(Tổ Quốc) - Cứ mỗi độ thu sang, cây ngân hạnh gần 1.000 tuổi chuyển lá vàng rực cả một góc trời ở thành phố Wonju, tỉnh Gangwon (Hàn Quốc) lại thu hút sự chú ý của du khách và cả cư dân mạng.
- 08.12.2022 Điểm mặt 5 cây cổ thụ có tuổi thọ lâu đời nhất trên thế giới
- 02.07.2022 Những cây cổ thụ xanh tốt nghìn năm, 'thách thức' thời gian ở thủ đô Hà Nội
- 24.06.2022 Cây cổ thụ hơn trăm tuổi phun nước như thác đổ, người tới xem nườm nượp vì quá đỗi lạ thường
- 19.06.2022 Kỳ lạ cây cổ thụ hơn 100 tuổi "hóa" đài phun nước suốt 20 năm: Hóa ra nguyên nhân chôn sâu dưới lòng đất
Từ lâu, cây cổ thụ hơn 800 năm tuổi này đã trở thành điểm đến thu hút du khách bậc nhất Hàn Quốc vào mùa thu. Ước tính có tới hàng ngàn lượt du khách tìm đến để tận mắt nhìn thấy cây ngân hạnh khổng lồ.
Ngày 31/10, tờ tin tức Korea Joongang Daily đã đăng tải bức ảnh với tiêu đề "Lá vàng" cho thấy hình ảnh cây ngân hạnh năm nay vẫn đẹp không kém gì so với các năm trước. Bức ảnh được đăng với chú thích: "Du khách đến thăm cây ngân hạnh (còn có tên gọi khác là cây bạch quả) khổng lồ được cho là đã 859 tuổi ở Bangye-ri, Wonju, tỉnh Gangwon vào thứ Ba, ngày cuối cùng của tháng 10. Cây cao 32 mét và có chu vi 16,27 mét. Cây ngân hạnh này đã được chỉ định là Di tích thiên nhiên số 176 vào năm 1964".
Theo trang web Wonju City, ngân hạnh là một trong những loài cây lâu đời nhất được mệnh danh là "hóa thạch sống". Loài cây này được trồng rộng rãi ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Ngân hạnh lần đầu tiên được đưa vào Hàn Quốc khi Nho giáo và Phật giáo du nhập từ Trung Quốc sang.
Ở Hàn Quốc, cây ngân hạnh thường được trồng ở trước các cửa hàng hoặc những con đường rợp bóng cây vì chúng có tán lá mùa thu tuyệt đẹp, có khả năng chống lại bệnh bạc lá, côn trùng gây hại và mang lại bóng mát.
Cây ngân hạnh ở thành phố Wonju ước tính khoảng hơn 800 năm tuổi. Với các tán cây tỏa về mọi hướng, nó gây ấn tượng cho bất kỳ ai nhìn thấy.
Có nhiều truyền thuyết và câu chuyện dân gian khác nhau về cây ngân hạnh này được người dân địa phương truyền miệng từ đời này sang đời khác.
Có người kể rằng một người đàn ông thuộc tộc Seongju Lee đã trồng cây ngân hạnh và chăm sóc nó trước khi rời làng. Trong một câu chuyện khác, người ta kể rằng có một nhà sư ghé qua ngôi làng trên đường đi đến vùng khác để uống nước và ông đã bỏ lại cây gậy khi rời làng. Cây gây cứ thế lớn lên và trở thành cây ngân hạnh cổ thụ như ngày nay.
Ngoài ra, vì tin rằng trong thân cây có con rắn trắng sinh sống, dân làng coi nó là vật linh thiêng không nên chạm vào. Người dân nơi đây cũng quan niệm rằng họ sẽ có một vụ mùa bội thu nếu lá cây cùng lúc chuyển sang màu vàng vào mùa thu.
Nhìn chung, cây ngân hạnh này đã được người dân địa phương chăm sóc trong nhiều thế kỷ và được tôn kính như một cây linh thiêng trong nhiều truyền thuyết và truyện cổ tích. Nó được coi là tư liệu quý giá để hiểu về văn hóa dân gian. Vì lý do này, cây ngân hạnh đã được chỉ định và bảo vệ như một di tích tự nhiên.
Hàng năm, vào giữa tháng 10 đến đầu tháng 11, rất đông du khách từ khắp nơi đổ về ngắm cảnh, chụp ảnh. Từ thủ đô Seou, du khách di chuyển khoảng 130 km về phía Đông là có thể chiêm ngưỡng được cây cổ thụ này. Du khách có thể di chuyển bằng cả phương tiện giao thông cá nhân lẫn công cộng.