• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

CEO Egroup - Tập đoàn sở hữu chuỗi Apax English: Khối giáo dục tư nhân chưa mặn mà với giáo dục công vì gặp khó về đất đai và giấy phép lao động

Kinh tế 08/01/2020 18:05

Nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân e ngại khi đầu tư vào mảng giáo dục công là bởi chưa có sự hỗ trợ thích đáng từ chính sách Nhà nước, về đất đai cũng như các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, sếp nữ của Egroup tin rằng, những hạn chế sẽ được cải thiện trong tương lai.

"Hàn Quốc sau chiến tranh thế chiến thứ II là một trong những nước nghèo nhất châu Á. Với quyết tâm xóa nghèo, người Hàn đã đặt trọng tâm vào giáo dục. Ở thập niên 70, Hàn Quốc đã cử hàng ngàn sinh viên sang các nước châu Âu du học, sau đó tìm cách chiêu dụ họ hồi hương phục vụ đất nước.

Hiện tại, họ là một trong những nước có tỷ lệ du học sinh quay về cao nhất châu Á, với 75%; Trung Quốc chỉ có 50%, Ấn Độ là 65%. Mỗi năm Việt Nam chi khoản 3 tỷ USD cho việc du học và tỷ lệ sinh viên Việt Nam quay về cũng rất ít.

Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn khuyến khích những học sinh nằm trong Top 5% xuất sắc nhất trở thành giáo viên và lương giáo viên ở đất nước này cũng được trả khá cao. Và họ đã tạo nên ‘kỳ tích sông Hàn’ nhờ chiến lược táo bạo đó", bà Vũ My Lan - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Egroup mở đầu trong phần chia sẻ của mình ở Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020 vừa diễn ra.

Việt Nam chúng ta có những điều kiện tương tự như Hàn Quốc, chúng ta cũng đã không ít lần nói đến sự quan trọng của giáo dục, nhưng trong quá khứ, chúng ta vẫn chưa coi trọng và quan tâm đúng mức như họ. Với những diễn biến khôn lường của thời cuộc, giáo dục ngày càng có vai trò quan trọng hơn nữa.

Trong thời kỳ chuyển tiếp như ở hiện tại, giáo dục có quyết định then chốt với mỗi cá nhân, đất nước. Theo bà My Lan, tại thời đại kỷ nguyên số này, nếu nguồn nhân lực không được chuẩn bị tốt, chúng ta có thể thua ngay trên sân nhà.

Bởi, nếu so với 10 đến 15 năm trước đây, nhiều ngành nghề đã biến mất, 70% đến 80% ngành nghề ở thời điểm hiện tại sẽ được thay thế bằng những ngành nghề mới trong tương lai. Nếu Việt Nam không được chuẩn bị tốt cho sự chuyển biến này, chúng ta sẽ bị tụt hậu.

Ví dụ, ở kỷ nguyên 4.0, tại Trung Quốc, nhiều em nhỏ được học lập trình song song với học chữ, còn tại Hàn Quốc, có cuộc thi lập trình cho học sinh có tới 4.000 em tham dự. Nhiều cha mẹ thậm chí còn đi học lập trình với con, bởi họ biết, nếu con họ không trang bị đầy đủ kiến thức về số, sẽ rất khó phát triển trong tương lai.

Với 14 công ty thành viên, Egroup đang là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực giáo dục tư nhân tại Việt Nam, đặc biệt là ở phân khúc dành cho thanh thiếu niên. Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, họ cũng gặp những khó khăn riêng của bản thân và những khó khăn chung về mặt thể chế mà nhiều doanh nghiệp giáo dục Việt Nam cùng đang gặp phải.

"Hiện tại, vẫn còn dư địa rất lớn ở mảng giáo dục công mà khối đầu tư tư nhân có thể khai thác. Khối tư nhân vẫn chưa quan tâm thích đáng đến mảng giáo dục công hay ứng dụng công nghệ trong giáo dục, mà thường quan tâm đến mảng giáo dục thường xuyên như mở các trung tâm dạy ngoại ngữ hay các kỹ năng mềm.

Trong vài năm gần đây, ngân sách mà Nhà nước dành cho mảng giáo dục công vẫn còn hạn chế, trong khi Việt Nam có dân số trẻ và cha mẹ rất chịu khó đầu tư vào chuyện giáo dục cho con cái, khi hơn 40% chi tiêu gia đình là giành cho giáo dục. Tại Việt Nam, nhu cầu về giáo dục chất lượng cao rất lớn.

Đầu tư cho giáo dục vẫn đang tập trung ở các thành phố lớn, mặc dù ở các vùng sâu vùng xa có nhu cầu rất cao, nhưng ít doanh nghiệp chịu về, nên trẻ em ở đó vẫn chưa có điều kiện thụ hưởng được nền giáo dục chất lượng như ở các thành phố lớn", bà My Lan cho biết thêm.

Nguyên do, theo quan điểm của vị doanh nhân này, là bởi đầu tư tư nhân trong mảng giáo dục công hiện gặp rất nhiều bất lợi.

Đầu tiên là vấn đề đất đai: theo quy định của Nhà nước, tại khu vực thành phố, 1 học sinh cần 6m2; còn ở nông thôn là 1 học sinh cần 10m2. Cùng việc nhà nước chưa hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân trong việc thuê hoặc mua đất đai, với giá đất hiện tại, nếu xây trường theo đúng diện tích quy định, sẽ tạo nên gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp, buộc họ phải đẩy học phí lên cao.

Vấn đề thứ hai là các loại giấy phép lao động: theo quy định pháp luật, muốn nộp đơn xin giấy phép mở trung tâm ngoại ngữ, phải kèm theo hồ sơ giáo viên cùng hợp đồng lao động. Tức là, dù chưa có trường lớp, chủ đầu tư vẫn phải ký hợp đồng lao động với giáo viên. Vấn đề là, khi thuê giáo viên Anh ngữ, doanh nghiệp cũng cần phải kiểm tra chuyên môn hay khả năng sư phạm, phải có 2 tháng thử việc.

Thế nên, không ít lần doanh nghiệp giáo dục Việt đành phải lãng phí công sức xin giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài, chi phí tuyển dụng và có khi phải tài trợ vé máy bay đi lại cho họ.

Dù vẫn còn nhiều bất cập là thế, song đại diện Egroup cho biết họ có chiến lược sẽ mang tiếng Anh và công nghệ về những vùng sâu vùng xa khắp đất nước Việt Nam. Mang công nghệ vào tương tác dạy học, đưa e-learning, AI và VR cho việc dạy và học ở bậc mầm non.

Cuối cùng, bà My Lan tiết lộ rằng, bà vẫn đặt nhiều hy vọng và lạc quan vào sự hỗ trợ của chính sách cho ngành giáo dục từ Chính phủ Việt Nam trong tương lai.

NỔI BẬT TRANG CHỦ