(Tổ Quốc) - Nguyễn Đức Nghị sinh năm 2000, quê ở thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), được khá nhiều người biết tới qua một số dự án cộng đồng và những bài viết trên báo, tạp chí, blog... Khó ai có thể tưởng tượng rằng với đôi mắt trải qua hơn 20 ca phẫu thuật, Nghị có thể học tập, làm việc, viết lách nhiều đến vậy.
- 15.10.2021 Tổ chức hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam
- 10.08.2020 Cảm động hình ảnh thanh niên tình nguyện cõng nữ sinh tật nguyền vào thi THPT
- 29.07.2020 Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2020 chặng thứ ba tại Côn Đảo
- 26.07.2020 Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" tri ân cựu tù chính trị tại Côn Đảo
Nguyễn Đức Nghị sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Thế nhưng, đến tháng thứ tư, mắt cậu bắt đầu xuất hiện dấu hiệu lạ: mắt bị kéo màng trắng và chảy nước liên tục. Bác sỹ kết luận cậu bị mắc bệnh Glocom bẩm sinh, một căn bệnh nguy hiểm khiến mắt mờ, có thể mất đi thị lực.
Từ đó, bố mẹ đã cùng Nghị đi một hành trình dài để chạy chữa. Trải qua 4-5 lần mổ, Nghị mới có thể giữ được thị lực 1/10.
Đến trường, Nghị gặp rất nhiều khó khăn do thị lực quá kém. Suốt những năm học cấp 1, cấp 2, cậu đều được cô giáo cho ngồi ở bàn đầu nhưng Nghị vẫn không nhìn rõ chữ trên bảng, luôn phải chép bài của bạn học.
Thế rồi đến cuối năm lớp 7, đầu năm lớp 8, thị lực lại tiếp tục giảm xuống. Cả nhà khăn gói ra khám ở Viện mắt Trung ương, bác sỹ kết luận cậu bị bong võng mạc, Nghị lại cùng bố mẹ tiếp tục cuộc hành trình mổ thêm nhiều lần.
Trải qua tổng cộng hơn 20 lần mổ, căn bệnh tai quái vẫn không để Nghị được nhìn thấy ánh sáng.
"Lúc còn bé, mình chỉ nhìn được 1/10, cũng rất hạn chế so với người bình thường, nhưng vẫn không khủng khiếp bằng việc không nhìn thấy gì của năm lớp 8. Thời gian đó, mình bắt đầu lớn rồi, cũng có nhiều hoài bão. Vậy nên, đối diện với việc không nhìn thấy gì, đối với mình, nó giống như một cú sốc không thể vực dậy," Nghị tâm sự.
Khoảnh khắc sụp đổ đó cũng được Nghị chia sẻ trong cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi." Nghị mê viết, thích viết, và có thể viết mọi lúc mọi nơi.
"Ngày tôi lên lớp 8 cũng là ngày tôi mất hoàn toàn thị lực. Tôi rơi vào bóng tối vô tận. Cuộc sống của tôi giờ chỉ giới hạn trong bốn bức tường. Mọi thứ trôi đi nhạt nhẽo, ban đầu là sự đau khổ, bi quan, tuyệt vọng, rồi tất cả cảm xúc trở thành trống rỗng. Tôi sống lặng lẽ như chiếc bóng. Lại một lần nữa, mẹ yêu thương nắm lấy tay tôi. Mẹ cùng tôi bắt đầu học mọi thứ từ đầu, học cách phân biệt quần áo bằng xúc giác, đi lại ban đầu là trong nhà, rồi ra sân, xa hơn là định hướng di chuyển quanh ngõ," Nghị viết.
Suốt bốn năm cấp 2, Nghị không hề biết đến công cụ hỗ trợ nào dành cho người khiếm thị, không biết chữ nổi, không biết sử dụng máy tính. Lúc tốt nghiệp cấp 2, Nghị nộp hồ sơ lên các trường cấp 3 thì không có trường nào nhận.
Nghị được mẹ dẫn đến tham gia Hội người mù thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) và được các cô chú giới thiệu đi học máy tính, học cấp 3 ở Hà Nội.
Đối với một cậu bé 15 tuổi với đôi mắt mất đi thị lực, quãng đường từ Bắc Ninh lên Hà Nội xa xôi hơn trên thực tế gấp trăm lần.
Nghị đến nhập học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, nơi có một khối chuyên biệt để dạy cho học sinh khiếm thị. Không lạ lẫm, không e ngại, Nghị một mình đối diện với tất cả.
Lúc này, cậu bắt đầu làm quen với chữ nổi, cách sử dụng dùi, bảng, ghi nhớ thứ tự của các chấm để thành chữ cái. Tuy nhiên, việc học chữ nổi cũng không dễ dàng.
"Mình cố gắng sờ đến mòn cả chữ, sờ đến cổ tay mỏi nhừ, song những con chữ vẫn như chạy trốn. Một tuần sau, khi các bạn đã chuyển sang học ghép vần, tôi vẫn giậm chân tại chỗ, cố gắng lần sờ từng chữ cái. Tự thấy mình thua kém bạn bè, thấy mình bất lực, tôi chán nản," Nghị tâm sự.
Thế rồi những cuộc gọi của bố mẹ, những lời động viên của thầy cô, anh chị, bạn bè đã giúp Nghị nỗ lực hơn bao giờ hết. Nghị bắt đầu học thêm cả buổi tối, tập sờ từng chấm, từng ô, từ cái đơn giản nhất đến phức tạp nhất, có lúc mệt quá gục ngủ luôn trên bàn học.
Cuối cùng, Nghị đã biết đọc, biết viết thành thạo, thầy cô cũng ngạc nhiên với sự nỗ lực và sự tiến bộ của cậu. Song song với đó, Nghị học cả máy tính và học thêm lớp xoa bóp cổ truyền để kiếm nghề trang trải cuộc sống.
Hiện Nghị đang theo học ngành Quan hệ Công chúng tại Học viện Thanh Thiếu niên và hăng say tham gia các hoạt động truyền cảm hứng đến các bạn cùng cảnh ngộ.
Nghị tham gia điều phối và tổ chức dự án Đào tạo kỹ năng nấu ăn cho người khiếm thị do Mạng lưới Sinh viên khiếm thị Hà Nội tổ chức. Dự án đã tổ chức lớp học đào tạo các kỹ năng nấu ăn cho 14 học viên là sinh viên khiếm thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nghị cũng tham gia Ban Tài chính – Đối ngoại của dự án The EYES Project- dự án nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khiếm thị nói riêng người khuyết tật nói chung. Dự án đã tổ chức kết nối các nhóm bao gồm các bạn khiếm thị và không khiếm thị để các bạn có cơ hội kết nối, thấu hiểu và phá tan những định kiến về cộng đồng người khuyết tật.
Bên cạnh đó, Nghị cũng tổ chức talkshow Sinh viên khiếm thị và câu chuyện chọn trường, chọn ngành cho các bạn học sinh khiếm thị đang chuẩn bị học chương trình cấp ba nhằm trang bị cho các bạn hành trang để sẵn sàng bước vào môi trường giáo dục mới.
Tham gia đưa tin về những tấm gương người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống trên các báo như: Tạp chí Đời Mới, báo Tuổi trẻ, báo Giáo dục Thời đại. Cộng tác với các tạp chí trực thuộc các tổ chức của người khuyết tật như: Tạp chí Nắng Xuân (hội người khuyết tật Hà Nội), Tạp chí Đời Mới (Hội người mù Việt Nam). Tham gia và đóng góp tích cực vào các tổ chức của người khuyết tật mà bản thân Nghị đang sinh hoạt như: Hội người mù thị xã Từ Sơn, Mạng lưới Sinh viên khiếm thị Hà Nội.
Những nỗ lực của chàng trai trẻ đã được đền đáp xứng đáng. Nghị đã đoạt giải Nhì cuộc thi công dân số toàn cầu do UNDP VietNam phối hợp với Thành Đoàn Hà Nội, Cung thanh niên tổ chức. Giải Ba nghiên cứu khoa học cấp khoa với đề tài; truyền thông với người khiếm thị tại Hội người mù thành phố Hà Nội. Giải Ba cuộc thi ý tưởng Thanh niên với văn hóa giao thông do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban an toàn Giao thông Quốc Gia tổ chức.
Nghị cũng đã đoạt Giải khuyến khích cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc do Vụ Thư viện (bộ Văn hóa Thể thao – Du lịch) tổ chức; Giải khuyến khích cuộc thi viết truyện của Hà Nội do báo Hà Nội Mới tổ chức.
Nguyễn Đức Nghị là một trong 50 gương Thanh niên khuyết tật được Tuyên dương trong chương trình "Tỏa sáng Nghị lực Việt" do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức.