• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

CEO Aloha Consulting Group: 17 tuổi khởi nghiệp lỗ 2 tỷ, nay ôm hoài bão lớn với nghề

Kinh tế 18/11/2022 10:16

(Tổ Quốc) - Nguyễn Thạc Thắng từng là chuyên gia nhân sự trẻ nhất Việt Nam, cũng là người giúp xây nên thành công của một trong những công ty nhân sự lớn nhất Việt Nam hiện nay - PersolKelly Việt Nam (tiền thân là First Alliances Hà Nội) khi mới 26 tuổi. Thế nhưng, với Thắng tất cả những thành công đó đều không quan trọng bằng một việc: “Lấy lại niềm tin của gia đình”.

CEO Aloha Consulting Group: 17 tuổi khởi nghiệp lỗ 2 tỷ, 26 tuổi là giám đốc công ty headhunt nổi tiếng Việt Nam, nay ôm một hoài bão lớn với nghề - Ảnh 1.

GIẤC MƠ CEO VÀ KHOẢN LỖ 90.000 USD XỨ NGƯỜI

* Thắng mới 33 tuổi nhưng đã có 12 năm kinh nghiệm trong nghề tư vấn nhân sự, đồng thời đảm nhiệm những vị trí cao trong các công ty tư vấn nhân sự hàng đầu Việt Nam. Liệu có một người nào đi trước dẫn bạn vào con đường này?

Ngược lại là đằng khác, hành trình này lại bắt đầu bằng câu hỏi: "Làm gì để lấy lại niềm tin của gia đình"?

Tôi sang Anh năm 16 tuổi, theo học ngành Quản trị Kinh doanh. Xa gia đình, lại thêm cái máu ham thành công sớm của tuổi trẻ, chỉ sau đó 1 năm tôi tham gia thành lập một startup bán mô hình máy bay (diecast) cho giới sưu tập chuyên nghiệp. Công việc ban đầu thuận lợi lắm, cũng có doanh thu, có lãi, bán được cho khách hàng không chỉ ở Anh mà còn trên toàn thế giới, tôi còn được chỉ định làm CEO. Công ty cũng đăng ký, đóng thuế đầy đủ như một doanh nghiệp thông thường.

Hồi trẻ thấy như thế thích lắm, nghĩ mình giỏi, có khả năng, có thể làm CEO nọ kia (cười)!

Thế nhưng 3 năm sau, do quản trị không tốt, mọi thứ dần đi khỏi quỹ đạo. Tiền học một năm cả chục nghìn bảng tôi cũng đổ vào công việc kinh doanh. Cứ ngỡ mình làm sai thì mình chịu, cố gắng mà gỡ gạc lại cho gia đình. Ngờ đâu càng gỡ càng "lõm". Suốt mấy năm, tôi chẳng biết ăn tiêu là gì, chỉ cắm đầu vào đi học, đi làm. Sau 3 năm từ 2007 đến 2010, cuối cùng kết lại tôi mất khoảng 90.000 USD (khoảng 2 tỷ đồng).

Điều tôi ân hận nhất là đã khiến bố mẹ thất vọng khi không nói với gia đình trong suốt 3 năm đó. Hai người gầy xọp đi vì lo lắng, còn tưởng tôi chơi bời hay nghiện ngập mà lại mất số tiền lớn thế.

Lấy bằng và về nước năm 2010, cha mẹ cho tôi thời gian để bình ổn tâm lý. Sợ con sốc văn hóa tại Việt Nam, gia đình giục tôi đi làm. Thời đó làm ngân hàng là nhất, nên bố mẹ định hướng vào một ngân hàng lớn của nước ngoài.

CEO Aloha Consulting Group: 17 tuổi khởi nghiệp lỗ 2 tỷ, 26 tuổi là giám đốc công ty headhunt nổi tiếng Việt Nam, nay ôm một hoài bão lớn với nghề - Ảnh 2.

* Vậy điều gì khiến Thắng rẽ sang con đường làm nghề "săn đầu người"?

Vấn đề ở chỗ bản thân lại không thích hướng ngân hàng cho lắm. Suốt mấy đêm cứ vắt tay lên trán để xem mình thích gì, làm gì cho đáng nếu không theo lựa chọn của gia đình.

Câu hỏi đầu tiên trong đầu là: Ở Việt Nam, muốn thành công lâu dài hay có một cái gì đó riêng mình thì cần những yếu tố gì? Tôi nghĩ đến mấy thứ. Một là quan hệ. Hai là tài chính, cái này thì phải mất thời gian để mình tích góp. Ba là các kĩ năng. Tôi nghĩ mình phải nhìn vào 3 thứ đấy để phát triển.

Đặt tiếp một câu hỏi khác: Mình thích cái gì? Cái này thì đơn giản hơn. Tôi thích sales, hoặc công việc gì liên quan đến sales nhiều hơn là các việc chuyên môn như tài chính, marketing. Nói vui vui một chút là mấy bác CEO thường có background làm sales mà (cười). Thứ hai, tôi thích làm việc với con người hơn là các con số hay máy móc.

Vậy tổng hòa câu chuyện là làm Sales, làm việc với con người, mà tính tôi vốn trèo cao nên còn muốn được làm việc với nhân sự cấp cao một chút, để còn được học hỏi từ họ. Đó là khởi đầu vào ngành headhunt (tư vấn tuyển dụng nhân sự cấp cao) của tôi.

* Mới ra trường và trải qua biến cố, nhưng có vẻ Thắng đã xác định rất rõ con đường sự nghiệp của mình?

So với nhiều bạn trẻ khác, tôi nghĩ điều may mắn là tôi đã đặt được những câu hỏi đúng ở một số thời điểm. Tại thời điểm khởi đầu, đó là biết được cái gì mình thích và nó phù hợp với điều kiện mình có. Nhưng đấy chỉ là phía mình thích. Câu chuyện tiếp theo là tìm việc thế nào?

Năm 2010 thì ngành headhunt không được biết đến nhiều tại Việt Nam. Tôi chỉ biết lên mạng tìm các công ty săn đầu người tại Việt Nam. Biết đến ai thì lại lên web của người ta tìm xem có cơ hội nào không. Trên website thì chẳng công ty nào đăng tuyển.

Cuối cùng tôi lên một mạng xã hội để nhắn tin chừng 40 – 50 người đang làm ở công ty nổi tiếng nhất Việt Nam thời đó là Navigos. Nhưng mọi người đều bảo "Em còn trẻ quá, tốt nhất là tìm công việc khác làm đi, sau đó có 3 năm kinh nghiệm rồi thì hãy ứng tuyển lại".

May mắn, có một chị giám đốc gọi tôi đến để phỏng vấn. Ban đầu, chị cũng ngạc nhiên vì thấy tôi trẻ quá, thua người trẻ nhất công ty 5-6 tuổi. Nhưng hôm đấy chắc cũng may mắn thế nào (cười), tôi vượt qua 4 tiếng phỏng vấn liên tục với khoảng 6 người. Sáng phỏng vấn xong, chiều đi làm luôn ngày đầu tiên.

"TRONG NGHỀ HEADHUNT, KHÔNG PHẢI CỨ CÓ KĨ NĂNG TỐT LÀ THÀNH CÔNG"

* Làm headhunter cần những tố chất gì?

Theo tôi, đầu tiên là phải hiểu khách hàng, tức công ty đang tuyển người. Phải hiểu họ cần gì? Vì sao họ lại cần vị trí đấy? Vì thường các công ty đều có bộ phận tuyển dụng riêng, nên phải có lý do nào họ mới cần các công ty headhunt.

Hai là phải nhìn vào tổng quan thị trường, vị trí của khách hàng trong thị trường như thế nào so với những công ty khác. Thường chúng tôi sẽ chia đội ngũ tư vấn tuyển dụng theo ngành. Bởi một người hiểu ngành nghề, từng tuyển cho rất nhiều khách trong đấy rồi, thì sẽ biết được các công ty này công ty kia có những điểm cộng, trừ gì, ứng viên nào đang tốt, ứng viên nào đang có vấn đề, vv. Một chuyên gia tư vấn tuyển dụng nhân sự sẽ cần phải hiểu được tất cả những điều đó.

Thứ ba, người tư vấn phải có một lượng ứng viên nhất định trong lĩnh vực đấy. Để tìm người cho khách hàng thì bản chất họ phải có vốn quan hệ sẵn rồi. Có số lượng thì mới nói đến độ sâu đậm. Có đủ thân thiết với các anh chị ứng viên đó không?

Sau cùng là kỹ năng mềm của người tư vấn. Tiếp cận và làm sao để tạo được độ tin tưởng cho các ứng viên. Nếu chỉ đưa vấn đề tài chính, lương cao, chế độ tốt ra để nói thì nhiều khả năng sẽ không thành công với nhóm nhân sự cấp cao. Theo thang nhu cầu Maslow thì họ ở đang ở top rồi, nên sẽ tìm kiếm những thứ khác hơn việc đơn thuần chỉ là thu nhập. Vậy nên phải tiếp cận thế nào để hiểu được cá nhân ấy là ai, cuộc sống thế nào, mong đợi gì. Tóm lại là rất nhiều thứ.

Lý thuyết là vậy nhưng thực tế rất khó. Đa phần các ứng viên cấp cao có tuổi đời trên 35, cuộc sống gia đình ổn định, dư dả về tài chính, có trình độ kiến thức, họ rất khó chia sẻ những vấn đề trên. Thế nên tư vấn đòi hỏi rất nhiều kĩ năng, kiến thức thì mới có thể tạo ra sự tin tưởng cho ứng viên.

CEO Aloha Consulting Group: 17 tuổi khởi nghiệp lỗ 2 tỷ, 26 tuổi là giám đốc công ty headhunt nổi tiếng Việt Nam, nay ôm một hoài bão lớn với nghề - Ảnh 3.

* Nói vậy thì để thành công trong nghề thì chỉ cần đọc nhiều, rèn luyện nhiều các kĩ năng mềm phải không?

Chưa chắc! Trong nghề nhân sự, không phải cứ có kĩ năng tốt là thành công. Nó còn liên quan đến yếu tố quản lý cảm xúc, mà cái này thì không phải ai cũng học được.

Nghề này mình làm với con người, nên không thể kiểm soát được khách hàng hay ứng viên làm gì. Bất kì một người nào cũng có thể thay đổi quyết định trong vòng 5 phút, mà nhiều khi lý do với mình rất không hợp lý hoặc không thể lý giải nổi. Vậy nên điều khiển được cảm xúc rất là quan trọng.

Cũng bản chất là dịch vụ sales tư vấn thôi, nhưng với sales cái nhà, cái xe nếu khách không mua thì cái nhà, cái xe cũng không phàn nàn về khách hàng được. Ngành này là hai phía đều có thể phản hồi và có lý lẽ của mình. Thậm chí với khách và ứng viên càng cao cấp thì họ càng có đủ lí lẽ để bảo vệ quan điểm riêng. Nên thuyết phục giải thích cho họ không phải dễ.

Từ năm 2015, Nguyễn Thạc Thắng gây dựng nên đội ngũ 60 người của First Alliances Hà Nội – sau đổi thành PersolKelly Việt Nam – và trở thành giám đốc của một trong những công ty headhunt lớn nhất Việt Nam khi mới 26 tuổi. Giờ đây, Thắng bước sang một ngã rẽ mới với Aloha Consulting Group (ACG), nuôi một hoài bão lớn hơn với nghề tư vấn nhân sự tại Việt Nam.

"ĐIỀU TÔI MUỐN LÀ MỌI NGƯỜI CÓ THỂ COI HEADHUNT LÀ MỘT NGHỀ VÀ SỐNG ĐƯỢC VỚI NÓ"

* Tại sao Thắng lại từ bỏ vị trí Giám đốc First Alliances Hà Nội để mở một công ty mới? ACG có gì khác biệt với các công ty nhân sự khác tại Việt Nam?

Trong 3 năm cuối tại công ty cũ, tôi chủ yếu làm công việc quản trị. Không được trực tiếp làm cái nghề của mình là một cái khiến tôi hơi buồn. Bởi khách biết đến mình, mình đã làm việc với khách nhưng đôi khi team lại chưa giúp khách thành công. Vì vậy, trong đầu lúc nào cũng vương vấn một câu hỏi về chất lượng dịch vụ mình mang lại cho khách hàng.

CEO Aloha Consulting Group: 17 tuổi khởi nghiệp lỗ 2 tỷ, 26 tuổi là giám đốc công ty headhunt nổi tiếng Việt Nam, nay ôm một hoài bão lớn với nghề - Ảnh 4.

Sau một thời gian, tôi quyết định sẽ làm một dịch vụ tập trung vào phân khúc cao hơn. Số lượng có thể không nhiều lắm nhưng nó sẽ giúp mọi người có được một dịch vụ tốt hơn, chỉn chu hơn. Phân khúc của Hays, Robert Walter hay Michael Page đang làm là điều mà ACG đang hướng tới.

Hiện nay nhiều công ty tư vấn tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam đang hoạt động tại hai phân khúc là mass (nhân sự đại trà) và middle (nhân sự cấp trung - mức lương khoảng 2000-5000 USD/tháng). Với phân khúc cao hơn nữa, với các ứng viên giữ vị trí quản lý, giám đốc/tổng giám đốc thì mới chỉ có một số công ty nước ngoài hoạt động. Với nhóm này thì chất lượng công việc, yêu cầu khách hàng cao hơn nhiều, mức lương cũng từ 5.000- 15.000 USD/tháng, và có những trường hợp đặc biệt lên tới gần 1 triệu USD/năm.

Cái nữa là công ty sẽ không làm rộng theo các mảng như các nơi khác, mà sẽ tập trung vào công nghệ, tài chính, những ngành liên quan đến chuyển đổi số nhiều hơn. Ngoài ra, thị trường cũng sẽ mở rộng ra Tp.HCM và có thể ra các thị trường khác trong khu vực. Với tôi, nó như một cánh cửa mới với nhiều điều hay ho đang cần mình khám phá.

* Vậy Thắng có điều gì chưa hài lòng với ngành tư vấn nhân sự tại Việt Nam?

Khi xây dựng công ty này, điều tôi muốn là mọi người đến đây có thể coi headhunt là một cái nghề, và sống được với nó. Ở Việt Nam nhiều người vẫn chưa coi đây là một nghề lâu dài, chắc mới chỉ là công việc thôi. Phần nhiều các bạn làm headhunt được một thời gian, khoảng 1-3 năm, là có thể sẽ thay đổi.

Lý do là bởi một số công ty vẫn coi các bạn tư vấn là sales nhiều hơn. Ban đầu chốt được deal thì vui lắm, lại có tiền. Nhưng sau một thời gian sau không có khách, hoặc nghỉ ốm, sinh em bé thì thu nhập lại ảnh hưởng nhiều. Ở nước ngoài thì với nghề này phần thu nhập cố định cao hơn, có nhiều người vẫn làm headhunt cho đến 50-60 tuổi là điều bình thường.

Tổng kết lại muốn làm gì đó lâu dài phải có 3 cái: Một là yêu nghề, Hai là có thể phát triển được, Ba là thu nhập ổn định. Khi nhìn vào đó, tôi muốn làm cái gì đó để mọi người có thể gắn bó với nghề, chứ không đơn thuần chỉ chốt deal kiếm tiền từ khách. Nhưng nó sẽ liên quan đến câu chuyện đầu tư, tài chính bền vững, chọn lựa nhân sự như thế nào.

CEO Aloha Consulting Group: 17 tuổi khởi nghiệp lỗ 2 tỷ, 26 tuổi là giám đốc công ty headhunt nổi tiếng Việt Nam, nay ôm một hoài bão lớn với nghề - Ảnh 5.

* Vậy ngay từ ban đầu, Thắng phải lựa chọn nhân sự rất kĩ?

Đúng rồi, tôi có thể dạy cho các bạn cái nghề, có thể kiếm được khách hàng cho các bạn làm, công ty cũng có chế độ tốt. Vậy đổi lại, tôi sẽ không chọn các bạn nào vào chỉ để kiếm tiền, mà là những bạn có thể đi dài hơi trên con đường này.

Hiện nay phân khúc của công ty đã cao hơn, lĩnh vực cũng có cái mới hơn, thì đòi hỏi rất nhiều kĩ năng và kiến thức của các bạn ở công ty. Để khách hàng biết đến mình, tin tưởng mình bằng chất lượng dịch vụ thì đấy là cả một quá trình và sự đóng góp rất nhiều của đội ngũ công ty.

Nói về lợi thế cạnh tranh, định vị chiến lược, dịch vụ các thứ, thì rốt cuộc thành công hay không đến từ con người. Đấy là những cái tôi hướng tới nhiều hơn: xây dựng văn hóa và chọn lựa, đào tạo mọi người, giúp mọi người tư duy tốt trong công việc. Sau đấy hi vọng lâu dài họ sẽ có các kĩ năng đủ tốt, tư duy đủ tốt để ra ngoài kia giúp được ứng viên và khách hàng một cách tốt nhất.

Với tôi, ACG có thể sẽ không trở thành một công ty siêu lớn trong tương lai, nhưng tôi hi vọng từng thành viên trong công ty sẽ mang sự tử tế, vui vẻ và hợp tác thành công tới những người bạn và đối tác của công ty.

* Cảm ơn Thắng vì buổi trò chuyện này!

Nam Trần

NỔI BẬT TRANG CHỦ