(Tổ Quốc) - Mở đầu ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã báo cáo công tác của các Tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, trong nhiệm kỳ qua, mặc dù số lượng công việc tăng (bình quân mỗi năm tăng khoảng 8%) với tính chất phức tạp, quy mô lớn và phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế nhưng các Tòa án đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều biện pháp đột phá, sáng tạo nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Các Tòa án đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6% (so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng 624.551 vụ việc, đã giải quyết tăng 594.573 vụ việc). Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội.
Đặc biệt đã xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 99,5%; giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động đạt tỷ lệ 97,3%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội.
"Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính đúng pháp luật" - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ.
Nghiêm khắc đối với chủ mưu lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước
Cũng theo ông Nguyễn Hòa Bình, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương, các Tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Theo đó, Tòa án đã áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết thêm, việc công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân được các Tòa án trên toàn quốc thực hiện nghiêm túc, thực chất, có hiệu quả và đến nay đã dần đi vào nề nếp với chất lượng các bản án ngày càng tốt hơn.
Theo đó, đã công bố được hơn 600.000 bản án, quyết định trên Internet. Thu hút sự quan tâm của Nhân dân với tổng lượng truy cập để tìm hiểu về các bản án là hơn 22 triệu lượt người và hàng chục triệu ý kiến bình luận, góp ý đối với các bản án, quyết định. Qua đó đề cao trách nhiệm của Thẩm phán, nâng cao chất lượng xét xử, tạo cơ chế để nhân dân giám sát hoạt động tư pháp.
Thẩm phán có sự e ngại, nể nang đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương
Báo cáo thẩm tra báo cáo công tác của các Tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga trình bày cũng đưa ra quan điểm đồng tình, ghi nhận những kết quả đạt được của Tòa án nhân dân tối cao trong nhiệm kỳ vừa qua.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, đối với công tác xét xử các vụ án hình sự, vẫn còn một số trường hợp phải hủy, sửa án do nguyên nhân chủ quan. Một số trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo chưa chính xác.
Về công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, một số vụ án kinh doanh thương mại, giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp thời gian giải quyết còn dài. Có trường hợp sau khi tuyên án, đương sự phản ứng bức xúc với kết quả xét xử.
"Về công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội; một số vụ án, Thẩm phán có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương" - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ.