(Tổ Quốc) - Tốt nghiệp chuyên ngành luật kinh tế và đã đi làm ở một vài công ty đúng với nghề của mình. Tuy nhiên, chàng trai trẻ 23 tuổi này đã khiến bạn bè khá bất ngờ trước quyết định bỏ việc văn phòng để về nhà ngồi khâu vá, cắt may làm đồ thủ công mỹ nghệ từ da rắn.
- 17.01.2019 Công nghệ số: “Hoàn thiện thủ tục khởi nghiệp ở Việt Nam mất hơn 1 tháng trong khi ở Singapore chỉ mất 2 tiếng”
- 09.01.2019 Vietcombank giảm mạnh lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong năm 2019
- 08.01.2019 Kêu gọi các thầy cô giáo, sinh viên, thanh niên tham gia vào các mô hình khởi nghiệp đối với các sản phẩm nông nghiệp
Trương Minh Khánh cặm cụi bên những sản phẩm thủ công từ dan rắn của mình
Chàng trai trẻ mà tôi muốn để cập tới trong bài viết này chính là Trương Minh Khánh, quê làng Lệ Mật, phường Việt Hưng, TP Hà Nội. Năm 2017, Trương Minh Khánh tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật kinh tế, những tưởng chàng trai trẻ này sẽ theo đuổi sự nghiệp để trở thành một luật sư nổi tiếng theo đúng như chuyên môn được đào tạo. Vậy nhưng, sau một thời gian đi làm tại một vài công ty, Trương Minh Khánh đã quyết định từ bỏ công việc văn phòng, gác lại ước mơ trở thành luật sư năm nào của mình để theo đuổi một công việc mới - Handicraft (Thủ công mỹ nghệ từ da rắn).
Vốn sinh ra và lớn lên trong làng Lệ Mật, một ngôi làng cổ xưa của đất Kinh kỳ vốn nức tiếng bao đời với nghề nuôi và bắt rắn – Một trong những làng nghề được xếp vào loại "kinh dị" ở Việt Nam. Từ nhỏ đã được tiếp xúc với loài động vật máu lạnh mà nhiều người phát khiếp này, nên Trương Minh Khánh có đã có sẵn niềm đam mê với nghề truyền thống của quê hương.
Gia đình Khánh, từ thời ông nội và đến nay là bố mẹ đều theo nghề truyền thống của làng. Tuy nhiên, thế hệ của ông và bố mẹ Khánh thì chỉ chăn nuôi rắn để làm thịt, làm thuốc chứ chưa biết tận dụng da rắn để tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị.
Nếu như da cá sấu và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ loài động vật này đã trở nên phổ biến với người tiêu dùng trong và ngoài nước thì da rắn, vẫn còn rất xa lạ. Xuất phát từ tình yêu với nghề truyền thống của làng, đồng thời qua tìm hiểu và học hỏi, Khánh đã bắt đầu mày mò và tạo ra cho mình những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ da rắn.
Trước đây, Khánh chưa từng cầm đến cây kim để khâu vá quần áo thì nay, với công việc này, chàng trai trẻ có thể dành cả ngày để ngồi cặm cụi khâu vá. Tình yêu với nghề thủ công mỹ nghệ từ da rắn đã gần như chiếm trọn thời gian của Trương Minh Khánh. Khi đi làm hay hồi còn đi học, có thời gian rảnh là Khánh và bạn bè sẽ tụ họp nhau lại để đi xem phim, đi du lịch…nhưng từ ngày bén duyên với công việc khâu vá này, Khánh dường như không có thời gian dành cho những sở thích trước kia. "Cả thanh xuân của em giờ dành cho công việc này hết. Chăm chú làm việc, học hỏi để cho ra đời những sản phẩm mới, mẫu mã đẹp. Rồi còn thời gian để giới thiệu, tư vấn cho khách hàng về sản phẩm…", Khánh bộc bạch.
Để làm ra được những sản phẩm da rắn độc đáo cần khá khá nhiều thời gian và tùy vào độ khó sản phẩm (Từ công đoạn thuộc da rắn đến khâu hoàn thành sản phẩm cũng phải mất vài tháng ) . Trong đó công đoạn khó nhất là công thuộc da – Xử lý da rắn để có thể chế tác được ra các sản phẩm thủ công.
Một số sản phẩm thủ công từ da rắn của Trương Minh Khánh
Hiện tại, sau một năm theo đuổi niềm đam mê mới này, Khánh đã bắt đầu thu được những tín hiệu khả quan. Các sản phẩm thủ công từ da rắn mà Khánh tạo ra đã được khách hàng biết đến. Đặc biệt, không chỉ có khách trong nước mà có khá nhiều khách du lịch nước ngoài cũng tìm đến để mua hàng. Mặc dù số lượng sản phẩm được bán ra thị trường chưa nhiều, khách hàng biết đến sản phẩm còn khiêm tốn, nhưng đó là động lực để Khánh quyết tâm theo đuổi tình yêu và đam mê này của mình.
"Có lần, một đoàn khách nước ngoài đến để mua hàng lúc 22h đêm khi mà nhà em đã đóng cửa, nhưng họ rất muốn được vào tham quan không gian để xem các sản phẩm từ thủ công làm từ da rắn. Sau khi thăm quan, đoàn du khách trên rất thích thú, lúc ra về, họ cũng đã chọn mua những sản phẩm mà em làm như ví, thắt lưng, bao đựng điện thoại...", Khánh hào hứng chia sẻ.
Chứng kiến những sản phẩm đầu tiên mình làm ra được khách hàng thích thú chọn mua, Khánh càng củng cố và quyết tâm đeo đuổi công việc này.
Quá trình mày mò và học hỏi công việc này, Khánh cũng đã trải qua không ít lần thất bại, nhưng sau mỗi lần thất bại ấy, em lại rút ra được cho mình được bài học kinh nghiệm, từ quy trình hình thành và hoàn thiện sản phẩm, cách makerting, … Dự định trong thời gian tới của Trương Minh Khánh là sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu hoàn thiện sản phẩm đẹp hơn giúp cho làng nghề tiếp tục được duy trì và phát triển. Các sản phẩm thủ công từ da rắn được các du khách trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn…
Có được những thành công bước đầu như vậy, không thể không nhắc tới sự ủng hộ của gia đình dành cho Khánh. Theo chia sẻ của Khánh, khi biết em có ý định từ bỏ công việc văn phòng và con đường trở thành luật sư để theo đuổi công việc này, bố mẹ không những không phản đối mà còn động viên và ủng hộ. "Bố mẹ em không bắt buộc em phải theo nghề nào. Bố mẹ chỉ nói rằng con theo nghề nào cũng được, nhưng phải xuất phát từ đam mê và niềm yêu thích. Có như vậy mới mong có được thành công."
Cũng chính bố mẹ là người động viên để Khánh vượt qua những giai đoạn đầu khi bước vào công việc này. Hiện tại, khi công việc đã bắt đầu có tín hiệu khả quan, Khánh cũng đã vạch ra cho mình những kế hoạch, bước đi cụ thể. Theo đó, thời gian tới Trương Minh Khánh sẽ cố gắng tập trung để tạo ra những sản phẩm mới, mẫu mã mới, cùng với đó, chàng trai này cũng có kế hoạch để đưa sản phẩm thủ công từ da rắn của mình đến với khách hàng. Đặc biệt là khách du lịch nước ngoài. Ngoài ra, Khánh cũng trang bị cho mình những kiến thức về kinh doanh, makerting, quản trị….
Một số sản phẩm thủ công từ da rắn
"Nghề nuôi rắn có vẻ khá nguy hiểm và chưa thu hút được các bạn trẻ trong làng. Nhưng em hy vọng rằng thông qua công việc của mình, có thể giúp các bạn trẻ trong làng có cái nhìn khác với nghề truyền thống của cha ông. Em rất mong muốn và tin rằng các bạn trẻ cũng sẽ tìm thấy niềm đam mê giống như em khi thực sự tìm hiểu và bước chân vào lĩnh vực này. Em cũng sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ và hợp tác với các bạn trẻ có cùng chung niềm đam mê, sở thích này…" Khánh chia sẻ về ước mơ và suy nghĩ của mình đối với nghề truyền thống của quê hương./.