• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chậm cổ phần hóa: "Càng để lâu bất lợi, thiệt hại sẽ càng nhiều"

Kinh tế 08/08/2019 15:44

(Tổ Quốc) - PGS.TS - Chuyên gia Kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, sự chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn dễ dẫn đến tâm lý hoạt động cầm chừng, chờ đợi, thậm chí là bất an của chính đội ngũ quản lý và người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

nha-may-gang-thep-8-15507436251711903008427

Công ty Gang thép Thái Nguyên bán nhiều lần không ai mua.

Sáng nay (8/8), Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp phối hợp với Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã tổ chức Diễn đàn Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. 

Trong bài phát biểu của mình, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, khi nhắc đến cổ phần hóa, thoái vốn, một trong những điều chúng ta vẫn thường nghe đến nhất là "đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước" hoặc "bán được giá cao nhất" và "không gây thất thoát cho Nhà nước". Tuy nhiên, thực tế, thời gian qua cho thấy còn không ít khó khăn để có thể đạt được những mục tiêu này. 

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian qua bị chậm lại có thể do những nguyên nhân khách quan như nhiều quy định pháp lý chặt chễ hơn, một số khâu, công đoạn buộc phải kéo dài để tránh thất thoát như việc xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý đất đai trước khi cổ phần hóa. 

"Trong suốt thơi gian dài vừa qua, chúng ta đã nghe đến nhiều trường hợp "càng để lâu càng mất vốn" hoặc "càng để lâu càng lỗ". Không ít lần các đồng chí Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành lên tiếng về những dự án như Nhà máy Bột Giấy Phương Nam, Công ty Gang thép Thái Nguyên… bán nhiều lần không ai mua; hoặc không bán được do còn vướng mắc, tồn đọng chưa giải quyết được", ông Long lấy ví dụ. 

Ông Long dẫn tài liệu từ Diễn đàn M&A do Báo Đầu tư tổ chức hôm 6/8, cho rằng, so với thời điểm 2016 - 2017, cổ phiếu của một số doanh nghiệp có vốn nhà nước trong một số ngành, lĩnh vực vốn rất hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại như dược phẩm, công nghiệp nhựa, bia rượu nước giải khát… đang giảm dần.

"Tôi cũng theo dõi những trường hợp báo chí nêu rất nhiều trong thời gian qua, những thương hiệu đình đám một thời mà đến giờ đã bắt đầu hoặc đang có dấu hiệu lụi tàn. Ví dụ như Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (Halico), năm 2011, đã có đại gia ngoại mua 30% cổ phần với giá hơn 200.000 đồng/cổ phiếu; tròn 1 năm trước lên sàn với giá 31.000 đồng/cổ phiếu; đến giờ chỉ còn 12.000 đồng/cổ phiếu và hoàn toàn không có giao dịch. Công ty hoạt động lỗ liên tục từ 2015 đến nay. Công ty mẹ của Halico là Habeco cũng xuống dốc, lợi nhuận sau thuế giảm từ 1.100 tỷ đồng (năm 2014) xuống còn 310 tỷ đồng theo số kế hoạch năm 2019; thị phần giảm từ 21% xuống còn 16%.

Những trường hợp như thế này, nếu Nhà nước không có cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm khó khăn vướng mắc để thoái càng nhanh càng tốt, thì chắc chắn bất lợi và thiệt hại sẽ càng nhiều hơn nếu kéo dài thời gian thoái vốn", ông Ngô Trí Long nêu vấn đề. 

Ông Long cũng nhấn mạnh, sự chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn dễ dẫn đến tâm lý hoạt động cầm chừng chờ đợi, thậm chí là bất an của chính đội ngũ quản lý và người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, doanh nghiệp đã yếu kém sẽ lại càng yếu kém hơn, và Nhà nước sẽ càng khó khăn hơn khi thoái vốn.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, các bộ, địa phương đã phê duyệt phương án cổ phần hóa của 4 DN nhà nước (DNNN) và 2 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có 2 DN thuộc danh sách cổ phần hóa theo công văn số 991. Trong đó, tổng giá trị DN là 680,86 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước là 615,29 tỷ đồng. Cũng trong 6 tháng đầu năm, đã IPO 5 DN, 1 đơn vị sự nghiệp thu về 562,707 tỷ đồng.

Lũy kế từ 2016 đến nay, cả nước cổ phần hóa 162 DN (trong đó có 35 DN thuộc danh sách theo công văn số 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020, đạt 27,5% kế hoạch đề ra) với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 205.433,20 tỷ đồng, bằng 108% tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các DN cổ phần hóa cả giai đoạn 2011 - 2015 (189.509 tỷ đồng).

Về thoái vốn nhà nước tại DN, 6 tháng đầu năm 2019, đã thoái vốn nhà nước tại 30 DN với giá trị sổ sách là 2.769,711 tỷ đồng, thu về 4.938,984 tỷ đồng. Lũy kế từ 2016 đến nay, đã thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg (đạt 21,8% kế hoạch đề ra) với giá trị sổ sách 4.801,432 tỷ đồng, thu về 9.115,042 tỷ đồng.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ