• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chăm râu A Rem

30/12/2015 17:29

(Toquoc)- Cuối đông. Nắng nhạt. Triền lau trắng xốp ven chân đồi đã xuống màu. Vài ngọn gió lẻ lướt qua khiến triền lau dập dờn dư ba tiếc nuối. Sau bao ngày lạnh giá cánh rừng nguyên sinh vùng lõi vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng vẫn không tàn phai héo úa.



(Toquoc)- Cuối đông. Nắng nhạt. Triền lau trắng xốp ven chân đồi đã xuống màu. Vài ngọn gió lẻ lướt qua khiến triền lau dập dờn dư ba tiếc nuối. Sau bao ngày lạnh giá cánh rừng nguyên sinh vùng lõi vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng vẫn không tàn phai héo úa. Nơi chót cùng cành cây khô gầy tưởng chẳng còn sinh lực lú nhú búp non. Trên cây đào dại lấp ló đôi ba bông nở bói. Màu hồng phai bừng lên trong nắng gợi cảm giác mùa xuân ấm áp đang về. Những cánh rừng mưa nhiệt đới trở nên khô ráo. Những con suối trở nên nhu mỳ. Trời thì trong. Mây thì trắng. Bản làng của đồng bào các tộc người thiểu số đông Trường Sơn thoát khỏi tình cảnh loi ngoi trong màn mưa, xiêu dạt trong làn gió. Lũ động vật bắt đầu chui ra khỏi hang lang thang đi kiếm ăn. Mùa vui đã quay trở lại. Người lớn mang váy áo vắt lên tất thảy nơi đâu vắt được. Bọn trẻ con đen thùi lui ngồi chồm hổm trên mấy hòn đá trái lô nhô bên suối. Có vẻ đã nhiều ngày bị mưa gió cầm tù cuồng chân cuồng cẳng nay được giải phóng, nhiều đứa chân nhảy loi choi, tay cầm bông lau già phất cao lên không trung, hò hét ầm ĩ. Trong không gian hanh hao nắng gió chan hoà, tôi cảm nhận được sự bốc hơi của cuộc sống. Mùi đất đai ẩm ướt. Mùi thảo mộc phân huỷ. Mùi quần áo nồng chua. Mùi hơi người hoang dại. Tôi bâng khuâng đi giữa hai mùa. Đông chưa kịp qua mà xuân đã dập dìu men tới. Buốt giá chưa vãn hồi mà ấm áp đã rập rình lan toả. Sơn nữ A Rem tay vẫn còn run run mà má đã nóng dậy màu đào phai. Bản làng của đồng bào A Rem nằm bên đường 20 bừng tỉnh trong cơn nắng cuối đông.

Già làng Đinh Rầu, một nhân chứng lịch sử của người A Rem mộc mạc như sơn nguyên, bí ẩn như sơn nguyên đứng trên con đường bê tông dẫn vào bản mới nói rằng “Đây là thành phố của người A Rem. Nông thôn ở trong tê, cách đây… một đoạn”. Một đoạn của già làng Đinh Rầu lấy mất của chúng tôi thêm mấy giờ đi bộ đường rừng nữa. Thành phố là bản mới với nhà sàn nho nhỏ, mái lợp tôn lạnh đỏ rực chiều xanh; là con đường bê tông lạnh lùng lượn qua bản; là xe máy Tàu; là cái alo lúc nào cũng phát nhạc; là ánh điện sáng rừng hàng đêm. Ở thành phố, người A Rem phải quy mọi thứ thành hàng hóa, mua bán, đổi chác và... chờ cứu trợ. Nông thôn ngược lại. Tất thảy đều của mẹ thiên nhiên. Giá trị sử dụng lớn hơn giá trị kinh tế. Nông thôn là hang đá giữa vùng lõi vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Đinh Rầu tiếp chúng tôi ở đó, trong hang đá vừa đủ cho một gia đình nhỏ sinh sống. Một cái hang đặc biệt và đầy tính lịch sử. Hang Va, nơi lần đầu tiên người A Rem được Bộ đội Biên phòng tìm thấy trong tình cảnh “nguyên thuỷ”. Tồn tại với hai thứ duy nhất: Nước và lửa. Ông nói “Người A Rem của ta không thể quên những hang đá này. Linh hồn của nhiều thế hệ đang ở đây. Sức mạnh của người A Rem đang ở đây!”. Tôi hiểu. A Rem có nghĩa là hang đá, rèm đá. Cách đây non 60 năm, khi Bộ đội Biên phòng gặp được những người A Rem cuối cùng trong hang đá tối tăm giữa đại ngàn Trường Sơn, câu đầu tiên họ nói với bộ đội: “Chăm râu A Rem!”. Có nghĩa “Tôi là người A Rem”. Theo lịch sử, A Rem cùng với Rục là hai tộc người nhỏ nhất và có thân phận đặc biệt nhất trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Rục, A Rem không phải tộc danh. Đó là hai danh xưng được đặt dựa vào địa bàn cư trú. Tộc người sống cuối những suối ngầm gọi tộc Rục. Tộc người sống trong hang đá, mái đá gọi tộc A Rem..



Hang Khe Chim cao nơi ông bà Đinh Nê thường xuyên ở (ảnh: PLO)

Năm 1956, lần đầu tiên người A Rem được phát hiện. Lúc đó dân số chỉ còn vỏn vẹn 18 người. Trong đó có già làng Đinh Rầu. Ông là người duy nhất còn lại cho đến hôm nay. Ngồi dưới vòm hang ám khói, màu đá chuyển đen, thi thoảng có vài giọt mồ hôi rịn ra từ vòm hang tí tách rớt xuống, đôi mắt Đinh Rầu thăm thẳm ngày tháng xa. Ông kể về nền văn minh của người A Rem với nỗi niềm khó cắt nghĩa. Theo kết quả mới nhất của nhóm nghiên cứu trường Đại học Quảng Bình, khởi thủy địa bàn cư trú của người A Rem ở vùng phía dưới ngầm Trạ Ang. Tuy nhiên bởi nhiều lý do, diện tích rừng thu hẹp qua thời gian. Người A Rem nhút nhát thường chọn khu rừng rậm, vắng vẻ, biệt lập để sinh sống. Rừng đi họ cũng di cư theo rừng. Đinh Rầu nói “Đất tổ của người A Rem là rừng. Rừng cho ta hình hài và linh hồn, lại cho ta tồn tại cả khi sống và khi chết. Nếu ta triệt phá rừng ta sẽ sống ở đâu? Khi chết đi linh hồn ta sẽ trú ngụ ở đâu? Mỗi cái cây ở đây có thể cho ta nước để uống, cho ta lá tươi, trái ngọt để ăn. Mỗi cái cây lại là nơi trú ngụ của một linh hồn. Vậy nên người A Rem biết ơn rừng. Và không thể rời xa rừng”. Có lẽ đúng vậy, kể từ khi rời bản, đặt chân vào con đường lởm khởm rễ cây cổ thụ trồi lên trên mặt đất và chằng chịt dây leo, già làng Đinh Rầu thoăn thoắt bước đi như một con sóc chuyền cành. Ngược chiều hành trình, thi thoảng chúng tôi gặp vài phụ nữ A Rem, vai đeo gùi lang thang dọc bờ suối. Họ không chú tâm lắm đến công việc tìm kiếm mà dành nhiều thời gian cho nhìn mây ngắm núi. Thấy lạ, tôi hỏi Đinh Rầu:

- Họ đi đâu vậy?

- Gặp chi được nấy. Không thì thôi. Coi như... đi dạo.

- Trong gùi của họ chưa có gì mà đường về bản còn khá xa?

- Lo chi. Người A Rem có thể đi khắp ngày, khắp đêm, khắp rừng, khắp núi. Người ở nhà không chờ đợi. Người đi không vội vàng. Bởi nếu không về tới thành phố, họ sẽ ở lại nông thôn. Mỗi gia đình người A Rem có một ngôi nhà ở nông thôn. Họ thích ngôi nhà này hơn!

Lần theo dấu chân di thê của người A Rem, tôi hiểu hơn điều già làng Đinh Rầu vưà nói. Kể từ điểm mốc đầu tiên đánh dấu sự hiện diện của người A Rem trên đất Quảng Bình năm 1956 đến nay có 3 lần người A Rem rời bản trở lại rừng sâu, mặc dù họ biết về rừng sẽ đối mặt với đói rét và bệnh tật. Lần thứ nhất sau khi được bộ đội biên phòng dắt ra khỏi hang đá tối tăm. Vừa bước ra ánh sáng, người A Rem đối mặt chiến tranh. Giật mình bởi tiếng bom gào đạn réo, người A Rem thục mạng trở lại rừng sâu, tiếp tục cảnh khát thì có nước suối, đói có củ rừng, lạnh thì đốt lửa, nóng thì dầm nước, làm nhà trên cây để tránh thú dữ... Người A Rem vẫn là bộ tộc du mục duy nhất ở Việt Nam. Mãi đến năm 1982, lần thứ 2 người A Rem trở lại cuộc sống định cư. Có nhà để ở. Có phương tiện để sản xuất. Đó là thách thức lớn đối với những con người hoang dã. Để người A Rem tồn tại trong cuộc sống mới, nhà nước phải... nuôi. Nhưng ưu đãi ấy không hấp dẫn họ bằng cuộc sống giữa đại ngàn. Bốn năm sau, khó thích nghi được cuộc sống túng quẫn trong ngôi nhà xa lạ, cả bản dắt díu nhau bỏ trốn vào hang đá. Chấp nhận cuộc sống lay lắt rày đây mai đó. Dừng đâu là nhà. Ngã đâu là giường. Lại bắt đầu tìm kiếm- vận động- thuyết phục để có sự trở lại lần thứ 3. Năm 1992, Bộ đội Biên phòng đồn Cà Ròong gần như phải áp giải người A Rem về bản mới hòng cứu vãn sự tuyệt chủng đang đến rất gần của tộc người này. Đó là thời gian các cơ quan chức năng phải sử dụng chế độ “quản thúc” để giữ người A Rem ở lại. Bởi họ thường trực tâm thế ra đi. Chỉ sau biến cố nhỏ của một gia đình, cả bản sẵn sàng đi tìm bình yên trong hang đá. Sự truân chuyên của tộc người A Rem cho tôi hoài nghi về bản chất đích thực của cuộc sống. Cuộc sống no đủ ấm áp cầm tù trong vỏ bọc vật chất và cuộc sống tự do, sức nặng nghiêng về bên nào?!

Tôi mang chuyện này ra hỏi Đinh Rầu, ông trả lời rất ngắn gọn”Nhớ rừng!”. Vậy thôi mà tôi nhận ra được nhiều điều trong đó. Thành phố của người A Rem tại km39 đường 20 khang trang và đẹp mắt. Màu đỏ của những mái nhà hiện hữu giữa rừng sâu cho khách lãng du bức tranh sơn cước thơ mộng. Nhưng khác biệt mái đá đồng bào trú ngụ bấy lâu và rất xa rục Cà Ròong- con suối thiêng của người A Rem. Phải chăng quy hoạch này đã có một điều gì...? Thôi thì đó là vấn đề của những ai có trách nhiệm, tôi đến đây với tâm thế của kẻ mê chơi.

Trên con đường tôi đi có vô vàn loài thảo mộc nguyên sinh. Gió mạnh. Sau mỗi cú rùng mình của trời đất, lớp lớp lá khô lìa cành trút xuống. Rừng đang trong vũ khúc lâm bồn. Có cảm giác nghe được trong không gian cả tiếng xạc xào của lá khô và tiếng tách bật của mầm xanh. Bản giao hưởng hồi sinh đang rạo rực bắt đầu. Tôi ngước nhìn vòm cây trên tầng cao. Hình ảnh cành cây trụi lá với búp non nâu nhạt in lên vòm trời đang tỏa nắng có sức lay động mạnh mẽ. Những cánh tay gầy nâng niu muôn trái tim xinh đang phập phồng lớn dậy. Già làng Đinh Rầu không hiểu sự bâng khuâng của tôi trong không gian thơ mộng của rừng ngày cuối đông, lên tiếng như một lời phân trần:

- Người A Rem của ta kiếm sống từ rừng chớ không phá rừng.

- Vì pháp luật của Nhà nước quy định vậy.

- Truyền thống của người A Rem ta.

 A Rem là tộc người đối xử đặc biệt tôn kính, lịch lãm, phóng khoáng với thiên nhiên. Núi là cha. Rừng là mẹ. Trên bước đường mải miết đi tìm nguồn sống, họ luôn nuôi dấu trong trái tim mình tình yêu thầm kín và sâu thẳm dành cho cha Núi, mẹ Rừng. Đi cùng Đinh Rầu, nhìn cách ông xử sự với mỗi cái cây bên lối đi, cách ông rẽ từng sợi dây leo buông xuống trước mặt mới hiểu ông thượng tôn thiên nhiên đến thế nào. A Rem là tộc người biết đủ. Họ không tìm ăn theo kiểu thảm sát. Ngay từ khi có nhận thức, bước vào rừng người ta đã biết nơi đâu là rừng thiêng để cúi đầu, nơi đâu có cây làm thuốc, có cây cho bột, có cây cho nước để giữ gìn, dành dụm, đặng dùng trong tình huống khẩn cấp giữa mỗi chuyến đi đằng đẵng khắp ngày, khắp đêm, khắp rừng, khắp suối...Người A Rem thần thánh rừng, linh thiêng núi. Tất thảy hoang dã tưởng vô danh giữa mênh mông cùng trời cuối đất, chẳng hay đều được đặt tên, đều có hồn phách. Núi có Bàn chân lớn, Gấu đực… Suối có Cà Ròong, A Rinh... Tất cả đều mang huyền tích bí ẩn và linh diệu. Không bạc đãi thiên nhiên, không bạc ơn thiên nhiên, người A Rem lấy đi bất cứ một thứ gì từ rừng, một con ốc dưới suối, một quả chín trên cây, một chiếc lá thuốc ven đường chỉ đủ dùng, còn nhường lại người đến sau. Không tham lam thừa mứa. Không ích kỷ cá nhân. Kèm theo một lời tạ ơn thầm kín. Đó là văn minh A Rem.

Đinh Rầu thoăn thoắt phía trước. Bàn chân ông hối hả hơn, vội vàng hơn. Một người A Rem đi cùng giải thích “Trước là con suối thiêng. Nơi đó chỉ riêng ông được đặt chân xuống. Đến đây, suối sẽ truyền cho Đinh Rầu sức mạnh thần bí. Suối có sức hút vô hình mãnh liệt đối với ông.” Rục Cà Ròòng trong tâm thức người A Rem là suối thần. Mặc dù đã được Đinh Rầu tiếp nước bằng một loại dây rừng ngọt mát nhưng thấy suối chúng tôi vẫn a lên sung sướng, lao xuống không đắn đo. Ông không cản lại, đứng yên lầm rầm khấn vái. Có lẽ ông đang xin cho những kẻ ngoại lai được một lần tận hưởng sức mạnh huyền bí của suối thần. Già làng Đinh Rầu tiếc nuối “Dạo này người ta đi vào rừng nhiều hơn. Càng ngày càng nhiều hơn. Những nơi chỉ người A Rem ta biết, họ cũng đến rồi”. Sau đó ông im lặng trầm tư bên suối hút thuốc. Tôi chột dạ bởi hành vi manh động của mình, nhìn ông hối lỗi. Đinh Rầu cười. Gương mặt ông rất hiền và thoáng buồn. Suối thần đã bị xúc phạm. Công nghiệp du lịch đang xâm lăng hoang dã. Gương mặt Đinh Rầu lúc này giúp tôi lý giải nỗi niềm khó cắt nghĩa của ông khi nói về sự linh thiêng của rừng cũng như tâm thế thượng tôn của người Arem đối với rừng. Người A Rem tôi gặp phóng khoáng và hào hiệp. Họ hiểu thiên nhiên, đối xử với thiên niên khôn ngoan. Nhưng đang bày ra trước mắt bức tranh du lịch xuyên lục địa nhằm khai thác có hiệu quả nhất Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng- đất tổ Người A Rem. Muôn vàn bước chân khám phá không điểm dừng mang theo ngoại tệ đã đến đây. Di sản trở thành cái máy in tiền và người ta thống kê được số thu tăng đều qua từng năm. Thực tế: Tộc người A Rem đã phát triển mạnh về dân số. Nguy cơ tuyệt chủng bị đẩy lùi. Văn minh hiện đại đã đến với tộc người mông muội nhất Việt Nam. Đó là cái được hiện hữu. Nhưng vẫn còn băn khoăn. Đã có ai để ý đến sự mai một của nền văn minh A Rem bản địa? Mới đây, lần đầu tiên trên thế giới, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Lauzent- Thuỵ Sỹ mở hội thảo quốc tế với chủ đề “Sự tham gia của cộng đồng và cách tiếp cận quyền tại các khu Di sản thế giới”. Tại Hội thảo, vấn đề người A Rem đã được Giáo sư, Tiến sỹ Peter Larsen - Giảng viên Trường đại học Lauzent- Thuỵ sỹ đưa ra như minh chứng cụ thể khẳng định vai trò của người bản địa tại các khu di sản thế giới. Làm thế nào để thiên nhiên và con người tồn tại giao hoà và tương tác tích cực chứ không phải là sự giam lỏng con người trong chiếc củi vĩ đại của thiên nhiên? Sẽ ra sao nếu Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng không có người A Rem và nền văn minh huyền bí của họ? Sẽ ra sao nếu người A Rem không được “tự do” trên đất tổ của họ? Lại phải thôi thì đó là chuyện của các cơ quan thẩm quyền. Rốt cuộc tôi vẫn là kẻ mê chơi. Chỉ mạo muội nghĩ rằng để trả lời những câu hỏi này, trước hết xin hãy cho người A Rem một niềm tin. Họ là con của rừng.

Rừng đang chuyển mình sang mùa mới. Đã thấy lác đác những đám lá non láu táu đi trước thời gian, gặp hơi ấm của cơn nắng cuối đông tưởng mùa xuân đã về, vội vàng xoè cánh. Vũ điệu lá đã bắt đầu. Đa sắc và ảo diệu. Cũng là lúc người A Rem thơ thới đi vào rừng bắt đầu chuyến hành hương về miền bí ẩn của đại ngàn. Bỏ lại sau lưng tiếng động cơ ầm ì của cỗ máy du lịch.

Bút ký của Trương Thu Hiền

NỔI BẬT TRANG CHỦ