Chân dung Nguyễn Thị Oanh - cô gái Bắc Giang giành 2 HCV SEA Games trong vòng 20 phút: Nghị lực phi thường tạo nên "nữ hoàng điền kinh"
(Tổ Quốc) - Cô gái nhỏ nhắn với những bước chạy nước rút kinh hoàng, bỏ xa mọi đối thủ và kết thúc 2 phần thi theo cái cách khiến mọi đối thủ không thể không tâm phục khẩu phục... Nguyễn Thị Oanh - người làm nên kỳ tích đầy phi thường cho thể thao Việt Nam.
Ngày 9/5 tiếp tục là một ngày thi đấu bùng nổ của thể thao Việt Nam tại SEA Games 32. Đặc biệt 2 tấm huy chương vàng đầy cảm xúc của Nguyễn Thị Oanh môn Điền kinh đã khiến tất cả người hâm mộ vỡ oà và tự hào, bất chấp việc đoàn Việt Nam không thể dẫn đầu trên bảng tổng sắp huy chương vào cuối ngày.
2 tấm HCV liên tiếp đương nhiên là vô tiền khoáng hậu nhưng nó càng tuyệt vời hơn khi là mình chứng cho nghị lực và bản lĩnh của cô gái nhỏ bé - người từng chiến đấu với bệnh tật để được sống với đam mê và chinh phục những điều phi thường.
2 HCV trong vòng 20 phút
Tại SEA Games 32 điền kinh tiếp tục là môn thể thao được kỳ vọng gánh "vàng" cho thể thao Việt Nam. Tuy nhiên trong ngày thi đấu 9/5, điền kinh đã để tuột tấm HCV của Nguyễn Thị Huyền ở nội dung 400m nữ.
Lúc này mọi hy vọng đều đặt lên vai của Nguyễn Thị Oanh - chân săn vàng của điền kinh Việt Nam tại các kỳ SEA Games. Tuy nhiên sau khi bảo vệ thành công tấm HCV ở nội dung 5.000m nữ trong ngày thi đấu 8/5, BHL cũng như Nguyễn Thị Oanh bất ngờ nhận được sự thay đổi về lịch thi đấu ngày trong 9/5. Theo đó, thay vì thi đấu 3 nội dung trong 3 ngày như ban đầu thì ban tổ chức đã có sự điều chỉnh: Đẩy 2 nội dung nữ 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật vào cùng một buổi thi đấu khi Chung kết 1.500m sẽ được thi đấu vào lúc 17h30'. Còn Chung kết nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật bắt đầu lúc 17h50'.
Như vậy, sau khi chạy xong 1.500m, Nguyễn Thị Oanh chỉ có khoảng hơn 15 phút để hồi sức trước khi bước vào nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Giờ xuất phát của 2 nội dung chỉ cách nhau quá ngắn như vậy ràng là không đủ để vận động viên Việt Nam phục hồi thể lực, đạt trạng thái tốt nhất... Đây là thử thách rất lớn đối với VĐV sinh năm 1995 trong hành trình bảo vệ 3 tấm huy chương vàng SEA Games tại kỳ đại hội lần này.
Thế nhưng thay vì phàn nàn, Nguyễn Thị Oanh chấp nhận và quyết tâm chinh phục cả 2 nội dung, coi đó là thử thách mà bản thân phải vượt qua. Với khoảng thời gian ít ỏi, cô cùng các thầy trong BHL đã cố gắng tìm ra những chiến thuật phù hợp nhất để phát huy thế mạnh, sở trường của mình.
Đặc biệt tại nội dung vượt rào 3.000m thi đấu sau, vào lúc này thể lực là điều cần được bảo toàn nhất. Chính vì vậy, trong khoảng 9 phút, VĐV Việt Nam bám phía sau người dẫn đầu và chỉ vượt lên ở vòng cuối cùng. Nguyễn Thị Oanh dần bỏ xa đối thủ và cán đích ở vị trí đầu tiên, khẳng định đẳng cấp vượt trội so với phần còn lại của khu vực Đông Nam Á.
Nghị lực phi thường tạo nên "cô gái vàng" của thể thao Việt Nam
Việc Nguyễn Thị Oanh lập "hat-trick" HCV SEA Games 32 (nội dung 1.500m, 5.000m và vượt rào 3.000m) cho điền kinh Việt Nam ở ngày thi đấu 9/5 đã gây bất ngờ cho giới chuyên môn lẫn người hâm mộ bởi điều kiện thi đấu ngặt nghèo. Và để có được đẳng cấp vượt tầm Đông Nam Á như vậy cô phải vượt qua muôn vàn gian khó.
Nguyễn Thị Oanh sinh năm 1995, là con thứ 7 trong gia đình 8 anh em ở Bắc Giang. Gia đình đông anh chị em nên từ nhỏ Oanh đã phụ giúp bố mẹ công việc gia đình, đồng áng. Thế nhưng không phải vì thế mà Oanh mất đi sự hoạt bát năng nổ trên trường lớp.
Từ khi học cấp 2, cô đã thường tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao của trường. Để rồi sự năng nổ, hoạt bát và niềm yêu thích đối với thể thao ấy lớn lên theo từng năm ngồi trên ghế nhà trường.
Nói về con gái, bố Oanh từng chia sẻ với báo chí: "Cứ mỗi lần trường có giải đấu thể thao gì là nó lại tập chạy, mỗi sáng nó dậy sớm rồi tập chạy khắp làng, có hôm lại rủ em dậy chạy cùng. Lúc đó mọi người cũng chỉ nghĩ là nó chạy cho vui ai ngờ nó thích thể thao thật". Cứ như vậy, niềm yêu thích đối với thể thao lớn lên theo từng bước chạy của cô.
Đến cuối năm lớp 9, Nguyễn Thị Oanh bắt đầu nhận được sự chú ý bởi những thành công gây kinh ngạc ở các giải phong trào. Sau đó cô được tuyển lên đội năng khiếu TDTT Bắc Giang. Thân hình bé hạt tiêu nhưng với sự dẻo dai, bền bỉ hơn người, Oanh được tuyển chọn thi đấu điền kinh. Và chưa đầy 1 năm sau, Nguyễn Thị Oanh đã được HLV Trần Văn Sỹ đưa lên tuyển điền kinh Việt Nam mài giũa. Cũng từ đây, cô bé với vóc người nhỏ nhắn ấy bắt đầu cuộc sống tự lập và bước vào con đường theo đuổi đam mê với điền kinh.
Tự lập từ sớm, Oanh luôn nhận thức được bản thân phải luôn cố gắng để theo đuổi đam mê để không phụ lòng bố mẹ. Ban đầu khi Oanh theo đuổi đam mê thể thao cũng vấp phải sự phản đối của các chị. Nhưng do ý chí quyết tâm và đam mê nên em đã quyết định lựa chọn con đường riêng của mình.
Hiểu con gái và luôn tôn trọng quyết định của các con nên bố mẹ Oanh đã luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho Oanh theo đuổi đam mê, sự nghiệp của mình.
Chưa đầy 5 năm sau, Nguyễn Thị Oanh đã đáp lại sự tin tưởng, ủng hộ đó của người thân với những thành tích đỉnh cao đáng ngưỡng mộ. Từ giải vô địch quốc gia đến đầu tường khu vực hay quốc tế, Nguyễn Thị Oanh liên tục vượt qua giới hạn của bản thân để thiết lập những thành tích đáng ngưỡng mộ.
Hình ảnh cô gái nhỏ nhắn ngã gục xuống đường chạy và gần như ngất đi vì quá mệt với việc phải thi đấu kiên cường liên tục gần 10.000m tại SEA Game 30 rồi giành 3 huy chương vàng có lẽ sẽ không bao giờ phai nhoà trong ký ức những người hâm mộ thể thao Việt Nam.
3 kỳ Đại hội liên tiếp từ SEA Games 30 với 3 HCV cá nhân; tấm HCĐ ASIAD 2018 hay HCV giải điền kinh trong nhà châu Á 2023... tất cả đã chứng minh nỗ lực không biết mệt mỏi trên từng bước chạy của Nguyễn Thị Oanh.
Thế nhưng ít ai biết rằng, Nguyễn Thị Oanh từng suýt phải từ bỏ đam mê vì bệnh tật.
Khi mới chớm có thành tích, cô nhận tin như sét đánh ngang tai khi được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm cầu thận, đối diện khả năng giải nghệ sớm. Tuy nhiên, với nghị lực và ý chí không từ bỏ, Nguyễn Thị Oanh vượt qua được căn bệnh này và bùng nổ trở lại, thống trị các cự ly 1.500 m, 5.000 m rồi 3.000 m vượt chướng ngại vật ở đấu trường Đông Nam Á từ năm 2017 đến nay.
Trước SEA Games 31 trên sân nhà, Nguyễn Thị Oanh “ẩn mình” tập luyện với khát khao không chỉ bảo vệ 3 tấm HCV SEA Games mà còn phá vỡ kỷ lục mới.
Và giờ đây, trước những khó khăn đến từ khâu tổ chức, Nguyễn Thị Oanh cũng bình tĩnh đối mặt và coi đó là thử thách bản thân cần vượt qua. Để rồi 2 tấm HCV chỉ trong vòng 20 phút đã chứng minh cho tất cả: Chỉ cần có ý chí và nghị lực sẽ chiến thắng được tất cả.
Điền kinh đã mang đến cho Nguyễn Thị Oanh vô vàn danh hiệu cùng thành tích, thế nhưng với Nguyễn Thị Oanh, đó không phải là tất cả: “Điền kinh mang lại cho tôi rất nhiều điều, giúp tôi trở thành con người ý chí hơn, nghị lực hơn và mạnh mẽ hơn trong cuộc sống. Điền kinh giúp tôi chạm vào những ước mơ của cuộc đời mình đồng thời có thêm cơ hội..."
Vận động viên đẳng cấp thế giới
Trước thềm Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023, AFP Sport chọn ra một số ngôi sao đẳng cấp thế giới có thể sẽ tỏa sáng sự kiện này, trong đó có 2 vận động viên của Việt Nam, và chân chạy Nguyễn Thị Oanh vinh dự góp mặt trong danh sách của AFP Sport.
Theo AFP Sport, Nguyễn Thị Oanh là vận động viên đẳng cấp vượt ra khuôn khổ khu vực. Chân chạy 27 tuổi không có đối thủ ở hai cự ly 1.500m và 5.000m. Đến hai kỳ gần đây, Oanh thi thêm nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật và cũng giành hai HC vàng, đồng thời ẵm thêm HCĐ ASIAD 2018.
“Nữ hoàng” điền kinh Việt Nam còn đoạt huy chương vàng cự ly 1.500 mét tại giải điền kinh trong nhà châu Á 2023 diễn ra tại Kazakhstan hồi tháng 2.2023, với thành tích 4 phút 15 giây. Điền kinh Việt Nam phải chờ tới 13 năm mới có được một tấm huy chương vàng ở đấu trường này, sau khi Trương Thanh Hằng lên ngôi ở nội dung 800 mét nữ vào năm 2010 tại Iran.
Vì vậy, Nguyễn Thị Oanh là niềm hy vọng số 1 của điền kinh Việt Nam ở SEA Games 32 tại Campuchia và ASIAD 19 (tháng 9/2023) tại Trung Quốc.