• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chẳng thần thánh nào giúp giải được hạn

Văn hoá 01/03/2018 10:17

(Tổ Quốc) -Theo quan niệm của đạo Phật liệt cúng sao (dâng sao) giải hạn vào nhóm mê tín dị đoan, do không hiểu được quy luật nhân quả, quy luật vận hành tốt xấu, quy luật của vũ trụ. Muốn sống bình an thì phải giữ tâm, đức bởi đã làm điều xấu thì theo luật nhân quả, thần thánh cũng chẳng giúp giải được hạn.

Đua nhau cúng sao giải hạn

Mỗi dịp đầu năm mới, hàng vạn người dân lại đổ về các ngôi chùa để làm lễ cầu an, cúng sao giải hạn. Người ta cho rằng, trong một năm, mỗi người đều có một ngôi sao chiếu mệnh. Những ai bị sao xấu như La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô chiếu sẽ gặp những điều xui xẻo cả về tiền bạc, sức khỏe… Họ đến chùa cúng sao để giảm nhẹ tai ương và cầu an cho gia đình. Hoạt động tự phát này đang tiềm ẩn tâm lý cuồng tín, làm sai lệch giá trị văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc.

Người dân đi dâng sao giải hạn lấn chiếm cả 1 làn đường (ảnh Báo Lao động)

 

Để làm một lễ cúng sao giải hạn, mỗi thành viên trong gia đình phải bỏ ra 200 nghìn đến 300 nghìn để đăng ký. Những người muốn làm lễ cầu an cũng phải chịu mức phí như vậy. Ngoài ra, với những người bị sao hạn nặng chiếu, phải đốt “hình nhân thế mạng” thì số tiền bỏ ra lớn hơn nhiều lần. Năm nay, theo ghi nhận của phóng viên, lượng người đến các chùa cúng sao giải hạn tăng cao. Đơn cử như tối mùng 8 tháng Giêng vừa qua, hàng nghìn người dân đã kéo tới chùa Phúc Khánh làm khóa lễ sao La Hầu khiến cho chính quyền sở tại phải huy động 700 cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ và phân luồng giao thông. Hay tại chùa Trấn Quốc, tình hình cũng tấp nập không kém. Mặc dù việc đăng ký cúng sao giải hạn không được thừa nhận chính thức như chùa Phúc Khánh nhưng tại đây, nhà chùa cũng làm lễ “đăng sao cầu bình an cho các gia đình”. Chính vì thế, việc đăng ký cúng sao ở chùa Trấn Quốc đăng ký theo hộ gia đình. Một gia đình phải bỏ ra chi phí khoảng 500.000 đồng sẽ được cúng giải hạn cả năm. Được biết, do số lượng người đăng ký quá đông nên nhà chùa chia ra các sao rồi đọc tên từng tín chủ bị “sao đó chiếu”.

Bên cạnh đó, việc cúng sao giải hạn còn được thực hiện ở rất nhiều cơ sở tôn giáo, tâm linh khác nhau trên cả nước, đặc biệt là miền Bắc. Điều này nói lên thực tế là dù nhiều năm qua, dư luận xã hội đã lên tiếng về sự sai lệch trong tâm linh nhưng tập tục cúng sao giải hạn đầu năm vẫn còn rất nặng nề trong quần chúng nhân dân.

Chẳng thần thánh nào giúp giải được hạn

 Theo PGS-TS, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, tục cúng sao giải hạn tồn tại từ lâu đời trong dân gian, có ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc. Đến nay, tục này đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người dân Việt Nam. Họ tin rằng, mỗi năm có một vì sao chiếu mệnh, trong đó có những sao xấu như La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch… Trong năm đó, con người sẽ dễ bị ốm đau, gặp phải chuyện không may, gọi chung là vận hạn. Để giải được hạn, cần phải dâng cúng sao. PGS Trần Lâm Biền cho rằng, việc dâng sao giải hạn này suy cho cùng chỉ là hình thức để con người trốn tránh những tai họa do chính mình gây nên. Khi con người không tu thân, làm những việc sai trái, buôn gian bán lận thì chẳng thần thánh nào giúp giải được hạn.

Đồng quan điểm, GS-TS Đỗ Quang Hưng - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo - cũng cho rằng một bộ phận người dân đang ngày càng có xu hướng quá tin vào thế giới tâm linh, tin một cách mê muội. “Tâm lý đám đông này dễ bị lợi dụng, dẫn dắt vào mê tín dị đoan. Khi người dân quá tin vào những điều thiếu cơ sở, ùa theo đám đông như thế thì đất nước sẽ khó phát triển” - GS-TS Đỗ Quang Hưng trăn trở.

Mỗi dịp đầu năm, người dân đổ xô đi cúng sao, giải hạn (ảnh Internet)

 

Còn Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy- người phụ trách các hoạt động văn hóa lễ hội, thì khẳng định: “Nếu cúng sao mà giải được hạn thì chắc chắn không ai gặp nạn. Nếu dùng hình nhân thế mạng mà có thật thì làm gì có ai chết”.

Từng có thời gian trực tiếp tìm hiểu, Thứ trưởng Thủy cho biết hiện có tình trạng nhà chùa thu tiền để cúng sao giải hạn cho dân, dẫn tới biến tướng và thương mại hóa. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: "Theo quan điểm của Thủ tướng, hành vi trục lợi và thương mại hóa ở chốn tâm linh có việc cúng sao giải hạn thu phí. Nếu cúng sao giải hạn mà không thu tiền thì có lẽ nhiều chùa không làm".

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng việc hạn chế các tập tục như cúng sao giải hạn, đốt vàng mã là cần thiết bởi lâu nay, những việc này gây lãng phí tiền của. Mỗi năm, số lượng tiền đổ vào mua vàng mã đem đi đốt của người dân vô cùng lớn.

Đã đến lúc cần sòng phẳng trong việc đặt “quy trình”dâng sao giải hạn của các nhà chùa và các cơ sở tâm linh nói chung trước lý lẽ: hành vi buôn thần bán thánh hay quyền tín ngưỡng của mọi công dân. Theo Hòa thượng Thích Gia Quang- Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật. Phật giáo chỉ có lễ cầu an cho người còn sống và cầu siêu cho những người đã mất./.

 

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ