• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Cây bất tử” được người Mường thờ phụng để lấy may cho năm mới, nếu mua vào mùng 1 Tết thì tuyệt đối không làm điều này

Văn hoá 20/01/2025 08:00

(Tổ Quốc) - Tục lệ mua loại "cây bất tử" này vào ngày Tết và kiêng kỵ mặc cả là một nét văn hóa độc đáo, thể hiện sự tôn trọng đối với tổ tiên và ước mong một năm mới an lành, may mắn của người Mường.

Tết Nguyên đán không chỉ là dịp để sum vầy, mà còn là thời điểm để mỗi người tìm về cội nguồn văn hóa, gìn giữ những phong tục truyền thống tốt đẹp. Trong văn hóa của người Mường, cây mía không chỉ là một loại cây trồng thông thường, mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, được ví như "cây bất tử". 

"Cây bất tử" của người Mường

Mỗi dân tộc đều có một nét văn hóa và tín ngưỡng riêng tạo nên cộng đồng dân tộc đa dạng trải dài suốt chặng đường văn hóa của đất nước. Người Mường cũng vậy. Người Mường, với ảnh hưởng sâu đậm của tín ngưỡng thờ vật tổ, thể hiện sự tôn kính với thế giới tự nhiên qua nhiều hình thức. Bên cạnh việc kiêng kỵ và tôn thờ một số loài vật như chó, khỉ, gà, rùa, người Mường còn lưu giữ tục thờ đá, thể hiện dấu tích của việc tôn thờ lửa, qua hình ảnh ba hòn đá bếp tượng trưng. Trong cuốn Tìm hiểu nghi lễ cưới hỏi, thờ cúng trong dân gian, Hà Hoài Dung biên soạn, Nxb Từ điển Bách Khoa, tác giả cũng đề cập đến việc khi dựng nhà mới, ba hòn đá được đặt làm đầu rau bếp, hòn chính gọi là Nục Thày, đặt chiếu thẳng góc với cột chính ngôi nhà, hai hòn kia gọi là Nục Theo. Bên cạnh bếp đặt hòn đá to hơn gọi là Nục Chủ. 

“Cây bất tử” được người Mường thờ phụng: Ngày Tết nhiều nhà mua về lấy may, mua vào mùng 1 Tết không ai dám mặc cả - Ảnh 1.

Tín ngưỡng phồn thực cũng được thể hiện qua tục thờ thần quả, đặc biệt là quả bí đỏ, biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở với quan niệm: Bụng người đàn bà chửa tròn như quả bí đỏ hoặc mang bầu. Chính vì thế, trong các gia đình người Mường, người ta thường thấy những quả bí đỏ đặt cạnh cột chính trong nhà. Thầy mo làm lễ, cầu khấn cho gia chủ ngôi nhà gặp nhiều may mắn, sinh sôi nảy nở đàn đống như con người từ trong quả bí chui ra.

Tuy nhiên, nổi bật trong hệ thống tín ngưỡng của người Mường là tục thờ cây, trước hết là cây lúa. Ở giữa nhà người Mường Hòa Bình treo cây lúa nương đã trổ bông khá dài. Trong lễ Tết cơm mới, thầy mo đọc bài mo về nguồn gốc cây lúa, gọi vía lúa về. Gia chủ thờ cúng tốt, vía lúa mẹ sẽ gọi vía lúa con về sinh sôi nảy nở.

Trong văn hóa của người Mường, cây mía cũng chiếm vị trí quan trọng, được xem là "cây bất tử". Tín ngưỡng này thể hiện qua nhiều nghi lễ quan trọng trong đời sống. Trong lễ Tết cơm mới, cây lúa nương được thờ cúng, cầu mong mùa màng bội thu. Còn cây mía lại gắn liền với vòng đời con người, từ lúc sinh ra đến khi qua đời. Trong đám tang, cây mía được vác trên vai người hát nhà xe, tiễn đưa người mất về nơi an nghỉ. Trong đám cưới, cây mía lại tượng trưng cho ước nguyện về một gia đình đông con cháu. 

Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình người Mường đặt cây mía lên bàn thờ tổ tiên, thể hiện lòng thành kính và cầu mong may mắn, sung túc cho năm mới. 

"Tiên nhân trượng" trên bàn thờ gia tiên

Không chỉ riêng người Mường, hình ảnh cây mía đã trở nên quen thuộc trong mỗi dịp Tết đến xuân về của người Việt. Trong An Nam phong tục sách của Mai Viên Đoàn Triển cũng có nhắc tới việc này: “Thường hay dùng cây mía để cả gốc cả ngọn để thờ cúng gia tiên, gọi là gậy ông vải”, hay còn được biết đến với tên gọi "tiên nhân trượng". Trên bàn thờ ngày Tết, hình ảnh hai cây mía đặt hai bên như những "bậc thang" vô hình, tượng trưng cho con đường đón tổ tiên về sum vầy cùng con cháu.

Khi chọn mía cúng Tết, người ta thường ưu tiên những cây mía với lóng mập mạp, đều đặn, vỏ bóng đẹp và phần ngọn xanh tươi. Những lóng mía ấy không chỉ là "gậy ông vải," mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho những nấc thang dẫn lối đến một cuộc sống may mắn và tốt đẹp hơn.

Đặc biệt, tục lệ mua mía vào ngày mùng 1 Tết mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Sau thời khắc Giao thừa, nhiều người đi lễ chùa, hái lộc đầu năm, trên đường về thường ghé mua một túi muối gói trong vải đỏ và một cặp mía thắt nơ đỏ. Cặp mía này mang theo ước nguyện về một năm mới an lành, suôn sẻ. 

Tục lệ này phổ biến đến mức, vào ngày mùng 1 Tết, việc mua mía diễn ra rất tự nhiên, thuận mua vừa bán, hầu như không ai mặc cả. Bởi lẽ, người ta tin rằng việc mặc cả vào ngày đầu năm, đặc biệt là với vật phẩm mang ý nghĩa may mắn như mía, sẽ làm "mất lộc" và ảnh hưởng đến vận may cả năm. Quan niệm "đã là may mắn thì không nên bớt xén" đã ăn sâu vào tâm thức dân gian.

Không chỉ ở Việt Nam, cây mía còn mang ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa của một số vùng ở Trung Quốc, cho thấy sự giao thoa văn hóa thú vị. Ví dụ, tại một số vùng nông thôn miền Nam Phúc Kiến và Hàng Châu, người ta cũng có tục lệ sử dụng mía vào dịp Tết. Thay vì đặt trên bàn thờ như người Việt, họ dựng hai cây mía, buộc bằng nơ đỏ, phía sau cửa chính. 

Bên trên còn dán giấy đỏ với dòng chữ “mở cửa gặp may mắn”, tượng trưng cho việc đón nhận những điều tốt lành ngay khi bước chân ra vào. Điều đặc biệt là bên ngoài cửa thường dán câu đối chúc tụng. Hành động mở cửa tượng trưng cho việc bước vào một không gian an lành, thịnh vượng. Với người Phúc Kiến, câu đối thường mang ý nghĩa “thư niệm” (ghi nhớ điều tốt đẹp), kết hợp với hình ảnh cây mía tựa vào cửa mang ý nghĩa “nhà sẽ không đổ, mọi chuyện sẽ suôn sẻ”, thể hiện mong ước về một năm mới vững chắc, an yên. 

Cách lý giải này một phần xuất phát từ cách phát âm tiếng địa phương, trong đó việc đặt mía sau cửa gần âm với “bước vào thời điểm tốt lành trong năm mới”. Vào ngày mùng một Tết, người dân còn cắt mía, bày lên đĩa để mời khách đến chúc Tết, thể hiện lòng hiếu khách và mong muốn chia sẻ may mắn.

Chính vì ý nghĩa trường tồn, sinh sôi và mang lại may mắn, cây mía đã trở thành một biểu tượng văn hóa độc đáo, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người Việt, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán. Đó không chỉ là một vật phẩm thờ cúng, mà còn là biểu tượng của hy vọng, niềm tin vào một năm mới an lành và thịnh vượng.

Tú Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ