• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chân dung ông chủ Asanzo 39 tuổi

Kinh tế 24/06/2019 08:24

(Tổ Quốc) - Ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo năm nay 39 tuổi, quê quán tại Móng Cái, Quảng Ninh.

Chân dung ông chủ Asanzo bị tố hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt  - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo. (Nguồn: NCĐT)

Móng Cái từng được xem là thủ phủ của hàng Trung Quốc. Do sinh ra và lớn lên ở đây nên ông Phạm Văn Tam dường như sớm "ngấm" những kinh nghiệm, kỹ năng buôn bán. Trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt, Phạm Văn Tam từng bươn chải qua nhiều ngành nghề khác nhau.

Tuy nhiên, theo nguồn tin từ VTC, khi lập doanh nghiệp đầu tiên, ông Tam đã thất bại dù trước đó, toàn bộ vốn đã được ông dốc vào khởi nghiệp. Doanh nghiệp phải đóng cửa sau 1 năm hoạt động. Phạm Văn Tam tiếp tục lập doanh nghiệp thứ hai và sau đó tiếp tục thất bại.

Cuối năm 2013, nhận thấy thị trường về tivi ở Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, Phạm Văn Tam đã thành lập Asanzo – thương hiệu Tivi dành riêng cho người Việt. Asanzo đã tập trung sản xuất các loại tivi có kích thước tầm trung từ 21, 24 – 32 inch, dành cho phân khúc khách hàng ở nông thôn. Ông cũng được biết đến là người "phổ cập tivi về nông thôn".

Asanzo đã đạt doanh số hơn 100.000 chiếc tivi ngay trong năm đầu hoạt động và tiếp tục tăng gấp 3 lần trong năm 2015. Năm 2016, lượng tivi bán ra đã lên tới con số 500.000 chiếc, đưa tổng doanh thu của công ty cán mốc hơn 2.500 tỷ đồng. Năm 2018, Asanzo đã bán ra trên 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017.

Hàng điện tử gia dụng của Tập đoàn Asanzo cũng đã được chứng nhận là 'Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn'. Asanzo quảng bá sử dụng 'đỉnh cao công nghệ Nhật Bản'.

Hiện trong tay Asanzo có tới hơn 70 dòng sản phẩm đã đưa Asanzo lọt Top 3 trên thị trường điện tử Việt Nam, chiếm 18% thị phần cả nước.

Trở nên thành đạt và nổi tiếng, ông Phạm Văn Tam được biết đến như một ông bầu bóng đá của đội Than Quảng Ninh.

Sau khi báo Tuổi trẻ đưa tin về vụ việc, ông Phạm Văn Tam cho biết sản phẩm Asanzo không phải "Made in Việt Nam" mà xuất xứ tại Việt Nam.

Theo lý giải của CEO này, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức việc đó nên chỉ ghi "Xuất xứ Việt Nam" thay vì "Made in Việt Nam" trên sản phẩm của mình.

Hà Giang (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ