• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Cha mẹ ơi, xin hãy lắng nghe! Vì con mới chỉ học trò!"

Giáo dục 28/05/2018 09:50

(Tổ Quốc) -Câu chuyện cô bé 15 tuổi tố anh rể của mình bạo hành mình từ suốt năm lớp 6 đến nay đang trở thành tâm điểm chú ý của cư dân mạng. Với 12 năm giữ chuyên mục tư vấn trên báo Hoa Học Trò, anh Chánh Văn chia sẻ về nỗi cô đơn của tuổi mới lớn. "Cha mẹ ơi, xin hãy yêu con thêm lần nữa!"

Từng có hàng vạn lá thư học trò mong được chia sẻ

Chuyện đúng sai thế nào thì các nhà báo, đồng nghiệp của tôi đang vào cuộc tìm hiểu cùng 18 cơ quan, tổ chức chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Cá nhân tôi, một người có 12 năm giữ chuyên mục Chánh Văn trên báo Hoa Học Trò - nhân vật được hàng triệu học trò cả nước nhiều thế hệ tin tưởng, yêu mến và gửi lời tâm sự - thì nó còn mang một ý nghĩa khác.

Cô bé phải dùng mạng xã hội để mong được lắng nghe. Suốt bao năm qua, hàng vạn học trò cũng muốn được tâm sự, được lắng nghe qua những lá thư gửi anh Chánh Văn. Được lắng nghe và tôn trọng - đó là nhu cầu có thực của các bạn học trò.  

Đó là nhu cầu được chia sẻ, được người lớn, cha mẹ, thầy cô lắng nghe mình, được tôn trọng và tin tưởng của tuổi mới lớn. Đó là một nhu cầu gần như mặc định của lứa tuổi này. Và đó cũng là lý do báo Hoa Học Trò của tôi có “nhân vật ảo mà rất thật - hư cấu mà vẫn chân thành”: Anh Chánh Văn.

Tôi tiếp quản vai trò này từ sếp của tôi - người thầy đầu tiên của tôi trong nghề báo, anh Đoàn Công Huynh sau 10 năm anh khởi tạo và xây dựng lên nhân vật Chánh Văn này. Tôi đã làm anh Chánh Văn suốt 12 năm sau đó để rồi đến tận bây giờ, khi đã thôi nhiệm vụ này, nhiều bạn đọc vẫn gọi tôi là Anh Chánh Văn.

Kể như thế để thấy rằng trong suốt 22 năm tuổi đời ấy, hàng vạn lá thư tâm sự của học trò đủ để tôi nhận ra rằng được tâm sự, được nói ra, được người khác lắng nghe mình là một nhu cầu rất lớn của tuổi học trò. Không như người trưởng thành biết chọn người để tâm sự hoặc đủ trải nghiệm để tự giải quyết vấn đề của mình, những đứa trẻ mới lớn không làm được vậy.

Các em chỉ biết trông đợi vào cha mẹ, thầy cô. Thế giới trong các em thế nào đều được hình thành từ chính người cha, người mẹ, người thầy, người cô ấy. Các em có nhu cầu được chia sẻ, được bày tỏ, và được người khác lắng nghe mình. Thế nên trong hàng triệu lá thư các em gửi về anh Chánh Văn, những câu hỏi kiểu “Làm sao đến bố mẹ nghe em nói” hay “Tại sao bố mẹ chẳng bao giờ tin em?” hoặc “Em cô đơn ngay chính trong ngôi nhà của mình” rất nhiều.

Khi cha mẹ bận bịu mưu sinh, việc có thể dành ít phút nghe hết câu chuyện (nhiều khi rất vớ vẩn và không đầu không đũa) của con có thể là điều xa xỉ. Đó là còn chưa kể những bực dọc ngoài kia như sếp vô lý, vô tình, như đồng nghiệp chơi xấu, chơi khó, như tắc đường với những kiểu người vô ý thức, vô tổ chức, như hàng xóm ngồi lê đôi mách, thị phi lắm chuyện…. thì con cái nhiều khi trở thành cái… thớt trút giận của cha mẹ.

Nỗi cô đơn của những trái tim đang lớn

Trong hàng vạn lá thư gửi về, tôi đọc thấy sự cô đơn của các bạn tuổi teen - cái đám mà người lớn chưa tới mà trẻ con đã qua. Nhiều bậc cha mẹ vô lý đến đáng phẫn nộ. Nhiều bậc cha mẹ vô tâm đến đáng buồn. Và nhiều bậc cha mẹ, xin lỗi phải nói là vô hình trước mặt con bởi con cái chẳng bao giờ thấy mặt cha mẹ hoặc cả khi thấy mặt cũng như không vì cha mẹ đang bận… thăng tiến, thành đạt và sống trên đỉnh vinh quang sự nghiệp.

Tôi đọc thấy sự cô đơn ấy đắng đót xiết bao. Càng cô đơn hơn khi nhiều cha mẹ còn không tin, không đặt lòng tin vào con mình, cái kiểu “mày chả làm nên cái trò trống gì cả đâu” hay “con phải thế nào thì mới bị đối xử như thế chứ”…

Việc cha mẹ không đặt lòng tin vào con cái, không tin con cái còn tệ hơn cả bạo hành. Là ở nhà thế, còn ở trường, nhiều khi thầy cô cũng chỉ chăm chăm nhìn điểm số, thành tích mà không dành tâm ý cho trò. Phải thế không mà bất cứ ở đâu có thầy giáo gần gũi học trò hay cô giáo chịu chơi với học trò đều trở thành những tràng xuýt xoa kiểu “thầy giáo nhà người ta”, “cô giáo nhà người ta”?

Trở lại câu chuyện cô bé 15 tuổi đang tố anh rể mình bạo hành, tôi thấy điều đó qua lời trần tình của người anh rể: “Bố mẹ vợ của tôi cũng gửi lời xin lỗi đến tôi, tôi cũng rất tiếc khi mọi việc lại bị nhiều người hiểu nhầm, nhiều người chỉ nghe thông tin một chiều mà đã "ném đá" Minh Tiệp, khiến cho tôi rất thất vọng. Hiện tại, Thuỳ D. đã về Ninh Bình, năm vừa rồi, lớp của em ấy có 38 học sinh, thì bạn ấy đứng cuối lớp với hạnh kiểm khá. Gia đình tôi cũng đang họp bàn về chuyện ồn ào này. Thậm chí, vợ tôi cũng bất bình vì những lời tố cáo của em cô ấy trên mạng xã hội...”.

Không có một chút nào cho thấy tình cảm anh rể - em vợ ở đây. Nó cứ như một lời nhận xét của một người dưng nước lã vậy. Ừ thì anh rể nhiều khi cũng là người dưng, đầu tiên cũng là người dưng. Nhưng chị gái ruột thì sao? Hai người chị cũng lên mạng xã hội tố em gái ruột của mình tạo scandal câu like và bênh cho người chồng, người anh rể của mình. Tôi thấy đắng lòng. Tôi thấy buồn bực.

Cô bé 15 tuổi kia dường như đang cô độc ngay tại chính nhà mình, giữa những người thân của mình.

Xin hãy yêu con thêm lần nữa

Đã hơn một lần tôi cầu xin các bậc cha mẹ thôi bận bịu chỉ để “bán cho con 1 giờ của bố mẹ”. Đã hơn một lần tôi giận dữ lên án các bậc cha mẹ bỏ bê con cái. Bỏ bê trẻ em cũng là một dạng thức của bạo hành trẻ em. Đã hơn một lần tôi buồn bã với những cha mẹ biến con thành cái… thớt.

Hàng chục bài phóng sự tâm lý của chúng tôi với những thông điệp “Bố mẹ ơi hãy yêu con thêm lần nữa”, “Bố mẹ ơi con không phải là cái…thớt”, “Xin lỗi, con không phải là huy chương của cha mẹ”… Là bởi làm con cái của các ông bố bà mẹ kiểu đó thật sự là rất khó, rất khổ và rất đáng phải khóc.

Tư duy, quan niệm kiểu “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” hay hiểu nghĩa “cây muốn lớn khoẻ cần cắt cành ngắt lá” một cách đen xì xì để rồi người lớn cho mình quyền gọt lũ trẻ đứa nào cũng phải tư duy giống nhau, nghĩ khác làm khác sẽ bị coi là hỗn láo không nghe lời. “Trẻ con mà” là câu nói qua quýt, cẩu thả để dễ dàng định lượng, định vị lẫn định chế cho bất kể đứa trẻ ấy mới 5 tuổi, 7 tuổi hay khi nó đã 15-17 tuổi. Và đặc biệt, không tin vào lũ trẻ vì chúng là “trẻ con mà” (?)

Tôi vẫn nghĩ, nếu như gia đình cô bé 15 tuổi kia mà biết lắng nghe cô bé thì có lẽ sẽ không bao giờ có bạo hành để rồi có một status đến đau lòng như thế. Đến bao giờ cha mẹ sẽ tin con mình và chịu lắng nghe con mình???

Hoàng Anh Tú

(Nguồn: Khám Phá)

NỔI BẬT TRANG CHỦ