chia sẻ.

Không phụ lòng Ban Tổ chức, chương trình “Câu then Việt Bắc” đã được sự đón nhận rất nồng nhiệt của người dân thủ đô và đặc biệt là cả các vị khách quốc tế. Bà Đại sứ Mexico tại Việt Nam chia sẻ “Tôi muốn nói lời cảm ơn. Đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội rất tuyệt vời để được xem một chương trình trình diễn nghệ thuật truyền thống tại sân khấu này. Tôi thực sự xúc động vì đã được nhìn thấy vẻ đẹp của nghệ thuật diễn xướng, phong tục tập quán của các dân tộc trên đất nước Việt Nam qua sự trình diễn của các nghệ nhân từ già đến trẻ trên sân khấu”.

Những tràng vỗ tay không ngớt sau mỗi tiết mục biểu diễn và cuối cùng cả các nghệ sĩ và khán giả đã hòa làm một trong những giai điệu truyền thống rộn ràng của núi rừng. Có lẽ phải rất lâu nữa, một chương trình đậm chất then, đậm chất truyền thống như vậy mới có dịp “bùng nổ” tại “thánh đường” của nghệ thuật truyền thống của thủ đô. Mong rằng với nhiệt huyết của mình các thành viên của nhóm Đình làng Việt và các nghệ nhân, nghệ sĩ sẽ tiếp tục cống hiến những giây phút “say đắm” của nghệ thuật truyền thống tới công chúng, để những di sản văn hóa vô giá đó luôn sáng mãi, luôn hiện hữu trong dòng chảy của dân tộc./.

 

 

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ