(Tổ Quốc) - Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ đến thời điểm các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội nhận đăng ký tuyển sinh đầu vào lớp 1, thế nhưng nhiều bậc cha mẹ đã đưa ra quyết định cuối cùng là cho con em mình học trường công hay trường tư từ nhiều tháng trước.
Việc xem xét, quyết định cho con em mình theo học trường nào đã được các bố mẹ tìm hiểu từ cả năm nay bởi tiểu học, mà khởi đầu là lớp 1, được xem như là cấp học quan trọng nhất trong cuộc đời học tập của các em nhỏ, đây là giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non- lứa tuổi đặt việc chơi là chính, sang việc học tập, là cánh cửa để các bé bước vào chặng đường học tập kéo dài khoảng 20 năm tiếp theo trong cuộc đời.
Thêm vào đó, năm học 2018-2019 sẽ là năm có số lượng học sinh đăng ký vào lớp 1 tăng cao do năm sinh của các con trùng với năm ‘đẹp’ trong quan niệm của người Việt (2012 là năm Rồng vàng theo lịch âm). Chính vì những lý do này mà nhiều gia đình đã tỏ ra rất lo lắng và căng thẳng trong việc lựa chọn trường lớp cho các con.
Các gia đình chuẩn bị kế hoạch vào lớp 1 cho con
Để chuẩn bị cho con mình vào lớp 1, chị Nguyễn Thùy Mai ở quận Ba Đình đã phải phải bàn bạc với cả gia đình từ cách đây cả năm trời. Việc cho con theo học trường công hay trường tư (tạm phân làm 2 loại như vậy) cũng được chia ra theo 2 ‘phe’ trong gia đình.
Theo hộ khẩu thì con chị có khả năng được vào một trường công lập tốt trên địa bàn quận, thế nhưng ông bà ngoại thì lại muốn cho cháu theo học trường tư bởi chuyên môn giáo viên, cơ sở vật chất và được học tập trong một môi trường đào tạo theo mô hình đào tạo quốc tế. Hơn nữa, vì ông bà trước cũng tham gia ngành giáo dục nên muốn cháu được học tập trong môi trường song ngữ từ nhỏ để tạo đà sau này có thể theo học các trường ở nước ngoài.
Trong khi đó hai vợ chồng chị đều là công chức nhà nước, điều kiện kinh tế khá eo hẹp, ngoài con bé đầu năm nay vào học lớp 1 thì anh chị còn 1 con nhỏ nữa, mặt khác chị cũng không muốn tạo áp lực học hành cho con nên ngay từ đầu anh chị đã muốn cho con theo học hệ thống trường công lập. Bày tỏ quan điểm với bố mẹ, anh chị nhận được câu trả lời “Chúng tôi sẽ lo đầu tư học hành cho cháu, anh chị khỏi phải lo”.
Sau 4 tháng ‘đấu trí’ và dùng các chiêu thuyết phục, cuối cùng ông bà cũng thuận theo phương án cho cháu theo học hệ thống trường công lập của anh chị. Thế nhưng, những câu chuyện về lựa chọn và chuẩn bị cho con vào lớp 1 cũng là câu chuyện phải suy nghĩ với nhiều gia đình.
Cũng có con vào lớp 1 năm nay, nhà chị Vương Ngọc Linh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại gặp phải vấn đề khác. Lựa chọn và quyết định cho con theo học ở trường tư có tiếng tại Hà Nội, con trai chị cũng khá nhanh nhẹn, hoạt bát, kết hợp với việc có điều kiện kinh tế đảm bảo nên gia đình thống nhất lựa chọn này ngay từ đầu. Vấn đề là ngay từ tháng 3 chị đã phải cho con đi “ôn thi” bởi trường này quy định khi nhận học sinh vào lớp một đã phải đáp ứng một số nền tảng cơ bản về kiến thức, và con trai chị đã phải ‘bò’ ra để học ôn thi, đăng ký tham gia học trải nghiệm tại các trường thay vì chơi như các bạn vào công lập khác.
Để vào được một trường tốt các phụ huynh phải làm gì
Từ trước tới nay trong hệ thống các trường công lập vẫn có tình trạng chênh lệch về chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất giữa các trường, chính vì vậy tâm lý các phụ huynh muốn cho con vào trường tốt, trường đẹp, trường điểm là vẫn có.
Cách đây khoảng 10 năm về trước, việc xin vào một trường điểm với chi phí tầm chục triệu cũng không phải là chuyện khó gặp nếu không muốn nói ở một số trường, cứ dịp lễ tết trước thời điểm tuyển sinh năm học mới là các cha mẹ lại rậm rịch tìm đường đến ‘thăm cô’. Gần đây hiện tượng này đã giảm do những quy định mới cũng như sự giám sát chặt chẽ trong việc tuyển sinh, thế nhưng, không ai khẳng định được việc chạy trường, chạy lớp là đã hoàn toàn chấm dứt.
Để có thể vào được một trường tốt, nếu đúng tuyến thì đơn giản, nhưng để vào được một trường trái tuyến thì cha mẹ học sinh sẽ phải vận dụng các mối quan hệ, nhờ vả người này người kia… vì thế sẽ xảy ra tình trạng chạy trường, chạy cô, mua suất đăng ký học…
Thêm vào đó, nhiều bậc cha mẹ mong muốn, kỳ vọng con em mình sau này sẽ đạt được những thành tích cao trong học tập nên họ sẽ cố gắng đầu tư từ đầu để hòng thực hiện được những mong muốn của mình. Họ hy vọng rằng với công sức và tiền bạc mình bỏ ra thì con cái sẽ có điều kiện học tập tốt nhất trong khả năng của gia đình. Tiêu cực trong ngành giáo dục cũng từ đó mà tồn tại. Tuy nhiên phải nói thẳng, có cầu thì mới có cung và nếu còn tâm lý trường tốt, cô giỏi thì sẽ còn tình trạng phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo để lo cho con em mình vào được những trường học đáp ứng được nguyện vọng và mong muốn của họ.
Và chính việc các phụ huynh chạy đua vào trường lớp, tìm cách để con em mình vào trường tốt, sẽ tạo ra một môi trường giáo dục thiếu trung thực, thiếu sự cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng tới uy tín của ngành giáo dục Việt Nam.
Vì vậy để hạn chế những tiêu cực, xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, ngay từ khi chuẩn bị cho con em mình vào lớp một, các bậc phụ huynh hãy cố gắng phân tích đầy đủ các yếu tố, điều kiện trước khi ra quyết định cuối cùng chọn trường, lớp học cho con, đồng thời phải coi giáo dục gia đình là ưu tiên số một, bởi có vậy thì những cố gắng của cha mẹ mới thực sự là những điều tốt nhất dành cho tương lai con em mình.
Bài: Quỳnh Nga
Ảnh: Nam Nguyễn