• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chạnh lòng những ngày giáp Tết ở “xóm chạy thận”

Thời sự 11/02/2018 20:00

(Tổ Quốc) - Mỗi người một hoàn cảnh, một quê hương khác nhau, nhưng họ đều mắc chung một căn bệnh và nhà trọ như ngôi nhà thứ 2 của họ. Mong muốn của họ chỉ là muốn có được một cái Tết trọn vẹn như bao người bình thường khác.

Đó là những tâm sự, giải bày của những bệnh nhân chạy thận ở dãy nhà trọ lụp xụp nằm khuất sau Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình).

Bệnh tật lấy đi cả tuổi xuân

Chúng tôi đến “xóm chạy thận” nằm khuất sau bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) vào một ngày cuối năm Đinh Dậu. Khi ngoài kia, người người đang tất bật mua sắm, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, thì những bệnh nhân chạy thân ở đây vẫn lặng lẽ ở xóm trọ chờ đến lịch chạy thận.

Gọi là “xóm chạy thận”, vì dãy nhà trọ này được những người mắc bệnh thận thuê để tiện chạy chữa bệnh tật. Những bệnh nhân ở đây còn gọi với cái tên là “xóm Lương Sơn Bạc”, với giải thích là vì người từ 4 phương 8 hướng đều về đây cả.

 Đã ở cái tuổi xế chiều, vợ chồng ông bà Hoàng Thị Liên phải dắt nhau đi ở trọ để chạy chữa bệnh tật.
 Anh Lê Ngọc Vượng chỉ mong được đón một cái Tết trọn vẹn cùng với gia đình.

Dãy nhà trọ này khá lụp xụp, phần lớn những bệnh nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, họ quanh năm suốt tháng ở đây và coi đó như nhà của mình.

Có những người đã tá túc ở đây cả chục năm trời, bệnh tật đã lấy đi tuổi xuân của họ, khiến những ước mơ, hoài bão của họ trở nên dang dở.

Vừa mới trở về từ bệnh viện, tay còn dán đầy băng keo y tế vì mới chạy thận xong, chị Nguyễn Thị Thương (35 tuổi, quê ở xã Lê Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) khó nhọc bước từng bước vào phòng trọ.

Gần chục năm trời, chị chống chọi với căn bệnh thận. Tuổi thanh xuân, bao nhiều hoài bão, ước mơ của chị cũng tan biến, thay vào đó là những chuỗi ngày chị lê những bước chân mệt mỏi vào bệnh viện.

Chị Thương tâm sự, cách đây 9 năm trước, chị tốt nghiệp trung cấp kế toán ở một trường tại Đà Nẵng. Vừa xin được việc và đi làm được đúng hai ngày thì chị phát bệnh.

Sau đó, chị ra Huế khám thì được chẩn đoán bị suy thận. Để chắc chắn, gia đình đưa chị vào Sài Gòn khám lại nhưng kết quả vẫn như vậy. Từ đó, chị về bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba (Đồng Hới) chạy thận và tá túc ở “xóm Lương Sơn Bạc” đến bây giờ.

“Khi xin được việc rồi đi làm, tôi thấy vui và ấp ủ nhiều dự định lắm, nhưng số mình không may mắn. Giờ thì chỉ biết sống chung với bệnh tật thôi chứ biết sao được.

Bình thường thì tôi ở một mình, chỉ những khi đau nặng mẹ tôi mới tới ở cùng. Ngoài những lúc đến bệnh viện chạy thận, thì tôi đi nhặt ve chai bán kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống, đỡ cho ba mẹ một phần nào đó”, chị Thương nói.

Quảng thời gian gần chục năm trời chạy thận đã lấy đi tất cả tuổi thanh xuân, nỗi đau hằn rõ trên gương mặt, vóc dáng của chị.

 Ngoài giờ chạy thận, những bệnh nhân ở đây làm đủ nghề như: nhặt ve chai, giấy, chạy xe ôm… để có thêm tiền trang trải cuộc sống.
 Dãy trọ lụp xụp của những bệnh nhân chạy thận.

Đã ở cái tuổi xế chiều, nhưng bà Hoàng Thị Liên (77 tuổi), ở xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy cũng mắc phải căn bệnh quái ác này 1 năm nay. Ở tuổi này, lẽ ra vợ chồng bà được ở nhà an hưởng tuổi già cùng các con, cháu thì lại phải dắt nhau lên đây ở trọ chạy chữa bệnh tật.

Hàng ngày, hai ông bà ở phòng trọ lụp xụp, rau cháu nuôi nhau, đến ngày chạy thận, ông Trần Duy Đặng (75 tuổi, chồng bà Liên) lại dắt vợ lên bệnh viện.

Bà Liên tâm sự: “Đến tết là lại thấy buồn. Chỉ ước mình vẫn khỏe mạnh để đón năm mới với các con, các cháu như trước đây”.

Ước một lần được đón Tết trọn vẹn

Cả “xóm trọ chạy thận” hiện có 13 người, khi hỏi đến tết thì ai cũng buồn bã. Bao nhiều năm ở đây là chừng đó thời gian họ không có được những cái tết trọn vẹn như bao người bình thường khác.

Năm nay mới 26 tuổi, nhưng anh Lê Ngọc Vượng, quê ở xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa đã phải ở xóm trọ này 12 năm nay. Tuổi thanh xuân của anh gắn liền với những chuỗi ngày chạy thận trong bệnh viện. Anh chỉ mong ước được một lần đón Tết trọn vẹn cùng gia đình như trước khi anh chưa mắc bệnh.

12 năm qua, bà Cao Thị Thoại (65 tuổi, mẹ anh Vượng bỏ không ngôi nhà ở quê để lên đây ở trọ chăm con bệnh tật. Để có tiền trang trại cuộc sống, hàng ngày bà Vượng đi lượm lặt ve chai về bán.

 “Bố nó mất sớm, ở quê thì làm nông nên cũng chẳng dư dả gì. Lên đây ở, đi nhặt ve chai mỗi tháng chỉ được mấy trăm ngàn, trong khi đó tiền thuốc cho con, rồi tiền nhà trọ mỗi tháng phải 4-5 triệu, chưa kể lúc con bị đau nặng thì còn hơn nữa. May còn có mấy anh chị nó hỗ trợ chứ hai mẹ con không biết kiếm đâu ra tiền để ăn uống và chạy chữa bệnh tật”, bà Thoại buồn bã nói.

 Bệnh tật đã lấy đi tuổi thanh xuân, ước mơ, hoài bão của chị Nguyễn Thị Thương.

Khi được hỏi về đón Tết cổ truyền, anh Vượng nghẹn ngào: “12 năm qua, em chưa từng có được cái tết nào trọn vẹn. Đến 29 tết hai mẹ con mới dắt nhau về quê. Mẹ chỉ kịp dọn dẹp và làm mấy thứ cúng ông bà, tổ tiê. Về được mấy ngày thì lại vào cho kịp để chạy thận. Em chỉ ước có được một lần đón tết trọn vẹn cùng gia đình, nhưng với em bây giờ điều đó thật xa vời”.

Theo những bệnh nhân ở “xóm chạy thận”, có lúc đỉnh điểm xóm này có gần 20 người cùng trú chân, căn bệnh quái ác đã vắt kiệt sức của họ, kinh tế gia đình ngày càng rơi vào cảnh túng quẫn, cùng cực. Thế nhưng, họ vẫn từng ngày cố gắng giành lấy sự sống, vẫn lạc quan để chiến đấu với bệnh tật.

Hải Thanh

Hải Thanh

NỔI BẬT TRANG CHỦ