(Tổ Quốc) - Trong khuôn khổ chương trình "Ơn nghĩa sinh thành" do báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức tối 15/8, khán giả đã được thưởng thức tiểu phẩm 'Cha và con" (kịch bản Anh Duy), do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ thể hiện khiến nhiều người xúc động và nhận ra những bài học sâu sắc về tình cảm gia đình.
Tiểu phẩm mang đến câu chuyện đơn giản nhưng khiến bao người phải suy ngẫm. Đó là một người cha bị liệt nửa người, phải ngồi xe lăn và mất trí nhớ. Nhưng thật kỳ diệu và có phần lạ lùng là người cha đó luôn nhớ về những kí ức tươi đẹp với anh con trai có sở thích ăn bánh rán từ lúc bé thơ. Có lẽ nhờ những kí ức tươi đẹp này mà người cha chống trọi và dần chấp nhận rồi vượt qua được thực tại phũ phàng này.
Bằng tình yêu vô bờ với người con, ông nhắc về con trai mình với tất cả niềm tự hào và hạnh phúc. Đây chính là điểm sáng của tiểu phẩm để chúng ta thấy được ông yêu con đến nhường nào và quá khứ đẹp đẽ là thứ sẽ tồn tại lâu bền mãi trong mỗi người. Cho dù con người có xảy ra biến cố gì, có mất đi trí nhớ thì những gì từng mang đến hạnh phúc cho chúng ta vẫn sẽ ở lại, lấp lánh và như một điểm tựa tinh thần.
Bên cạnh đó là một cô bán bánh rán tần tảo chăm lo bố chồng như bố đẻ khiến khán giả vô cùng bất ngờ không nghĩ đó là con dâu của ông. Cô ấy có thể không học cao, không làm một công việc cao sang, nhưng ứng xử với bố chồng thì khiến nhiều người xúc động và đánh giá cao nhân cách cao đẹp.
Nhưng rồi lại một biến cố khác bất ngờ ập đến khi nhóm xã hội đen đến đập phá cửa hàng, đòi số tiền nợ đến một tỉ đồng, con số quá khủng khiếp đối với một gia đình nghèo. Khi tất cả đang lo lắng tìm phương cách giải quyết thì anh con trai trở về, đòi đưa vợ với đứa con trong bụng đi trốn, bỏ lại người bố tàn tật.
Anh con trai lấy lí do bố đã liệt bao nhiêu năm, không giúp được gì cho khoản nợ này lại tốn nhiều tiền thuốc thang. Người cha trong mắt anh lúc này chỉ trở thành gánh nặng cho hai vợ chồng. Vì thế cách tốt nhất là bỏ lại người cha lại.
Song trái với suy nghĩ của anh con trai, người vợ không đành lòng và nhất định không bỏ bố ở lại. Giữa cuộc giằng co giữa đi với ở, người cha bất ngờ tỉnh táo. Và như có phép nhiệm màu giữa màn đen u tối và bế tắc, ông nhớ ra mình có số vốn tiết kiệm được sau nhiều năm tần tảo gà trống nuôi con. Số tiền này ông không hề đắn đo và trao cả cho con trai để trả nợ.
Một nút thắt bất ngờ nữa là khi chìm vào vô thức, ông lại chập chờn nhớ về chuyện ngày xưa khi nghe tin con bị ngã, ông vội chạy đến đón con thì bị tai nạn, gãy chân, từ đó bị liệt. Nguyên nhân ông bị liệt là vì quá lo lắng, quá vội vàng, quá mất bình tĩnh khi nghe tin con gặp nạn. Tất cả những ngọt bùi, đắng cay trong cuộc đời người cha đều vì con. Vậy mà đã có những giây phút người con quên đi sự có mặt của cha mình, quên đi những tần tảo hi sinh của cha mình. Anh đã định bỏ lại người cha già nua, bệnh tật để sống cuộc sống thảnh thơi hơn.
Hồi ức của người cha đã như ánh chớp xóa tan màn đêm u mê lầm lỗi của người con, khiến anh hối hận vô bờ và thức tỉnh, trở lại con đường thiện lương. Cho dù anh con trai có nhận ra sự thật đắng chát muộn màng này nhưng vẫn còn hơn không. Anh vẫn còn có cơ hội sửa sai, chuộc lại lỗi lầm của mình. Và rồi cái kết hai vợ chồng cùng làm lại từ đầu, khắc phục những lỗi lầm đã mắc phải. Người con đã nhận ra những sai lầm của mình để giữ lại vẹn nguyên một gia đình. Có lẽ sự thức tỉnh sớm của anh đã khiến may mắn có cơ hội để sửa sai, chuộc lại lỗi lầm.
Vở diễn khép lại bằng một cái kết có hậu khiến nhiều khán giả vô cùng xúc động. Anh con trai có thể chỉ là một nhân vật được hư cấu trên sân khấu, nhưng hình như suy nghĩ của anh, hành động của anh, sự ích kỷ của anh, sự thờ ơ của anh chúng ta vẫn cứ bắt gặp ở đâu đó trong chính cuộc đời này. Một nhân vật đáng chê trách, nhưng cũng lại rất đời, rất chân thực. Và điểm sáng của vở diễn cũng nhắc nhở chúng ta rằng, cho dù ai cũng có những sai lầm nhưng trên hết sự bao dung của mỗi thành viên trong gia đình sẽ là điểm tựa, là thành trì vững chắc để mọi khó khăn, biến cố dù có tàn nhẫn khắc nghiệt thế nào sẽ đi qua. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, cha mẹ vẫn luôn là người lo lắng, chở che và theo ta suốt cả cuộc đời. Đứng trước mỗi giông gió, lỗi lầm của cuộc đời, tình cha, tình mẹ sẽ luôn như ánh đuốc sáng soi, thức tỉnh, lay động trái tim để ta trở về với đúng nghĩa làm người. Điều giản dị đó không phải ai cũng nhận ra nhưng khi đã thức tỉnh thì vô cùng sâu sắc. Đây chính là bài học về đạo làm con, về chữ hiếu của ngày hôm nay mà mỗi người nên nhìn lại, soi sét và trân trọng hạnh phúc đã và đang có để không phải hối hận cũng như mất đi những điều quý giá nhất.
Hà Anh
*Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện